|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Tiền thuê đất lên tới 70 tỷ đồng/năm, doanh nghiệp làm kho dự trữ xăng dầu gặp 'gánh nặng' về vốn

21:13 | 12/04/2023
Chia sẻ
Ông Nguyễn Đức Hạnh, Chủ tịch HĐQT CTCP Dầu khí Sơn Hải, cho biết doanh nghiệp này loay hoay làm kho dự trữ xăng dầu 35.000 – 40.000 m3 với tổng mức đầu tư 500 tỷ đồng nhưng khi vay vốn rất khó, các ngân hàng không chấp nhận.

Chia sẻ tại tọa đàm “Tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư xây dựng hạ tầng dự trữ xăng dầu, góp phần đảm bảo nguồn cung - những vấn đề đặt ra” hôm nay,ông Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cho biết hiện nay dự trữ xăng dầu của nước ta chỉ bảo đảm trong 1 tuần trong khi mục tiêu đến năm 2025 nâng thời gian dự trữ lên 15 ngày và năm 2030 khoảng 30 ngày.

Ông ước tính để có hệ thống dự trữ xăng dầu, khí đốt hoàn chỉnh thì cần số tiền đầu tư tới 270.000 tỷ đồng. Đây là một con số rất lớn, nếu để Nhà nước đứng ra lo toàn bộ khoản này sẽ rất khó khăn, chưa tính đến các cái chi phí khác liên quan.

Do đó, cần tập trung vào xã hội hóa đầu tư xây dựng hạ tầng dự trữ xăng dầu, trong đó phải có cả vai trò của Nhà nước và các doanh nghiệp, các tổ chức ngoài nhà nước.

Doanh nghiệp xăng dầu khó tiếp cận vốn, ngân hàng e ngại rủi ro

Ông Nguyễn Đức Hạnh, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc CTCP Dầu khí Sơn Hải. (Ảnh: Báo Đại biểu Nhân dân)

Về phía doanh nghiệp tư nhân, ông Nguyễn Đức Hạnh, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc CTCP Dầu khí Sơn Hải cho biết mặc dù nguyên tắc là như vậy, nhưng việc thực hiện không hề dễ dàng.

Ông Hạnh cho biết năm 2022, doanh nghiệp này loay hoay làm kho dự trữ xăng dầu 35.000 – 40.000 m3 với tổng mức đầu tư 500 tỷ đồng nhưng khi cân đối tài chính, cân đối dự trữ xăng dầu để vay vốn rất khó, các ngân hàng không chấp nhận.

Thực tế, doanh nghiệp đều phải đáp ứng được ba nguyên tắc “có mục đích, kế hoạch; có tài sản đảm bảo và hoàn trả vốn, lãi đúng thời hạn” mới có thể tiếp cận tín dụng ngân hàng. Tuy nhiên khi các doanh nghiệp đưa ra phương án kinh doanh, vay vốn lớn như thế tất cả các đơn vị đều không dám cho vay.

“Trong năm 2022, doanh nghiệp Dầu khí Sơn Hải có đi tìm đất làm kho dự trữ nhưng chi phí thuê đất lên tới 70 tỷ đồng/năm, con số quá lớn với sức của doanh nghiệp” ông Nguyễn Đức Hạnh nói.

Chủ tịch Dầu khí Sơn Hải khẳng định xăng dầu là mặt hàng kinh doanh có điều kiện, đầu vào hoàn toàn là thị trường nhưng đầu ra do Nhà nước điều hành. Điều hành xăng dầu theo thế giới phẳng, lợi nhuận kinh doanh của doanh nghiệp rất mỏng trong khi rủi ro cao.

“Nếu một vài ngày không bán được là lỗ, nhiều khi chiết khấu đến 2.000 đồng/lít nhưng giá giảm đến 1.900 đồng/lít. Cho nên các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu mấy năm nay rất khó khăn”, ông Nguyễn Đức Hạnh nói.

Để có hệ thống dự trữ xăng dầu, khí đốt hoàn chỉnh cần tới 270.000 tỷ đồng. (Ảnh: Hoàng Anh)

Để các doanh nghiệp có thể xây dựng được hệ thống dự trữ xăng dầu, ông Hạnh cho rằng Nhà nước cần có cơ chế chính sách hỗ trợ việc đầu tư. Đặc biệt về phía ngân hàng cần có những chính sách cụ thể để giúp doanh nghiệp như nới trần vay, ưu đãi lãi suất, chia sẻ và hỗ trợ về điều kiện thanh khoản…

“Đối với các dự án đầu tư vay phải tính đến tài sản hình thành trong tương lai bởi xây xong kho dự trữ xăng dầu không có đánh giá thì các doanh nghiệp không còn vốn để tiếp tục làm”, ông Hạnh kiến nghị.

Liên quan đến chuyện tiếp cận vốn, trong cuộc họp với Tổ điều hành thị trường trong nước, đại diện Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (Vinpa) cho biết số liệu Ngân hàng Nhà nước cho thấy đến cuối tháng 12, tổng hạn mức tín dụng của 27 ngân hàng thương mại cấp cho 34 doanh nghiệp đầu mối xăng dầu còn 96.000 tỷ đồng. Song các doanh nghiệp phản ánh rất khó tiếp cận được nguồn vốn này.

“Quý I/2023, các doanh nghiệp đã bớt khó khăn hơn nhưng nhìn chung bức tranh tài chính của doanh nghiệp xăng dầu vẫn chưa khả quan do tình trạng thua lỗ nặng nề suốt năm 2022”, đại diện Vinpa nói.

Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam kiến nghị Ngân hàng Nhà nước sát sao hơn về chính sách tín dụng để giúp các doanh nghiệp bớt khó khăn hơn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn.

Bên cạnh đó, nới lỏng điều kiện cho vay, lãi suất; cơ cấu nợ, giãn nợ cho doanh nghiệp, không chỉ doanh nghiệp đầu mối mà còn cả thương nhân phân phối xăng dầu, đại lý. Đặc biệt, tạo điều kiện để doanh nghiệp được giãn nợ thuế, giúp doanh nghiệp vượt qua thời điểm khó khăn như hiện tại.

Phản hồi về việc doanh nghiệp “than” khó tiếp cận vốn từ ngân hàng, bà Hoàng Thị Thu Hà, Phó trưởng phòng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế ( NHNN) khẳng định kinh doanh xăng dầu là đối tượng được ưu tiên cấp tín dụng vào thời điểm cuối năm 2022.

Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại chủ động cân đối nguồn vốn, xem xét, tạo điều kiện tăng thêm hạn mức tín dụng cho các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu để kịp thời nhập khẩu xăng dầu theo hạn mức nhập khẩu được Bộ Công Thương giao.

“Hiện nay, các ngân hàng thương mại đều đang cung cấp đủ hạn mức tín dụng, nguồn ngoại tệ cho doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu”, bà Hoàng Thị Thu Hà nói.

Hoàng Anh

Margin tiếp tục lập đỉnh mới, thêm hai CTCK có dư nợ vượt 20.000 tỷ đồng
Dư nợ magin ngành chứng khoán lập đỉnh mới trong 2024. Riêng Top 10 công ty chứng khoán lớn nhất ghi nhận đến 9 đơn vị vượt đỉnh cho vay trong quý cuối năm. TCBS, SSI và HSC đang là ba đơn vị đang dẫn đầu về cho vay margin.