Tiền kẹt trong chứng khoán, bất động sản, người Trung Quốc bớt 'mê' hàng hiệu
Kelly Chai, nhân viên tại một công ty công nghệ ở Bắc Kinh, gần đây không còn chi tiền cho hàng xa xỉ.
Từng thường xuyên mua đồ Louis Vuitton với giá trên dưới 1.000 USD, giờ cô phải đắn đo vì một chiếc túi Coach giá 400 USD. "Tôi không quyết định được. Tôi cảm thấy không cần thiết", Chai chia sẻ.
Nhiều năm trước, thương hiệu cao cấp dựa vào Trung Quốc để tăng trưởng vì nước này mang lại 1/3 doanh thu toàn cầu. Xu hướng dường như đang chậm lại khi một số khách hàng trung lưu hạn chế tiêu tiền.
Đối với Chai, 2.300 USD thu nhập gia đình hàng tháng giờ được dùng để trả khoản vay thế chấp, tiền học và hoạt động ngoại khóa cho con trai 7 tuổi.
Các nhà kinh tế cảnh báo chi tiêu sẽ tiếp tục đi xuống. Hàng xa xỉ và có giá trị cao là chỉ báo sớm về tâm lý người tiêu dùng khi một nước đối mặt với triển vọng kinh tế xấu.
Một cửa hàng Louis Vuitton ở Trùng Khánh. Ảnh: Associated Press. |
Hong Kong,"thiên đường" hàng miễn thuế của người mua sắm đại lục, đang cảm nhận dần sức nóng. Trong tháng 9, tăng trưởng doanh thu hàng năm đối với trang sức, đồng hồ và quà tặng có giá trị giảm từ 20,8% xuống 2,2%.
"Chúng tôi thấy rằng niềm tin của người tiêu dùng Trung Quốc đã đạt đỉnh", Luca Solca, nhà phân tích chuyên về hàng hóa cao cấp tại công ty đầu tư Exane BNP Paribas, nói. "Nếu xu hướng giảm kéo dài - và trầm trọng hơn vì căng thẳng thương mại quốc tế - chúng ta có thể thấy tăng trưởng chi tiêu cho hàng xa xỉ biến mất", ông nhận định.
Trong thập kỷ qua, Trung Quốc là một trong những khách hàng lớn nhất của các thương hiệu cao cấp. Ngành này bắt đầu phục hồi nhanh vào cuối năm 2016 dù bị ảnh hưởng mạnh từ chiến dịch chống tham nhũng năm 2012. Doanh thu tăng khoảng 20% vào năm 2017, lên 142 tỷ nhân dân tệ (20,4 tỷ USD).
Tuy nhiên, đà phục hồi đó đang mất dần. Doanh số bán ôtô tại Trung Quốc mất 11,6% trong tháng 9, đánh dấu tháng thứ 3 liên tiếp. Đây cũng là tháng giảm mạnh nhất trong hơn 6 năm qua.
LVMH, nhà sản xuất hàng cao cấp lớn nhất thế giới, cho biết tăng trưởng doanh số trong quý III giảm khoảng 5 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.
Doanh số hàng cao cấp hàng tháng ở Hong Kong. Ảnh: Phòng Điều tra và Thống kê Hong Kong. |
Thương hiệu đồ nam cao cấp Ermenegildo Zegna của Italia tuyên bố sẽ mở ít cửa hàng hơn ở thị trường châu Á này vào năm tới trong bối cảnh nhu cầu yếu hơn.
"Kinh tế suy giảm và căng thẳng thương mại làm tổn thương lòng tin của người tiêu dùng", Wang Dan, nhà phân tích kinh tế tại Bắc Kinh, cho biết. Tầng lớp trung lưu Trung Quốc mua sắm mạnh trong những năm qua không phải vì thu nhập thực tế tăng mà chỉ nhờ tín dụng và niềm tin khi thấy lãi đầu tư trên giấy tờ lên, theo giới phân tích.
Trong 2 năm qua, giá bất động sản và cổ phiếu tăng giúp các hộ gia đình giàu lên nhanh chóng. Khoảng 95% dân số trung lưu có nhà và dành trung bình 26,6% thu nhập hàng tháng để đầu tư tài chính và bảo hiểm, theo khảo sát của Hội đồng Phát triển Thương mại Hong Kong năm ngoái. Từ cuối năm 2015 đến tháng 10/2017, các khoản vay tiêu dùng ngắn hạn của Trung Quốc tăng gần 60% lên 6.600 tỷ NDT, Đại học Thanh Hoa công bố.
Trong năm nay, nguồn thu từ bất động sản và chứng khoán không còn đảm bảo. Chỉ số Tổng hợp Thượng Hải mất gần 30% từ đỉnh tháng 1 và các nhà phát triển lớn nhất nước này phải giảm giá căn hộ tới 30% để tăng doanh số bán hàng.
"Thị trường chứng khoán đang xấu và thị trường bất động sản đóng băng. Rút tiền ra giờ khó khăn hơn", Liao Qun, chuyên gia kinh tế trưởng của ngân hàng Citic Trung Quốc, cho biết.
Trong khi đó, chính phủ thắt chặt hoạt động tín dụng trực tuyến, khiến nhiều người Trung Quốc trẻ không thể vay tiền mua hàng hiệu, theo nhà kinh tế Andy Xie, cựu Giám đốc Nhóm kinh tế châu Á - Thái Bình Dương tại ngân hàng đầu tư Morgan Stanley.
Tâm lý tiêu cực của khách hàng khiến Bắc Kinh khó thúc đẩy nền kinh tế qua tiêu dùng trong khi 2 ngành công nghiệp trụ cột khác, xuất khẩu và sản xuất, đang chịu nhiều áp lực từ cuộc chiến thương mại với Mỹ. Hội đồng Nhà nước Trung Quốc vừa đặt mục tiêu mở rộng quy mô của nhóm thu nhập trung bình và đẩy mạnh tiêu thụ cao cấp nhưng không nói rõ cách thực hiện.
Bắc Kinh cũng khuyến khích chi tiêu trong nước, cản trở chi tiêu ở nước ngoài bằng cách thắt chặt kiểm tra biên giới với hàng cao cấp không khai báo từ tháng 10. Theo Mariana Kou, một nhà phân tích thuộc nhóm đầu tư CLSA tại Hong Kong, biện pháp này nhằm ngăn người Trung Quốc mua hàng miễn thuế ở nước ngoài và mang về bán lại. Tuy nhiên, động thái này cũng sẽ tác động đến nhóm tiêu nhiều khi đi du lịch.
Trong năm 2017, Trung Quốc đại lục chi hơn 115 tỷ USD trong hơn 130 triệu chuyến đi nước ngoài. Theo ước tính của công ty tư vấn Bain & Company, khoảng 75% lượng tiêu thụ cao cấp của người nước này là ở thị trường ngoại quốc.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/