|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Tìm vốn ở trái phiếu, các ngân hàng chạy đua với Basel II

08:00 | 15/06/2018
Chia sẻ
Dưới áp lực tăng vốn, trong nửa năm trở lại đây, nhiều ngân hàng chọn việc phát hành trái phiếu để tăng vốn cấp 2. Đây được xem là một lựa chọn phù hợp khi phương thức tăng vốn cấp 1 gặp khó khăn.
tim von o trai phieu cac ngan hang chay dua voi basel ii HDBank tiếp tục phát hành 1.000 tỷ đồng trái phiếu tăng vốn cấp 2

Thuận lợi tăng vốn bằng trái phiếu

Việc sử dụng hình thức phát hành trái phiếu để tăng vốn đang ngày trở nên thường xuyên hơn đối với các ngân hàng thương mại hiện nay. Từ đầu năm, nhiều ngân hàng lên kế hoạch phát hành hàng nghìn tỷ đồng trái phiếu.

Mới đây nhất HDBank công bố phát hành 1.000 tỷ đồng trái phiếu trung dài hạn để bổ sung vốn. Trước đó vào giữa tháng 4, ngân hàng cũng ra thông báo phát hành 5.000 tỷ đồng trái phiếu.

VietinBank cũng là một trong những NHTM nhà nước đi đầu trong việc tăng vốn với việc dự kiến phát hành 400.000 trái phiếu mệnh giá 10 triệu đồng vào ngày 28/6 tới nhằm tăng vốn cấp 2 thêm 4.000 tỷ đồng. Nguồn tiền thu được từ việc phát hành sẽ được VietinBank sử dụng để cho vay trung dài hạn. Năm 2017, ngân hàng cũng đã huy động được 4.200 tỷ đồng từ trái phiếu, hơn nửa số vốn đó được rót vào dự án thép và giao thông vận tải.

Trong tháng 1/2018, VIB hoàn tất phát hành 2.800 tỷ đồng trái phiếu với mệnh giá 1 tỷ đồng/trái phiếu. Nguồn tiền thu về dùng để tăng quy mô vốn hoạt động của VIB. Trước đó cuối tháng 12/2017, VIB cũng tăng vốn cấp 2 thêm 1.100 tỷ đồng nhờ phương thức này.

tim von o trai phieu cac ngan hang chay dua voi basel ii
Sử dụng trái phiếu để tăng vốn (Ảnh minh hoạ)

Vì sao chọn tăng vốn cấp 2?

Tăng vốn là bài toán muôn thuở của các ngân hàng nhằm tăng trưởng kinh doanh và càng trở nên cần thiết để chuẩn bị cho áp dụng Basel II đối với các ngân hàng Việt Nam. Các ngân hàng có thể lựa chọn tăng vốn cấp 1 (vốn từ cổ đông hiện hữu, phát hành thêm cổ phiếu, sáp nhập,...) hoặc tăng vốn cấp 2.

Theo một chuyên gia tài chính, việc sử dụng nguồn vốn từ trái phiếu vừa đáp ứng được yêu cầu đảm bảo về hệ số an toàn vốn tối thiểu (CAR) và vừa giúp cân đối kỳ hạn nguồn vốn khi quy định về tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn dự kiến sẽ giảm xuống mức 45% từ 1/1/2018.

Và dường như hình thức phát hành trái phiếu để tăng vốn cấp 2 cũng trở nên được "ưa thích" hơn do thuận tiện và không yêu cầu nhiều thủ tục phức tạp rườm rà như tăng vốn cấp 1. Tuy nhiên cũng không thể phủ nhận hai hình thức này có mối quan hệ tương hỗ lẫn nhau khi đều góp phần củng cố uy tín của ngân hàng đối với nhà đầu tư. Trái phiếu chuyển đổi cũng có thể là công cụ tăng vốn trong tương lai.

Như HDBank, sau thành công trong việc niêm yết trên HOSE, ngân hàng vào Top 10 tổ chức có vốn hoá lớn nhất thị trường đã thu hút được sự thu hút của không ít nhà đầu tư trong và ngoài nước. Điều này góp phần tăng uy tín của ngân hàng và từ đó hỗ trợ cho việc phát hành trái phiếu sau này. Techcombank tăng vốn thêm hơn 2.000 tỷ đồng nhờ chuyển đổi trái phiếu phát hành trước đó.

Mặc dù vậy, tăng vốn bằng trái phiếu cũng không phải là hoàn toàn ưu điểm. Bán trái phiếu chính là mua nợ, chịu ảnh hưởng bởi lãi suất, thị trường. Ngân hàng không thể lạm dụng hình thức này mà phát hành quá nhiều trái phiếu vì sẽ dẫn đến nguy cơ mất cân đối vốn, cơ cấu tài sản.

Tăng vốn cấp 1 gặp nhiều "trắc trở"

Theo thống kê của NHNN tính đến hết tháng 2/2018, CAR của toàn hệ thống đạt 11,98%. Trong đó nhóm NHTM nhà nước có hệ số thấp nhất chỉ ở mức 9,36%. Nếu áp dụng cách tính theo Basel II, CAR có thể sẽ giảm xuống dưới 8%. Theo mô hình dự báo của Uỷ ban Giám sát Tài Chính Quốc gia, những ngân hàng này dự kiến phải tăng vốn tự có gấp 1,8 - 2 lần so với cuối năm 2017 mới có thể đáp ứng được Basel II.

Mặc dù xác định "việc tăng vốn tự có là vấn đề vô cùng cấp bách của VietinBank trong năm 2018", theo ông Nguyễn Văn Thắng - Chủ tịch HĐQT, nhưng việc tăng vốn cấp 1 gặp nhiều khó khăn. Lãnh đạo VietinBank cho biết, ngân hàng cũng đã gửi hồ sơ xin tăng vốn cấp 1 lên NHNN nhưng đợt huy động vốn nói trên vẫn trong giai đoạn đầu và khó có thể được thực hiện trong năm 2018. Do đó, ngân hàng lựa chọn tăng vốn cấp 2 để duy trì hệ số CAR tối thiểu.

BIDV cũng loay hoay khá lâu với kế hoạch tăng vốn. Ngân hàng bắt đầu công tác chuẩn bị cho cấu phần lựa chọn NĐT nước ngoài từ năm 2015 thông qua hoạt động tiếp tục với nhà đầu tư tiềm năng nhưng nay vẫn chưa có kết quả.

Năm 2017, BIDV đề ra kế hoạch tăng vốn điều lệ thêm 4.445 tỷ đồng với 3 phương án gồm ESOP, phát hành cổ phiếu riêng lẻ và trả cổ tức bằng cổ phiếu nhưng đều không thành công. Đại hội cổ đông năm nay, BIDV tiếp tục kế hoạch nâng vốn điều lệ từ 34.187 tỷ lên 43.638 tỷ đồng với hai phương án chào bán cho nhà đầu tư nước ngoài và người lao động.

Tại Vietcombank, NHNN đã chấp thuận phương án phát hành riêng lẻ 10% cho cổ đông nước ngoài với tối đa 10 nhà đầu tư. Dự kiến nhà đầu tư chiến lược Mizuho sẽ tiếp tục mua để đảm bảo tỷ lệ sở hữu là 15%.

Nhiều kế hoạch được đưa ra và đã từng bắt tay thực hiện nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả rõ rệt, cho thấy con đường tăng vốn của ngân hàng thật không dễ.

Xem thêm

Diệp Bình