|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Hòa Phát: Tiêu thụ thép đi xuống trong tháng 9, cổ phiếu giảm 60% trong một năm

12:27 | 07/10/2022
Chia sẻ
Hòa Phát cho biết nhu cầu thị trường chung thấp kết hợp với mưa bão diễn biến phức tạp đã khiến việc tiêu thụ thép xây dựng tháng 9 gặp khó khăn.

Năm 2022, Hòa Phát kỷ niệm 30 năm thành lập. (Ảnh: Song Ngọc).

Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG) vừa cho biết đã sản xuất 540.000 tấn thép thô trong tháng 9. Tổng sản lượng bán hàng thép xây dựng, thép cuộn cán nóng và phôi thép đạt 555.000 tấn, giảm so với tháng 8 liền trước cũng như cùng kỳ năm ngoái.

Tiêu thụ thép cuộn cán nóng (HRC) đạt 228.000 tấn, tăng 29% so với tháng 9/2021. Thép xây dựng ghi nhận 318.000 tấn, giảm 3% so với cùng kỳ. Biểu đồ bên dưới cho thấy đây là sản lượng bán hàng thép xây dựng thấp nhất của Hòa Phát kể từ tháng 4.

 

Hòa Phát cho biết nhu cầu thị trường chung trong tháng 9 tương đối thấp, ngoài ra còn có mưa bão diễn biến phức tạp nên việc tiêu thụ thép xây dựng gặp khó khăn.  

Sản lượng bán hàng ống thép Hòa Phát khả quan hơn khi đạt gần 76.000 tấn, tăng 94% so với cùng kỳ. Sản lượng tôn mạ tại thị trường trong nước cũng tăng trưởng gấp 2 lần so với cùng kỳ 2021.  

Lũy kế 9 tháng, Hòa Phát đã sản xuất hơn 6 triệu tấn thép thô, tương đương cùng kỳ 2021. Tổng sản lượng bán hàng thép xây dựng, HRC và phôi thép đạt 5,7 triệu tấn, tăng 3% so với 9 tháng 2021.

Trong đó, thép xây dựng ghi nhận 3,4 triệu tấn sau 9 tháng, tăng 24%. Con số này có sự đóng góp đáng kể của thị trường xuất khẩu. Sản lượng xuất khẩu đã vượt 1 qua triệu tấn, tương đương cả năm 2021 và đóng góp 30% tổng lượng thép xây dựng Hòa Phát cung cấp ra thị trường. Hiện nay, Hòa Phát đang xuất khẩu thép tới trên 20 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. 

Với dòng sản phẩm thép cuộn cán nóng, Tập đoàn đã cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước hơn 2 triệu tấn, tăng 5% so với 9 tháng 2021 và đóng góp 36% sản lượng chung của Hòa Phát. Sản phẩm hạ nguồn HRC là ống thép đạt 577.000 tấn, tăng 16%; tôn mạ các loại ghi nhận 249.000 tấn, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước.

HPG tụt dốc, vốn hóa rớt về sát ngưỡng 100.000 tỷ

Kết phiên sáng nay 7/10, giá cổ phiếu HPG sụt 3,6% xuống còn 17.350 đồng/cp và tương ứng với với vốn hóa 100.887 tỷ đồng. Biểu đồ bên dưới cho thấy đây là mức giá và vốn hóa thấp nhất của HPG kể từ tháng 11/2020, tức là gần hai năm trước.

HPG giảm mạnh hơn thị trường chung.

So với đầu năm 2022, giá cổ phiếu của Hòa Phát đã giảm 49,4%. Nếu so với đỉnh lịch sử vào ngày 28/10 năm ngoái, HPG đã rớt hơn 60%. Để so sánh, VN-Index hiện nay thấp hơn 31% so với đầu năm 2022 và kém 24,5% so với tháng 10 năm ngoái.

Giá trị thị trường của Hòa Phát hiện nay xếp thứ 10 tại Sàn Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HOSE) nhưng không còn trong top 10 khi xét trên quy mô toàn thị trường.

HPG đứng thứ 10 sàn HOSE về vốn hóa.

Trong báo cáo phân tích hôm 20/9, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) dự báo chi phí sản xuất của Hòa Phát có thể sẽ giảm đáng kể trong quý IV.

Trong các nguyên liệu sản xuất thép, than luyện cốc bị ảnh hưởng mạnh nhất bởi những bất ổn trong triển vọng kinh tế toàn cầu. Sau khi tăng mạnh trong giai đoạn đầu xung đột Nga - Ukraine (tức tháng 3-4/2022), giá than luyện cốc đã nhanh chóng hạ nhiệt từ tháng 5 do nhu cầu yếu.

Cụ thể, VDSC cho biết giá than luyện cốc từng đạt đỉnh 625 USD/tấn vào giữa tháng 3 nhưng hiện giao dịch ở mức 272 USD/tấn. Giá đã tăng từ 200 USD/tấn lên 280 USD/tấn từ đầu tháng 8 do lệnh cấm nhập khẩu than Nga từ ngày 1/8/2022 của Liên minh châu Âu (EU), nhưng còn thấp hơn đỉnh cũ.

Sau đó, xu hướng tăng giá đầu vào đã dừng lại. Viễn cảnh các nhà máy ở EU phải đóng cửa do giá điện tăng kéo dài và nhu cầu thấp đã dẫn đến nhu cầu nguyên liệu sản xuất thép của EU giảm.

Nhu cầu thép ở Trung Quốc phục hồi chậm do các đợt đóng cửa vì chính sách Zero COVID, cơn bão Mufia và thông tin chính phủ Trung Quốc xem xét cắt giảm sản lượng thép trong mùa đông cũng gây thêm áp lực lên giá nguyên liệu.

Giá than luyện cốc đã giảm từ đầu tháng 9 trong khi giá quặng sắt ổn định trong khoảng 95-100 USD/tấn trong hai tháng qua. VDSC cho rằng giá nguyên liệu có thể giảm tiếp trong quý IV.

Hòa Phát đã hạn chế dự trữ nguyên liệu, giảm từ mức tồn kho đủ cho 3-4 tháng sản xuất xuống còn 1-1,5 tháng sản xuất, VDSC cho hay. Tập đoàn của tỷ phú Trần Đình Long còn cắt giảm sản xuất trong tháng 7-8, có nghĩa là một phần lớn thép bán ra trong quý III có thể được sản xuất từ nguyên liệu giá cao. VDSC ước tính chi phí sản xuất thép thô của Hòa Phát trong quý III vừa qua là 13.410 đồng/kg.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Đức Quyền

Ngành thép quý III: Hoà Phát là điểm sáng, hai gọng kìm bóp chặt lợi nhuận nhóm tôn mạ
Trong nhóm sản xuất và thương mại thép, Hoà Phát nổi lên là điểm sáng trong khi VNSteel, SMC, Tisco,... lần lượt báo lỗ. Với nhóm tôn mạ, ngoài áp lực cạnh tranh từ tôn mạ nhập khẩu của Trung Quốc và Hàn Quốc thì chi phí vận chuyển leo thang đã bóp nghẹt lợi nhuận nhóm này trong quý vừa qua.