|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Tiêu thụ thịt heo dịp Tết năm nay có thể không cao như mọi năm?

20:17 | 17/01/2022
Chia sẻ
Tiêu thụ thịt heo trong dịp Tết Nguyên đán năm nay có thể tăng 10 - 12% so với các tháng. Tuy nhiên, lượng tiêu thụ có thể không cao như mọi năm do thu nhập của người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Chia sẻ bên lề hội nghị tổng kết ngành chăn nuôi, ông Nguyễn Văn Trọng, Nguyên Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết nhu cầu tiêu thụ thịt heo dịp Tết năm nay dự kiến tăng 10 - 12% so với bình thường nhưng sẽ vẫn thấp hơn so với mọi năm.

"Vừa qua, thu nhập người tiêu dùng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 do đó lượng tiêu thụ chưa cao như mọi năm", ông Trọng nói.

Mặc dù vậy, vị này cho rằng người dân có thể "bán non" (khoảng 80kg/con thay vì 100 - 120 kg/con) trong dịp sát Tết Nguyên đán nếu giá tăng cao. 

Hai tuần đầu tháng 1, giá heo hơi có xu hướng khởi sắc khi tăng 6.000 – 7.000 đồng/kg, từ mức 46.000 – 47.000 đồng/kg lên mức 52.000 – 55.000 đồng/kg. Đợt tăng này một phần nhờ các nhà hàng, quán ăn bắt đầu gom thịt chế biến các món ăn truyền thống như giò, chả…

Tuy nhiên, theo tính toán của ông Trọng với mức giá hiện tại người chăn nuôi vẫn đang hòa vốn hoặc thậm chí một số hộ lỗ "nhẹ". Còn với doanh nghiệp chăn nuôi khép kín, mức giá trên đã đảm bảo việc sinh lời.

Theo VTV, các trang trại, hộ chăn nuôi heo và bò cũng chuẩn bị sẵn sàng để đưa nguồn cung ra thị trường dịp cuối năm.

"Giá ngoài thị trường thế giới đang rất là cao, tuy nhiên để giảm bớt gánh nặng cho nền kinh tế và hỗ trợ người dân trong thời điểm khó khăn này, chúng tôi cam kết giá sẽ không tăng tại thời điểm Tết", bà Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Tài chính Công ty CP Đông Thành, nhận định.

Theo số liệu của Cục Chăn nuôi tổng đàn heo cả nước tính đến hết năm 2021 đạt khoảng 28 triệu con cao hơn khoảng 6% so với năm 2020. Cục Chăn nuôi khẳng định với số lượng đàn heo như hiện nay sẽ không xảy ra tình trạng khan hiếm hàng trong dịp Tết.

Dự báo chung cho năm 2022, ông Trọng cho rằng thị trường chăn nuôi heo sẽ tiếp tục khó khăn bởi yếu tố dịch COVID-19 và dịch tả heo châu Phi vẫn phức tạp. 

"Nếu tình hình dịch bệnh trên cả người và gia súc diễn biến xấu hơn thì không biết điều gì sẽ xảy ra. Ở chiều ngược lại, nếu dịch bệnh được kiểm soát, người dân có thu nhập thì lượng tiêu thụ mới có thể tăng mạnh trở lại. Điều này giúp ngành chăn nuôi bền vững hơn", ông Trọng nói.

Ngoài ra, vị này cho biết thêm mặc dù chăn nuôi nông hộ đã giảm nhiều nhưng vẫn còn chiếm tỷ trọng lớn do đó, việc đảm bảo an toàn sinh học và truy xuất nguồn gốc còn rất khó khăn.

Theo đó, dưới tác động của dịch tả heo châu Phi và đại dịch COVID-19 trong suốt 3 năm qua, số nông hộ nuôi heo giảm hơn một nửa, từ 4 triệu hộ xuống dưới 2 triệu hộ. Việc không đủ điều kiện đảm bảo an toàn sinh học trong thời điểm dịch tả heo Châu Phi bùng phát, trong khi chưa có vắc xin dẫn đến heo chết hàng loạt, nhiều hộ bỏ chuồng.

Mặc dù vậy, nông hộ nuôi heo hiện vẫn chiếm tỷ trọng khoảng 40%, còn lại là trang trại và doanh nghiệp chăn nuôi theo quy mô lớn.

Đây cũng là rào cản lớn khiến thịt heo đông lạnh của Việt Nam chưa thể xuất khẩu đi các nước. 

H.Mĩ

Thủ tướng giao nhiệm vụ vận động Mỹ sớm công nhận kinh tế thị trường của Việt Nam cho ngành ngoại giao
Thủ tướng giao nhiệm vụ cho các Đại sứ, Trưởng cơ quan Việt Nam tại nước ngoài vận động Mỹ đưa Việt Nam ra khỏi nhóm hạn chế xuất khẩu về công nghệ và sớm công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường