Tiêu hủy 20.000 viên thuốc trị ung thư: 'Đỉnh cao của hành chính vô cảm'
|
“Vụ 20.000 viên thuốc trị ung thư bị tiêu hủy do thủ tục hành chính kéo dài hàng năm trời xảy ra ngay trước thềm cuộc họp năm nay, liệu có thành điểm nhấn tương tự như sự việc quán cà phê Xin Chào năm ngoái? Sự việc này sẽ tác động như thế nào đến cuộc gặp sắp tới?". Đây là câu hỏi được một phóng viên đưa ra trong phiên họp báo trước thềm Hội nghị Thủ tướng gặp doanh nghiệp đang cận kề.
Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho rằng: "Vụ 20.000 viên thuốc này là đỉnh cao của hành vi hành chính vô cảm, điển hình cảnh báo vô cảm của các công chức trong trách nhiệm với doanh nghiệp". Trước cuộc gặp của Thủ tướng với doanh nghiệp năm 2016 có việc hình sự hóa sự vụ quán cà phê Xin Chào, năm nay có việc 20.000 viên thuốc bị tiêu hủy liên quan tới thủ tục hành chính.
Chủ tịch VCCI phân tích, vụ việc là một điển hình, còn nhiều hành vi vô cảm hành chính khác vẫn diễn ra hàng ngày hàng giờ ở Việt Nam. Doanh nghiệp ngồi trên đống lửa vì thủ tục hành chính. Nhanh một ngày là doanh nghiệp sống được, mất một ngày có khi họ đối mặt với cả đống phạt hợp đồng, có khi dẫn tới phá sản.
Cục trưởng Cục phát triển Doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Hồ Sỹ Hùng cũng cho rằng đây là trường hợp điển hình cần xem xét rút bài học kinh nghiệm bởi sự tắc trách cứng nhắc trong việc thực hiện các thủ tục hành chính.
"Không chỉ riêng thủ tục hành chính, việc thanh tra đi thanh tra lại nhiều lần trong năm gây khó cho doanh nghiệp cũng cần được giải quyết", ông Hùng chia sẻ. Không mong muốn những việc như vậy xảy ra, nhưng nếu phảt sinh, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư mong muốn nhận được phản ánh của báo chí để dư luận quan tâm hơn. Vị Cục trưởng khẳng định, các cơ quan chức năng liên quan sẽ xử lý nghiêm vụ việc.
Còn Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Lê Mạnh Hà chia sẻ, việc báo chí tập trung phản ánh đã tạo áp lực cho các cơ quan quản lý vào cuộc tìm ra đâu là nguyên nhân, trong nhận thức của cơ quan nhà nước liệu có bất cập hay không? “Một sự kiện tưởng nhỏ nhưng phải mất hơn 1 năm để giải quyết là không bình thường. Từ đấy rút ra được bài học gì, giải quyết như thế nào”, Phó Chủ nhiệm Lê Mạnh Hà nêu quan điểm.
Cũng tại buổi họp báo, minh chứng cho việc cần thiết phải thay đổi phương thức hành chính, Chủ tịch VCCI dẫn ra câu ca dao xưa “Quan có cần nhưng dân chưa vội, Quan có vội, quan lội quan sang”. "Đến nay có khi phải sửa thành: “Dân có cần nhưng quan không vội, Dân có vội dân lội dân sang” nhưng “dân thì biết lội như thế nào?", ông Vũ Tiến Lộc chia sẻ.