|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Tiêu thụ thuỷ sản của Trung Quốc vẫn chưa khởi sắc

11:31 | 07/06/2023
Chia sẻ
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản (VASEP) cho biết theo thống kê của Hải quan Trung Quốc, 4 tháng đầu năm nay, thị trường này đã nhập khẩu 1,26 triệu tấn thủy sản, trị giá 5,8 tỷ USD, tăng 6% về lượng và 10% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022.

Riêng trong tháng 4/2023, Trung Quốc nhập khẩu gần 490 nghìn tấn thủy sản, trị giá gần 1,8 tỷ USD, tăng lần lượt 61% và 48% so với tháng 4/2022. Trong 4 tháng đầu năm, khối lượng nhập khẩu trong tháng 4 đạt mức cao nhất.

Nhập khẩu tôm các loại chiếm tỷ trọng cao nhất, 30% về khối lượng và 43% về giá trị. Trong 4 tháng đầu năm, thị trường này đã nhập khẩu gần 359 nghìn tấn tôm, trị giá trên 2,4 tỷ USD. Trong đó, tôm nước ấm (tôm chân trắng, tôm sú) nhập khẩu vào Trung Quốc đạt 322 nghìn tấn, trị giá tên 1,8 tỷ USD, là sản phẩm được nhập khẩu nhiều nhất cả về khối lượng và giá trị. Giá trung bình nhập khẩu tôm vào Trung Quốc đạt 5,6 USD/kg).

 

 Số liệu: Hải quan Trung Quốc, VASEP (H.Mĩ tổng hợp)

 

Ecuador, Ấn Độ và Canada là 3 nước có giá trị nhập khẩu tôm nhiều nhất vào Trung Quốc: chiếm lần lượt 50%, 9% và 11%. Việt Nam là nguồn cung thứ 11 và có mức sụt giảm mạnh nhất tại thị trường này.

Nhập khẩu cá tra vào Trung Quốc chiếm 4% về khối lượng và 2% về giá trị với. Trong 4 tháng đầu năm nay, Trung Quốc nhập khẩu 52,5 nghìn tấn cá tra Việt Nam. Giá trung bình nhập khẩu liên tục sụt giảm, từ 2,27 USD trong tháng 1 xuống 2,14 USD trong tháng 4. So với cùng kỳ năm ngoái, giá trung bình nhập khẩu cá tra vào Trung Quốc giảm 3% -14%.

Các loài thủy hải sản khác chiếm 67% khối lượng và 55% giá trị nhập khẩu thủy sản vào Trung Quốc trong 4 tháng đầu năm nay, với 828 nghìn tấn, trị giá trên 3,1 tỷ USD, tăng 10% về giá trị và khối lượng tương đương cùng kỳ năm 2022.

Sau khi Trung Quốc dỡ bỏ kiểm soát Covid-19, mở cửa trở lại, giới kinh doanh thủy sản toàn cầu đều kỳ vọng vào sự bùng nổ nhu cầu dựa trên giả định: sau 3 năm bị hạn chế, người dân có nhiều tiền tiết kiệm và có khả năng tăng chi tiêu trong một bối cảnh mới.

Tuy nhiên, thực tế sự đột phá tiêu thụ của thị trường nội địa Trung Quốc có vẻ không như dự đoán. Các chuyên gia thị trường đều nhận ra một thực tế ba năm áp dụng các biện pháp kiểm soát Covid-19 đã làm suy yếu nghiêm trọng khả năng chi tiêu của nhiều hộ gia đình Trung Quốc, kể cả tầng lớp trung lưu thành thị.  

Bối cảnh khiến tiêu dùng còn dè dặt là lương giảm và cắt giảm việc làm trong các lĩnh vực khác nhau, từ công nghệ đến dịch vụ tài chính.

Bên cạnh đó, chi tiêu của những người trẻ tuổi – nhóm nhân khẩu tiêu dùng tích cực nhất của Trung Quốc, đã bị ảnh hưởng bởi tình trạng thất nghiệp, với tỷ lệ 20% dân số trẻ này bị thất nghiệp. Người ta cho rằng, người Trung Quốc chỉ có thể tăng chi tiêu mạnh mẽ hơn, khi mà thu nhập của người dân được tăng lên.

Nhập khẩu thủy sản vào Trung Quốc tăng có một phần đáng kể dành cho hoạt động gia công và chế biến xuất khẩu của đại lục này. Trung Quốc là một cường quốc về chế biến thủy sản với khoảng 9,2-9,3 nghìn cơ sở chế biến, tổng công suất 28,5 triệu tấn/năm.  

"Thị trường Trung Quốc ít nhiều đang có những tín hiệu tích cực hơn, nhất là sau lễ hội mùa xuân, lĩnh vực du lịch đang thu hút nhiều hơn người dân Trung Quốc, cũng như khách du lịch quốc tế. Kỳ vọng từ mùa hè năm nay, thị trường sẽ sôi động dần trở lại", VASEP nhận định.

 

H.Mĩ