|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

TikTok ra thêm dịch vụ mới nhằm giữ chân 1 tỷ người dùng ở lại lâu hơn trên nền tảng

07:02 | 14/10/2022
Chia sẻ
Resso, dịch vụ streaming nhạc của ByteDance, hiện mới chỉ hoạt động tại 3 thị trường.

 

 ByteDance đang mong muốn tìm kiếm các nguồn doanh thu mới. (Ảnh: WSJ).

ByteDance, công ty mẹ của TikTok, bắt đầu đàm phán với một số hãng thu âm để mở rộng dịch vụ streaming nhạc của mình ra toàn cầu. Với động thái này, ByteDance sẽ cạnh tranh trực tiếp với nhiều “ông lớn” ở mảng này như Spotify, WSJ dẫn lời nguồn tin thân cận với vấn đề.

Nguồn tin nói thêm rằng quá trình đàm phán vẫn còn nhiều rào cản. ByteDance cũng có mong muốn sẽ tích hợp dịch vụ streaming nhạc vào TikTok. Qua đó, TikTok sẽ trở thành một nền tảng phân phối âm nhạc lớn trên khắp thế giới.

Vài tháng trở lại đây, ByteDance đang muốn mở rộng dịch vụ streaming nhạc Resso ra thêm hơn 12 thị trường nữa. Hiện tại, dịch vụ này mới chỉ khả dụng ở Ấn Độ, Indonesia và Brazil. Mỹ không nằm trong danh sách các thị trường mở rộng tiếp theo của Resso. ByteDance khẳng định mong muốn đưa Resso ra toàn cầu. Qua đó, người dùng có thể khám phá âm nhạc qua các video ngắn và sau đó đăng ký sử dụng dịch vụ nghe nhạc này.

Theo WSJ, một trong những khó khăn trong đàm phán mà ByteDance đang gặp phải là những bất đồng giữa hai bên khi định giá những lợi ích về mặt quảng bá của TikTok cho các hãng thu âm.

Với sự phổ biến của mình, đặc biệt là đối với giới trẻ, TikTok đã đưa nhiều bài hát trở thành “hit”. Nhiều bài hát có mặt trên các bảng xếp hạng như Billboard Hot 100 nổi lên từ TikTok.

Tham vọng mở rộng sang mảng dịch vụ streaming nhạc của ByteDance thể hiện mong muốn giữ chân người dùng trong hệ sinh thái của mình của “ông lớn” công nghệ Trung Quốc. Dịch vụ mới sẽ mang đến doanh thu cho ByteDance nhưng thách thức nằm ở việc xác định mức chi phí mà ByteDance sẽ chi trả cho các hãng đĩa. Lúc này, các đối thủ như Spotify đã bắt đầu mở rộng sang các định dạng nội dung như podcast hay sách nói để có cơ hội cải thiện biên lợi nhuận.

Apple Music và YouTube cũng đang có các mảng kinh doanh stream nhạc với quy mô tương đối lớn để cạnh tranh người dùng. YouTube ngoài ra còn đang phát triển mảng video ngắn để thu hút đối tượng người dùng trẻ tương tự TikTok.

Doanh thu ByteDance đang tiếp tục mở rộng, tăng gần 80% lên mốc 61,7 tỷ USD vào năm 2021. Tập trung mạnh cho mục tiêu tăng trưởng, chi phí hoạt động của công ty này cũng tăng lên. Chi phí cho hoạt động bán hàng của ByteDance đạt 27,4 tỷ USD trong năm 2021, tăng gần 79% so với cùng kỳ năm ngoái, theo WSJ.

Để mở rộng dịch vụ streaming nhạc, ByteDance cần đạt được thoả thuận với nhiều hãng thu âm lớn. Nguồn tin thân cận với rằng ở ba thị trường mà Resso đang hoạt động lãnh đạo các hãng đĩa bày tỏ quan ngại về việc rất khó để có thể kiểm tiền thông qua Resso. Mới đây, Sony Music Group đã kết thúc hợp đồng với Resso.

Tương tự mô hình “freemium” của Spotify, Resso cho phép người dùng sử dụng dịch vụ miễn phí kèm quảng cáo. Bên cạnh đó, người dùng cũng có thể trả phí để nghe nhạc theo yêu cầu. Không nhiều người trả phí để dùng Resso, WSJ nói. Nguồn tin cho biết tỷ lệ chuyển đổi giữa người dùng miễn phí thành người dùng trả phí của Resso chỉ dừng lại ở 1 con số. Tỷ lệ chuyển đổi của Spotify trên toàn cầu lên tới 45%.

Ở một số thị trường như Indonesia, Resso đang thử nghiệm nhiều mô hình kinh doanh khác nhau, ví dụ như cho phép người dùng nghe nhạc miễn phí trong một khoảng thời gian nếu họ xem một quảng cáo video. Các hãng thu âm không phản đối cách làm này nhưng họ muốn nhận được một phần chia sẻ doanh thu. Resso khiến các hãng thu âm không hài lòng vì phiên bản miễn phí không có nhiều điểm khác biệt với phiên bản đăng ký sử dụng. Vì thế, không có nhiều động lực để các khách hàng trả tiền.

Nhiều đơn vị nắm bản quyền âm nhạc lớn đã cấp phép sử dụng nhạc cho các đoạn video ngắn trong TikTok. Dù vậy, các thoả thuận này cũng đang dần hết hạn. Nhiều hãng thu âm nói rằng ByteDance đang không muốn thanh toán các chi phí mà họ gọi là mức chung của thị trường. Các bản quyền dùng nhạc trong video ngắn không liên quan đến các thoả thuận dùng âm nhạc trong dịch vụ streaming.

Nam Khánh