|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

TikTok cho nhân viên nghỉ việc ngay lập tức sau khi bị phàn nàn về chế độ làm việc

21:06 | 01/01/2022
Chia sẻ
Một người kiểm duyệt nội dung tại TikTok đã đệ đơn kiện công ty vì không cung cấp môi trường làm việc an toàn, khiến cô bị sang chấn tâm lý.

Theo thông tin từ Business Insider, một nữ nhân viên quản trị nội dung có tên Candie Frazier làm việc cho TikTok đã đệ đơn kiện công ty vì không cung cấp môi trường làm việc an toàn, qua đó khiến cô mắc chứng rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD).        

Luật sư của Frazier, Steve Williams, nói rằng TikTok đã kỷ luật cô "để trả đũa" bằng cách cấm cô đi làm chỉ sau một ngày nộp đơn kiện. Đồng thời, ông Williams cho biết không rõ liệu thân chủ của mình có thể quay trở lại làm việc bình thường hay không.

Đơn kiện được đệ trình vào tuần trước lên tòa án tại California, nói rằng Frazier phải dành 12 giờ mỗi ngày để xem nội dung khó chịu, không lành mạnh. Trong khi làm việc, Frazier đã chứng kiến "hàng nghìn hành vi bạo lực cực đoan", bao gồm hiếp dâm trẻ em, chặt thịt động vật, tấn công tình dục và xả súng hàng loạt, theo nội dung đơn kiện.

"Do phải tiếp xúc liên tục với các nội dung không lành mạnh, Frazier đã mắc chứng PTSD. Cô ấy thường xuyên căng thẳng, lo lắng và phiền muộn", ông Williams nhấn mạnh. Đơn kiện cũng nói rằng Frazier có những cơn ác mộng kinh hoàng và thường nghĩ đến những đoạn video mà cô ấy đã nhìn thấy trong đầu khi cố gắng ngủ.

TikTok bị kiện vì khiến nhân viên sang chấn tâm lý - Ảnh 1.

Nhân viên kiểm duyệt nội dung trên TikTok sang chấn tâm lý vì phải xem quá nhiều video có nội dung không lành mạnh. (Ảnh: BBC).

Đơn kiện cáo buộc rằng mặc dù nhận thức được mức độ ảnh hưởng của công việc kiểm duyệt nội dung song cả ByteDance và TikTok đã không thực hiện các tiêu chuẩn an toàn trong toàn ngành, chẳng hạn như tắt âm thanh, thu nhỏ hoặc làm mờ các hình ảnh không lành mạnh. Ngoài ra, đơn kiện cũng cáo buộc công ty không cung cấp các chế độ hỗ trợ sức khỏe tinh thần đầy đủ.

Người kiểm duyệt nội dung thường phải xem hàng chục video do khối lượng video khổng lồ đăng tải trên TikTok mỗi ngày, vì thế những người làm công việc này cần có những hỗ trợ về mặt sức khỏe tinh thần.

ByteDance và TikTok có thể giám sát những người kiểm duyệt nội dung thông qua một chương trình xem xét video độc quyền để xác minh rằng họ tuân thủ nghiêm ngặt thời gian làm việc. Kỳ lân công nghệ lớn nhất thế giới này hoàn toàn có thể giam tiền lương nếu phát hiện nhân viên nghỉ quá số giờ quy định.

Người phát ngôn của TikTok đã từ chối bình luận về vụ việc, nhưng nói rằng nền tảng này đã cố gắng thúc đẩy một môi trường làm việc quan tâm đến nhân viên và nhà cung cấp. Trong thời gian tới, ByteDance và TikTok sẽ tiếp tục mở rộng một loạt các dịch vụ chăm sóc sức khỏe để hỗ trợ tinh thần và cảm xúc của những người kiểm duyệt nội dung. Khi được hỏi về tuyên bố của Williams rằng Frazier đã bị khiển trách và không thể làm việc sau vụ kiện, TikTok từ chối đưa ra bình luận.

Frazier được tuyển dụng bởi công ty Telus International, công ty ký hợp đồng với người kiểm duyệt nội dung cho TikTok. Sau đó, cô trở thành người kiểm duyệt nội dung cấp một kể từ tháng 1/2018. Phía Telus International không được nêu tên trong đơn kiện, đã từ chối đưa ra bình luận.

Frazier đang yêu cầu bồi thẩm đoàn xét xử và bồi thường cho bản thân cũng như những người kiểm duyệt nội dung khác tại Mỹ, những người đã tiếp xúc với các video và hình ảnh không lành mạnh trên TikTok. Ngoài ra, cô muốn TikTok và ByteDance hỗ trợ và điều trị sức khỏe tinh thần cho những người kiểm duyệt nội dung.

Những người kiểm duyệt nội dung cáo buộc rằng họ đã mắc phải các vấn đề tâm lý do tính chất công việc. Đây không chỉ là vấn đề của TikTok mà còn là vấn đề chung của các nền tảng truyền thông mạng xã hội khác. 

Facebook đã trả 52 triệu USD trong một thỏa thuận năm 2020 cho những người kiểm duyệt được chẩn đoán mắc PTSD. Tờ The Verge đã gọi là đây là một sự thừa nhận mang tính bước ngoặt đối với nghề kiểm duyệt nội dung.

Quốc Anh