|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Tiền gửi không kỳ hạn phục hồi, MB vượt Techcombank dẫn đầu Top 10 ngân hàng có tỷ lệ CASA cao nhất

14:04 | 06/08/2024
Chia sẻ
Cuối quý II, MB đang tạm thời giữ chức quán quân về tỷ lệ CASA mặc dù đã giảm 1,8 điểm % so với 6 tháng trước.

Ảnh: Vân Miên.

Tỷ lệ CASA phục hồi so với quý I

Sau khi quay đầu giảm nhẹ trong quý I/2024, tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) của các ngân hàng đã phục hồi nhẹ trong quý II, lên gần sát với mức đạt được vào cuối năm ngoái.

Theo dữ liệu từ WiChart, tỷ lệ CASA của nhóm ngân hàng niêm yết (27 nhà băng) đã tăng từ 19% vào cuối quý I lên 19,51% vào cuối quý II. Tuy nhiên, nếu so với cuối năm ngoái, tỷ lệ này vẫn thấp hơn 0,36 điểm %.

 

Trong đó, có 13/27 nhà băng ghi nhận tỷ lệ CASA vào cuối tháng 6 cải thiện so với cuối năm 2023. Trong đó, SeABank dẫn đầu với mức tăng 1,9 điểm %, tiếp đó là VIB và Eximbank, lần lượt tăng 1,5 điểm % và 1,1 điểm %.

Tuy nhiên, một số ngân hàng dẫn đầu về CASA như MB hay Techcombank lại ghi nhận tỷ lệ này giảm lần lượt 1,8 điểm % và 2,5 điểm %, xuống 37,8% và 37,4%. 

Nếu lấy mốc là cuối quý I, có 20/27 ngân hàng báo cáo CASA cải thiện, dẫn đầu là VPBank, tăng 3,5 điểm % và Eximbank, tăng 3 điểm %. 

Theo Chứng khoán Vietcombank (VCBS), tỷ lệ CASA trong nửa đầu năm thấp hơn so với cuối năm 2023 một phần do doanh nghiệp gia tăng lượng tiền mặt do nhu cầu chi tiêu lớn mùa cuối năm. Dự báo về diễn biến CASA trong thời gian tới, VCBS cho rằng tỷ lệ này sẽ tiếp tục duy trì động lực tăng.

Theo các chuyên viên phân tích, nền kinh tế đang trên đà hồi phục, thu nhập của người dân và hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp được cải thiện dẫn đến nhu cầu chi tiêu tăng lên. Cùng với đó, việc các thị trường đầu tư tài sản như chứng khoán, BĐS sôi động hơn kích thích nhu cầu đầu tư, thu hút dòng tiền chảy vào các tài khoản thanh toán, từ đó giúp tỷ lệ CASA tăng lên.

Ngoài ra, mặt bằng lãi suất nhìn chung vẫn ở mức thấp trong năm 2024 sẽ là yếu tố hỗ trợ cho CASA.

MB là quán quân, Techcombank tụt xuống hạng hai

Theo số liệu WiChart tính toán từ báo cáo tài chính của các ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính quý II, MB đang tạm thời giữ chức quán quân về tỷ lệ CASA mặc dù đã giảm 1,8 điểm % so với 6 tháng trước. 

Trong hội nghị Nhà đầu tư vừa qua, đại diện MB cho biết tỷ lệ CASA cao của ngân hàng đến từ việc ngân hàng khai thác 28 triệu khách hàng. Ngân hàng dự kiến sẽ đưa tỷ lệ này trở lại mốc 40% vào cuối năm nay.

Techcombank, quán quân CASA của quý I đã tụt xuống vị trí thứ hai với tỷ lệ 37,4%, giảm 2,5 điểm % so với cuối năm ngoái. Theo lý giải của Tổng Giám đốc Jens Lottner, tỷ lệ CASA của ngân hàng giảm trong bối cảnh nhóm khách hàng khá giả (affluent) đang chuyển tiền nhàn rỗi sang nhiều lớp tài sản khác.

Do tỷ trọng nhóm khách hàng này lớn, CASA của Techcombank có thể biến động nhiều hơn so với các ngân hàng khác. Ngoài ra, tỷ lệ CASA còn chịu ảnh hưởng từ sản phẩm tự động sinh lời. Nếu tính cả tài khoản này, tỷ lệ CASA của Techcombank có thể ở mức 40%. 

Vietcombank xếp vị trí thứ ba với tỷ lệ đạt 34,2%, tăng 0,3 điểm % so với cuối năm ngoái, từ đó thu hẹp khoảng cách với hai ngân hàng dẫn đầu. Tỷ lệ CASA của ông lớn Big4 này đã cải thiện 1 điểm % so với cuối quý I. 

Đồ họa: Vân Miên.

Những vị trí tiếp theo trong bảng xếp hạng CASA lần lượt thuộc về MSB, VietinBank, ACB, TPBank, Sacombank, BIDV và VPBank. Thứ hạng của top dưới đã có sự thay đổi đáng kể khi VietinBank vươn lên vị trí thứ 5, tăng 0,1 điểm % so với đầu năm. ACB, Sacombank cũng thăng hạn, còn TPBank, BIDV giảm vị trí so với cuối năm 2023. 

Ngoài hai ông lớn là MB và Techcombank, các ngân hàng quy mô nhỏ đang ghi nhận tỷ lệ CASA giảm mạnh nhất, bao gồm PGBank (giảm 2,8 điểm %), BaoViet Bank (giảm 2,5%) và Bac A Bank (giảm 1,8 điểm %). 

CASA một số ông lớn như Vietcombank, VietinBank đã phục hồi. 

Minh Quang