Tìm đường cho dệt may vượt thách thức cách mạng công nghiệp thứ 4
|
Thách thức cho ngành dệt may
Theo đánh giá của ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) ngành dệt may sẽ gặp khó khăn trong giai đoạn sắp tới với sự tham gia của công nghệ, máy móc hiện đại thay thể dần nguồn lao động giá rẻ đang là lợi thế của Việt Nam hiện nay.
Nguy cơ "đưa dây chuyển trở về quê hương" của các nước Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc .. là điều Việt Nam có thể sẽ phải đổi. Bởi các quốc gia có trình độ khoa học kỹ thuật phát triển và chiếm tới gần 90% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng may mặc của Việt Nam.
Trong một thập niên tới dự báo, sản xuất xơ, sợi hóa học có khả năng thay thế cao, từ 40 - 50%. Các công đoạn sản xuất tơ, sợi tự nhiên, các công đoạn dệt, đặc biệt vải không dệt và khâu nhuộm, hoàn tất khả năng thay thế lao động con người bằng máy móc cũng khá cao.
Khi đó, cạnh tranh sẽ quyết liệt hơn, không chỉ thị trường hàng hóa mà cả ở thị trường lao động. Các doanh nghiệp dệt may Việt Nam đang tham gia vào phân đoạn có giá trị gia tăng thấp nhất trong chuỗi cung ứng toàn cầu. "Nếu không có sự thay đổi sẽ rơi vào bẫy sản xuất với giá trị gia tăng thấp", ông Cẩm đánh giá.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cũng cho rằng: "Cạnh tranh của Việt Nam từ năm 2020 trở đi không phải với Trung Quốc, Bangladesh, Malaysia, Ấn Độ hay Mexico mà là với những công ty tự động hóa của Mỹ, Nhật".
Theo ông Kiên, ngành dệt may sẽ đặc biệt gặp khó khăn. Hiện nay ở Mỹ - thị trường xuất khẩu trong top lớn nhất của Việt Nam, hình bóng các cửa hàng dệt may công nghệ cao may đo 24h với công nghệ 3D mô phỏng kì công như lao động thủ công đang quay trở lại California, Los Angeles.
Mặc dù đại diện Hiệp hội dệt may nhìn nhận công đoạn may, nhìn chung khả năng lạc quan hơn trước thách thức công nghệ vì có tính thời trang cao, nhu cầu phong phú, đa dạng về kiểu dáng, màu sắc, thị hiếu vùng miền, tuy nhiên, với ví dụ của mình, ông Nguyễn Đức Kiên cho rằng công nghệ mô phỏng 3D có thể thay thế phần lớn các chi tiết gia công đó. Do đó, thách thức đối với ngành dệt may rất lớn.
Bên cạnh đó, ngành dệt may Việt Nam hiện nay lại đang khá phụ thuộc vào khối FDI. Bằng chứng là doanh nghiệp đầu tư nước ngoài có nhiều lợi thế về vốn, công nghệ, thị trường hiện đã chiếm tới 65% kim ngạch xuất khẩu toàn ngành và ngày càng lấn lướt doanh nghiệp trong nước.
Đón đầu thách thức
Nhiều năm trở lại đây, dệt may nằm trong top 3 những ngành có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất. Từ những năm 1990 đến nay, ngành dệt may đã có sự phát triển vượt bậc từ 55 triệu USD xuất khẩu sang các nước Đông Âu, đến năm 2015 con số này đã lên tới 27 tỷ USD. Và có hơn 2,5 triệu lao động hiện đang làm việc trong ngành này.
Do đó, theo đánh giá của các chuyên gia, ngành dệt may gặp khó sẽ tác động đến nền kinh tế và tình hình lao động.
Kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may (1900 - 2016). (Số liệu: Hiệp hội dệt may. Đồ họa: Hằng Vũ). |
Vì vậy, cả ông Kiên và ông Cẩm đều có chung quan điểm cần đi sâu vào tạo giá trị gia tăng và sáng tạo cho công nghiệp dệt may.
Đưa ra khuyến nghị đối với doanh nghiệp, vị Phó Chủ tịch Vitas cho rằng, các doanh nghiệp cần có nhận thức đúng, tìm hiểu kỹ về công nghiệp 4.0, sự tác động của nó đến ngành dệt may bằng cái nhìn thực tế. Ngành sản xuất cần đi vào xu hướng thời trang, thị hiếu, thời tiết, vùng miền, tôn giáo, sản phẩm nhiều đẳng cấp với giá cả hợp lý.
Ngoài ra, theo ông Cẩm, các doanh nghiệp cần chuẩn bị nguồn lực về con người, vốn, công nghệ để có thể từng bước hiện đại hóa các khâu đã lựa chọn. Ngoài ra, ông này còn đưa ra lời khuyên cần liên kết với đối tác, khách hàng để nắm bắt xu hướng, nhu cầu đối với các loại sản phẩm có nguy cơ di chuyển sản xuất về lại thị trường đang tiêu thụ. Doanh nghiệp cần chuẩn bị và chuyển dần về thị trường nội địa.
Hơn hết, các doanh nghiệp cần tập trung đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu số hóa, áp dụng công nghệ in 3D trong thiết kế thời trang đáp ứng nhu cầu tiêu dùng đơn lẻ của khách hàng.
Đại diện Hiệp hội Dệt May Việt Nam cũng khuyến nghị Chính phủ Chính phủ tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tạo hành lang thông thoáng về pháp luật và chính sách.