Tiêu thụ thép tiếp tục giảm trong tháng 9
Theo số liệu từ Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) trong tháng 9, sản xuất thép thành phẩm của Việt Nam đạt 2,4 triệu tấn, tăng 23% so với tháng 8 và tăng 2% so với cùng kỳ 2021.
Tuy nhiên, nhu cầu tiêu thụ yếu vẫn đặt ra nhiều thách thức cho các nhà sản xuất thép khi sản lượng bán hàng thép các loại chỉ đạt gần 2 triệu tấn, giảm 7% so với tháng trước đó và giảm 10% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tính chung quý III, sản lượng bán hàng thép thành phẩm đạt 6 triệu tấn, giảm lần lượt 13% và 10,5% so với so với quý I và quý II. Trong đó, xuất khẩu thép đạt 1,2 triệu tấn, giảm 33,46% so với quý II và giảm gần 26% so với quý I.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, sản xuất thép thành phẩm đạt 23,2 triệu tấn, giảm 6% so với cùng kỳ năm 2021. Bán hàng thép thành phẩm đạt 21,2 triệu tấn, giảm 3% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó xuất khẩu đạt 4,8 triệu tấn, giảm 16% so với cùng kỳ năm ngoái.
Việc giá các nguyên liệu sản xuất thép biến động mạnh, cụ thể như quặng sắt, than mỡ luyện cốc hay thép phế liệu nhập khẩu từ đầu quý II đến nay liên tục đi xuống, mức giảm liên tới 50% đã làm giảm bớt áp lực về chi phí cho các doanh nghiệp sản xuất Việt Nam.
Tính đến thời điểm này đã có ba doanh nghiệp thép niêm yết báo lỗ trong quý III/2022, bao gồm thép Thủ Đức, thép Vicasa và Gang Thép Thái Nguyên.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý III của CTCP Thép Thủ Đức - VNSteel (Mã: TDS), công ty kinh doanh dưới giá vốn nên lỗ gộp gần 21 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi gộp 5 tỷ. Thép Thủ Đức ghi nhận lỗ sau thuế gần 22 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ 643 triệu đồng) và đây cũng là quý thua lỗ nhiều nhất của công ty kể từ khi cổ phần hoá vào năm 2008.
Tương tự, CTCP Thép Vicasa - VNSteel (Mã: VCA) cũngkinh doanh dưới giá vốn nên lỗ gộp gần 10 tỷ đồng vàlỗ sau thuế gần 22 tỷ đồng quý III, trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi sau thuế gần 2 tỷ đồng.
CTCP Gang Thép Thái Nguyên (Tisco, Mã: TIS) cũng vừa công bố kết quả kinh doanh quý III với con số lỗ sau thuế 25 tỷ đồng (cùng kỳ lãi sau thuế 10 tỷ đồng).