|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Tìm hiểu thị trường Maroc: Những rào cản thương mại đối với hàng hóa nhập khẩu

15:07 | 11/12/2020
Chia sẻ
Rào cản thương mại lớn nhất tại Maroc chính là thuế quan nhập khẩu đối với hàng hóa quá cao.

Đồ họa: TV

Đồ họa: TV

Thuế quan nhập khẩu cao

Theo Thương vụ Việt Nam tại Maroc, rào cản thương mại lớn nhất tại Maroc chính là thuế quan nhập khẩu đối với hàng hóa quá cao.

Mặc dù Maroc tiến hành cắt giảm thuế quan cách đây gần 30 năm kể từ sau khi gia nhập Hiệp ước chung về thuế quan và mậu dịch (GATT - General Agreement on Tariffs and Trade) nhưng nước này vẫn duy trì những tỉ suất thuế rất cao đối với một số sản phẩm nông nghiệp hay công nghiệp.

Hiện tại, các mức thuế quan cơ bản gồm có 0%, 2,5%, 10%, 17,5%, 25%, 35% và 50%; trong đó mức trung bình đối với đa số mặt hàng là 30%.

Những sản phẩm có mức bảo hộ cao phần lớn là sản phẩm công nghiệp như hàng công nghiệp thực phẩm, plastic, da, sản phẩm gỗ, giấy, vải, giày dép, sản phẩm làm bằng đá, kim loại.

Ngoài ra, thuế nhập khẩu cũng rất cao đối sản phẩm nông nghiệp như các loại ngũ cốc và thịt. Động vật sống chịu thuế suất lên tới 300% và thuế nhập khẩu còn cao hơn đối với sản phẩm thịt.

Khi phát sinh tranh chấp hoặc không tuân thủ hợp đồng, rất khó cho nhà xuất khẩu nước ngoài để theo đuổi và thắng kiện. Vụ kiện do các hệ thống tòa án thương mại hoạt động chưa hiệu quả, minh bạch.

Đôi khi chi phí theo kiện còn cao hơn chi phí lô hàng, gây khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu nước ngoài.

Rào cản phi thuế quan

Giấy phép nhập khẩu

Về rào cản phi thuế quan, Maroc vẫn áp dụng giấy phép xuất nhập khẩu để quản lí chặt lưu lượng hàng hóa, nhất là các sản phẩm có khả năng gây ảnh hưởng đến một lĩnh vực sản xuất trong nước nào đó.

Những hàng rào phi thuế được áp dụng phổ biến nhất trong lĩnh vực dệt, trang thiết bị vận tải, giày dép, sản phẩm dệt kim, động vật sống và thức ăn chế biến.

Nhưng phần lớn việc kiểm tra hàng nhập khẩu tập trung vào việc kinh doanh sản phẩm được ghi trong các Công ước quốc tế về buôn bán các loài động vật đang gặp nguy hiểm, Công ước Viên về tầng ozone, Công ước Basilée về chất thải nguy hiểm và cuốn London Guidelines về kinh doanh hoá chất.

Bộ Nông nghiệp Maroc có thể ra lệnh cấm tạm thời việc nhập khẩu một số sản phẩm có nguồn gốc từ động vật với lí do bảo vệ sức khoẻ người tiêu dùng.

Các sản phẩm có thể nhập khẩu tự do phải có Cam kết nhập khẩu (thông thường) hoặc Khai báo nhập khẩu trước trong trường hợp hàng nhập khẩu đe doạ sản xuất trong nước như chuối, táo và sữa bột...

Tiêu chuẩn và yêu cầu kĩ thuật

Đa số tiêu chuẩn và yêu cầu kĩ thuật của Maroc dựa trên tiêu chuẩn ISO mà Maroc đã tham gia và Bộ luật về lương thực thực phẩm của Tổ chức Y Tế thế giới, của FAO và của Hiệp hội tiêu chuẩn của Pháp.

Liên quan đến động vật, các tiêu chuẩn kĩ thuật cũng căn cứ vào tiêu chuẩn của Cơ quan sức khoẻ động vật quốc tế. Do vậy, cần phải có chứng chỉ y tế đối với những sản phẩm có nguồn gốc từ động vật được nhập khẩu để chế biến chẳng hạn như gà và trứng.

Nhập khẩu thuốc cũng phải đăng kí trước tại Cơ quan quản lí dược và được Phòng kiểm định thuốc quốc gia đồng ý. Ngoài ra còn có những quy định về nhãn mác, đóng gói, mô tả hàng hoá, thành phần, xuất xứ, cũng như các thông tin hướng dẫn khác.

Định giá

Vấn đề định giá tại Maroc, chỉ định giá kinh doanh cũng khá phổ biến đối với các sản phẩm được trợ cấp, các thị trường độc quyền, các dịch vụ công cộng và một số sản phẩm và dịch vụ xã hội như điện, nước, bảo hiểm bắt buộc đối với xe cộ, sách học sinh, vận tải và dược phẩm. 

Đối với một số trường hợp, giá có thể được các lãnh đạo ngành quyết định sau khi tham khảo ý kiến của Uỷ ban liên bộ phụ trách việc điều chỉnh giá.

Sản phẩm nhà nước Maroc độc quyền

Còn có các hàng rào phi thuế quan khác xuất phát từ những sản phẩm độc quyền của Nhà nước.

Mặc dù đã tiến hành tư nhân hoá, tự do hoá và giảm sự điều tiết của nhà nước từ những năm 90 đến nay, nhưng vẫn còn một số hoạt động mang tính độc quyền do các doanh nghiệp Nhà nước nắm giữ như lĩnh vực quản lí cảng biển, nhập khẩu dầu ăn, dầu lửa, vận tải biển, đường sắt, đường bộ, quản lí sân bay…

Chính sách thương mại

Về chính sách thương mại nông nghiệp của Maroc, có những biện pháp bảo hộ rất mạnh đối với ngành nông nghiệp do Chính phủ đánh giá đây là ngành quan trọng có đóng góp GDP cao, giải quyết công ăn việc làm lớn và đảm bảo sự chủ động trong vấn đề an ninh lương thực. 

Do nvậy, Maroc thường đánh thuế rất cao các mặt hàng nông sản và đôi khi sử dụng hạn ngạch nhập khẩu đối với hàng nông sản nhằm bảo vệ sản xuất trong nước.

Ánh Dương