|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Tiến thêm đến tự do hóa lãi suất

11:19 | 22/02/2017
Chia sẻ
Thông tư 43 là khung pháp lý quan trọng, tạo đà thực sự phát triển thị trường tài chính tiêu dùng lành mạnh, hiện đang trong giai đoạn đầu của sự phát triển tại Việt Nam.

Có thể thấy, hoạt động tín dụng của các NHTM từ khi đổi mới đến nay đã có sự phát triển vượt bậc, đáp ứng các nhu cầu vay vốn phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân. Đây là kết quả tụ hợp của nhiều yếu tố, trong đó không thể phủ nhận vai trò cơ chế tín dụng của NHNN.

Ảnh minh họa

Nhìn chung, cơ chế tín dụng được ban hành thời gian qua đã tạo được khung pháp lý tương đối thuận lợi và phù hợp với nhu cầu thực tế xã hội. Tuy nhiên, với sự phát triển nhanh trong đời sống kinh tế, nhu cầu vay vốn ngày càng đa dạng, rủi ro tín dụng ngày một tăng, biến tướng dưới nhiều hình thức... Vì thế nên cơ chế tín dụng thời gian qua đã bộc lộ nhiều bất cập, đã phải có nhiều văn bản để điều chỉnh hoạt động tín dụng của các NHTM. Qua đó đã ảnh hưởng đến việc đáp ứng nhu cầu đầu tư trong nước và nước ngoài.

Trước những vấn đề đó, Thông tư số 39/2016/TT-NHNN đi vào thực thi trong ba tuần tới sẽ tạo lập khuôn khổ pháp lý mới về cho vay đối với các TCTD và khách hàng vay vốn.

Những quy định mới trong cho vay của TCTD đã được dựa trên cơ sở các quy định tại Bộ luật Dân sự và Luật Các TCTD, cùng với những đòi hỏi của thực tiễn trong hoạt động cho vay của các TCTD. Cùng với quy định cho vay tại Thông tư 39 đi cùng với đó là Thông tư 43 đã có sự thay đổi toàn diện trong hoạt động cho vay vốn, dường như đã lấp đầy những khoảng trống về mặt pháp lý của cơ chế tín dụng cũ và đảm bảo tính chặt chẽ, nhưng thông thoáng cho hoạt động cho vay của các TCTD. Theo đó, nó đảm bảo tính chặt chẽ, hợp pháp trong hoạt động tín dụng. Thông tư 39 đã khẳng định đối tượng vay vốn chỉ có pháp nhân và cá nhân.

Quy định về thỏa thuận lãi suất giữa TCTD với khách hàng được quy định sát với yêu cầu thực tiễn về sự phát triển của thị trường tiền tệ theo hướng tự do hóa, nhưng vẫn bám sát với đòi hỏi thực tiễn của sự phát triển kinh tế đất nước. Theo đó trần lãi suất chỉ áp dụng đối với trường hợp cho vay ngắn hạn bằng đồng Việt Nam thuộc các lĩnh vực ưu tiên quy định tại Thông tư 39. Các quy định về đảo nợ tại Quy chế cho vay 1627 trước đó đã được loại bỏ và quy định cụ thể một số nhu cầu vốn không được cho vay nhằm kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng, nhưng vẫn đảm bảo phù hợp với nhu cầu thực tế.

Bên cạnh đó, các quy định về mục đích cho vay đã không giới hạn như quy định tại quy chế cho vay cũ, tạo điều kiện cho các TCTD mở rộng hoạt động cho vay. Nhưng đồng thời cũng đưa ra những quy định cụ thể phù hợp với đặc điểm của từng mảng mục đích vay vốn. Điển hình như phương án sử dụng vốn, phương thức cho vay, thời hạn cho vay, lưu giữ hồ sơ... tạo thuận lợi cho các TCTD quy định cụ thể về hoạt động cho vay này. Chuyển nợ quá hạn cũng có quy định mới, đảm bảo cho việc trích lập dự phòng rủi ro của các TCTD sát với thực tế hơn…

Điểm đáng chú ý hơn trong cơ chế cho vay mới là các quy định về cho vay tiêu dùng của công ty tài chính được quy định tại Thông tư 43. Những vướng mắc thực tế về hoạt động cho vay tiêu dùng từ trước đến nay thực sự đã được tháo gỡ tại Thông tư này. Thông tư này đã làm rõ thế nào là cho vay tiêu dùng, mà từ trước đến nay khái niệm này còn chưa thống nhất trong nhận thức, làm cho việc quản lý hoạt động này khó khăn hơn, lãi suất cho vay tiêu dùng cũng được quy định minh bạch rõ ràng đảm bảo lợi ích hài hòa giữa công ty tài chính và khách hàng vay vốn cũng như vai trò giám sát của NHNN…

Có thể thấy đây là khung pháp lý quan trọng, tạo đà thực sự phát triển thị trường tài chính tiêu dùng lành mạnh, hiện đang trong giai đoạn đầu của sự phát triển tại Việt Nam.

TS. Nguyễn Thị Kim Thanh