Hòa Phát hạ giá thép xây dựng 3 lần trong vòng 1 tuần
Ngày 12/10, nhiều doanh nghiệp sản xuất đồng loạt hạ 610.000 - 970.000 đồng/tấn với các sản phẩm thép xây dựng, còn khoảng 14,3 - 14,6 triệu đồng/tấn. Như vậy, Như vậy sau hơn một tháng đi ngang, giá thép xây dựng đã hạ nhiệt, theo số liệu của Steel Online.
Theo đó, biên độ điều chỉnh giá thép của thương hiệu Hòa Phát dày nhất. Trong vòng một tuần (từ 5/10 đến 12/10) doanh nghiệp này đã có 3 đợt điều chỉnh giá thép. Giá thép cuộn CB240 và thép thanh vằn D10 CB300 sau khi giảm lần lượt 720.000 đồng/tấn và 830.000 đồng/tấn, hiện còn 14,5 triệu đồng/tấn và 14,6 triệu đồng/tấn.
Thông tin từ tập đoàn Hòa Phát cho biết trong tháng 9 tiêu thụ thép xây dựng đạt 318.000 tấn, giảm 3% so với cùng kỳ năm 2021. Sản lượng bán hàng thép xây dựng tháng này của Hòa Phát đã xuống mức thấp nhất kể từ tháng 4.
Nguyên nhân là nhu cầu thị trường chung trong tháng 9 tương đối thấp, ngoài ra còn có mưa bão diễn biến phức tạp nên việc tiêu thụ thép xây dựng gặp khó khăn.
Tương tự như Hòa Phát, thép Việt Ý cũng liên tục giảm giá thép xây dựng trong tuần qua. Giá thép cuộn CB240 giảm 610.000 đồng/tấn so với ngày 5/10, còn 14,5 triệu đồng/tấn; còn dòng thép thanh vằn D10 CB300 giảm 630.000 đồng/tấn, xuống 14,6 triệu đồng/tấn.
Sau một thời gian dài đi ngang, giá thép của các thương hiệu còn lại cũng rục rịch đi xuống từ ngày 10/10 đến 12/10.
Về thép Việt Đức cũng có hai đợt điều chỉnh liên tiếp, tổng mức giảm với hai loại thép CB240 và D10 CB300 lần lượt ở mức 770.000 đồng/tấn và 970.000 đồng/tấn, xuống 14,3 triệu đồng/tấn và 14,6 triệu đồng/tấn.
Trong khi đó, thép Kyoei giảm 810.000 đồng/tấn với thép cuộn CB240 và giảm 710.000 đồng/tấn với thép thanh vằn D10 CB300. Sau điều chỉnh, giá hai loại thép này lần lượt là 14,3 triệu đồng/tấn và 14,6 triệu đồng/tấn.
Thép Việt Nhật cùng giảm 710.000 đồng/tấn với thép cuộn CB240 và thép thanh vằn D10 CB300, xuống 14,3 triệu đồng/tấn và 14,5 triệu đồng/tấn.
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) nhu cầu nội địa yếu, giá thép giảm giúp các nhà đầu tư dễ tiếp cận với các công trình đầu tư công đã được phê duyệt, nhưng còn phụ thuộc vào tiến độ giải ngân các dự án.
Kể từ tháng 5 đến tháng 9, giá thép trong nước đã điều chỉnh giảm 15-16 lần, với tổng mức giảm khoảng 3,7-3,9 triệu đồng/kg tuỳ thuộc từng doanh nghiệp và từng chủng loại sản phẩm.
Cuối tháng 8 vừa qua, các nhà máy đã ngưng xuống giá và bãi bỏ chính sách bảo lãnh giá. Điều này đã tạo ra xu hướng tích cực trên thị trường.
Các nhà phân phối đã quay lại thị trường với xu hướng tích cực và tái lập từng bước mức tồn kho. Song nhu cầu sử dụng thép trong nước thực tế ở mức thấp và hơn nữa xuất khẩu giảm nhiều do giá cao hơn giá khu vực.
Các yếu tố trên khiến sản lượng bán hàng tháng 9 bị giảm sút so với tháng 8. Hiện, các nhà máy đều gặp khó khăn do tồn kho ở mức giá cao và đối diện mức lỗ lớn hàng tháng. Các nhà thương mại giảm bớt lượng mua vào vì tâm lý e ngại giá có thể giảm.