|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Tiêu hủy heo nhiễm dịch tả châu Phi tại trang trại lớn ở Đồng Nai

07:48 | 09/08/2019
Chia sẻ
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú ý tỉnh Đồng Nai, những ngày qua, ngành chức năng Đồng Nai tiêu hủy thêm 8.000 con heo của Công ty chăn nuôi lợn Phú Sơn (xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai). Số lợn này được xác định nhiễm dịch tả heo châu Phi.
Tiêu hủy heo nhiễm dịch tả châu Phi tại trang trại lớn ở Đồng Nai - Ảnh 1.

Đàn heo tại một hộ nuôi ở Đồng Nai. Ảnh minh họa: Thu Hiền/TTXVN

Ông Trần Văn Quang, Chi cục Trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú ý tỉnh Đồng Nai cho biết, cuối tháng 6/2019, ngành chức năng phát hiện ổ dịch tả heo châu Phi tại đàn heo 20.000 con của Công ty Chăn nuôi heo Phú Sơn.

Ngay sau đó, ngành nông nghiệp Đồng Nai và Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) họp bàn, trực tiếp khảo sát tại trại nuôi, các bên đi đến thống nhất tiêu hủy 650 con heo heo mắc bệnh và tiếp xúc trực tiếp với heo bệnh. 

Số heo còn lại sẽ được giám sát nghiêm ngặt, lấy huyết thanh đưa đi xét nghiệm. Trong thời gian giám sát, hàng nghìn con heo tại trang trại này tiếp tục nhiễm bệnh, buộc phải tiêu hủy.

Hơn 1 tháng qua, trang trại của Công ty Chăn nuôi heo Phú Sơn đã bán ra thị trường 2.000 con heo. Toàn bộ số heo này có kết quả xét nghiệm âm tính với vi rút dịch tả heo châu Phi.

Hiện trong trại của công ty còn trên 9.000 con heo. Cơ quan chức năng tiếp tục giám sát dịch bệnh trước khi đưa ra biện pháp xử lý.

Theo ông Quang, tại tỉnh Đồng Nai cũng như cả nước có nhiều trang trại nuôi heo quy mô hàng chục nghìn con. Nguy cơ dịch xuất hiện ở các trang trại này rất cao. Các trang trại phòng bệnh, thực hiện triệt để biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học. Trường hợp dịch bệnh xảy ra sẽ gây thiệt hại lớn về kinh tế. Ngành chức năng gặp nhiều khó khăn trong tiêu hủy, hỗ trợ người chăn nuôi.

Tháng 4/2019, Đồng Nai là địa phương đầu tiên ở khu vực phía Nam xuất hiện dịch tả heo châu Phi. Hiện dịch đã xuất hiện tại gần 2.000 hộ chăn nuôi ở 110 xã, phường, thuộc 11/11 huyện, thành phố trong tỉnh. Đồng Nai đã tiêu hủy gần 220.000 con heo, chi khoảng 80 tỷ đồng hỗ trợ người chăn nuôi.

Tại Phú Yên, Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh Phú Yên cho biết, tỉnh triển khai nhiều giải pháp chặn dịch tả heo châu Phi. Tuy nhiên, dịch bệnh có hướng lan rộng và phức tạp tại nhiều địa phương.

Ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục chăn nuôi và thú y tỉnh Phú Yên cho biết, dịch tả heo châu Phi xuất hiện trên đàn heo 31 con của một hộ chăn nuôi tại xã Ea Bar, huyện Sông Hinh ngày 14/6/2019. Đến nay, bệnh lan 20 thôn, 9 xã thuộc 5 huyện, thành phố gồm huyện Sông Hinh, Đồng Xuân, Đông Hòa, Tuy An và thành phố Tuy Hòa.

Theo ông Lâm, số heo mắc bệnh chết được tiêu hủy là 427 con. UBND tỉnh Phú Yên thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh, huy động hệ thống chính trị vào cuộc, tuyên truyền, hướng dẫn người nuôi chủ động giảm đàn, chăn nuôi an toàn sinh học và biện pháp phòng chống dịch tả heo châu Phi.

Đồng thời, tỉnh Phú Yên thành lập 10 chốt kiểm dịch động vật tạm thời tại các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ trọng điểm kiểm soát chặt việc vận chuyển heo ra vào các địa phương của tỉnh; chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục chăn nuôi và thú y xuất cấp 255.000 lít hóa chất 1.810 tấn vôi bột cho các địa phương tiêu độc, sát trùng môi trường chăn nuôi. Tại các ổ dịch, lực lượng chức năng phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra, kiểm soát, tiêu độc, khử trùng môi trường.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Yên cho biết, thời tiết tại địa phương diễn biến phức tạp, nắng nóng kéo dài khiến sức đề kháng gia súc giảm. Thời gian tới, nguy cơ phát sinh lây lan dịch bệnh trên diện rộng rất cao.

Ngoài ra, tỉnh Phú Yên còn nhiều điểm giết mổ gia súc nhỏ lẻ. Vấn đề nhận thức về dịch bệnh và biện pháp phòng chống dịch bệnh của bộ phận người dân, chính quyền cơ sở lỏng lẻo gây khó trong kiểm soát dịch.

Tỉnh Phú Yên có đàn heo khoảng 110.231 con, chủ yếu chăn nuôi hộ gia đình. Toàn tỉnh có 39 trại và 16 cơ sở chăn nuôi heo quy mô từ 100 - 2.400 con.

Theo thống kê, đến nay cả nước có 62 tỉnh, thành phố có dịch tả heo châu Phi.

Nhóm PV thường trú