|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Tiềm năng thị trường co-working tại Việt Nam

23:58 | 25/11/2018
Chia sẻ
Giá thuê văn phòng tại Việt Nam hiện ở mức khá cao trong khối ASEAN (chỉ thấp hơn Singapore), cho thấy đây là thị trường tiềm năng về nhu cầu, là yếu tố thúc đẩy mô hình co-working tăng nhờ cung cấp trải nghiệm mới mẻ và chi phí thấp.
tiem nang thi truong co working tai viet nam Co-working đang lan rộng tại Việt Nam và bùng nổ ở Đông Nam Á

Các nhà điều hành không gian toàn cầu đang tận dụng ưu thế mạng lưới phủ rộng khắp thế giới để thực hiện chiến lược địa phương hóa, lan tỏa hệ sinh thái cộng đồng làm việc kết nối và chia sẻ.

Kết nối với hệ thống toàn cầu

Khi WeWork công bố ra mắt không gian làm việc chung đầu tiên tại TP.HCM thì Aleph-Labs cũng trở thành một trong những khách hàng đầu tiên của đơn vị này. Bà Uyên Nguyễn - Giám đốc Điều hành Aleph-Labs (công ty phần mềm với 400 nhân viên, có mạng lưới ở 7 thành phố châu Á) cho biết họ chọn WeWork vì có sự đồng nhất về tầm nhìn, đa số nhân sự của Aleph-Labs là người trẻ, thường di chuyển đến khắp các nước trong hệ thống để làm việc nên cần môi trường sáng tạo và có tính tương tác cao.

"Chúng tôi chuyển từ văn phòng hạng A sang không gian làm việc mới này vì cần nền tảng làm việc cộng tác và những hoạt động tạo cảm hứng sáng tạo", bà Uyên nói.

WeWork - startup cung cấp không gian làm việc chung có giá trị hàng đầu của Mỹ với định giá 20 tỷ USD năm 2017, đã chính thức gia nhập thị trường Việt Nam hồi tuần rồi. Không gian làm việc chung đầu tiên của họ đặt tại tòa nhà E-Town Central (quận 4, TP.HCM) sẽ mở cửa vào tháng 12 tới, phục vụ cho mục tiêu mở rộng thị trường Đông Nam Á. Dự kiến 2 văn phòng nữa sẽ lần lượt ra mắt tại TP.HCM và Hà Nội năm 2019.

Trong khi nhiều công ty đối thủ có khách hàng chủ yếu là công ty khởi nghiệp và cá nhân làm việc tự do, khách hàng của WeWork tập trung nhiều doanh nghiệp quy mô lớn với tỷ lệ 25% thuộc nhóm Fortune 500 và 45% khách thuê là doanh nghiệp có trên 1.000 nhân viên.

tiem nang thi truong co working tai viet nam
Nhu cầu làm việc di chuyển gia tăng trong giới trẻ tiếp tục thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của loại hình văn phòng chia sẻ, đòi hỏi các nhu cầu cơ bản về thiết kế, xây dựng và đầu tư về công nghệ quản lý văn phòng.

Theo ông Turochas Fuad - Giám đốc Điều hành WeWork ASEAN, Công ty dành 500 triệu USD đầu tư mở rộng tại ASEAN và Hàn Quốc. Việt Nam là thị trường kế tiếp sau khi Công ty có mặt ở Singapore năm 2017. Cuối năm nay các văn phòng ở Indonesia, Thái Lan, Malaysia và Philippines sẽ tham gia vào hệ thống WeWork toàn cầu với gần 300 văn phòng tại 77 thành phố và mạng lưới gần 270.000 thành viên.

"Giá thuê văn phòng tại Việt Nam hiện ở mức khá cao trong khối ASEAN (chỉ thấp hơn Singapore), cho thấy đây là thị trường tiềm năng về nhu cầu, là yếu tố thúc đẩy mô hình co-working tăng nhờ cung cấp trải nghiệm mới mẻ và chi phí thấp", ông nói.

Sau 3 năm hoạt động, Toong đã thiết lập mạng lưới 10 địa điểm khắp các thành phố lớn khu vực Đông Dương gồm Hà Nội, TP.HCM, Vientiane (Lào) và Phnom Penh (Campuchia), giúp Toong trở thành đơn vị phát triển không gian làm việc chung đầu tiên ở Đông Dương. Bà Phạm Thùy Linh - Giám đốc Tiếp thị và Thương hiệu của Toong cho biết dự kiến cuối năm nay, tổng diện tích mặt bằng của Toong lên đến khoảng 20.000m2.

Mặc dù là mô hình mới nhưng loại hình văn phòng này nhanh chóng được giới trẻ và các công ty công nghệ tiếp cận, giúp Toong nhanh chóng kết nối được cộng đồng 3.500 thành viên là các cá nhân và doanh nghiệp đa dạng quy mô, từ startup, doanh nghiệp nhỏ và vừa tới các tập đoàn lớn.

Theo bà Linh, khách hàng của Toong có quy mô nhân sự từ 1 - 1.000 người, rải khắp 36 lĩnh vực, từ tài chính, kinh doanh, y tế, giáo dục, du lịch đến truyền thông, điện ảnh, tư vấn, tổ chức phi chính phủ (NGO)...

Mô hình phục vụ sáng tạo

Cũng theo ông Turochas Fuad, phương thức làm việc của người trẻ đang thay đổi theo xu hướng làm việc ở thành phố lớn, tìm kiếm cộng đồng, kết nối và sáng tạo. Tại Việt Nam có đến 60 triệu người thuộc thế hệ dưới 35 tuổi, nhu cầu làm việc di chuyển gia tăng trong giới trẻ tiếp tục thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của loại hình văn phòng chia sẻ, đòi hỏi các nhu cầu cơ bản về thiết kế, xây dựng và đầu tư về công nghệ quản lý văn phòng.

"Việt Nam hiện là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất trên thế giới và khu vực ASEAN, đây là thời điểm thích hợp nhất để chúng tôi thúc đẩy thị trường này", ông Turochas Fuad nói.

Bà Từ Thị Hồng An - đại diện Alpha King (đơn vị sở hữu thương hiệu Atlas) cũng nhận định mảng văn phòng tại Việt Nam có tiềm năng phát triển lớn chưa từng thấy. Đây là thị trường có nhiều cơ hội để phát triển những dự án văn phòng tinh tế, phù hợp và bắt nhịp với các xu thế lớn trên toàn cầu. "Từ thiết kế, nguồn lực đến chức năng của văn phòng sẽ hoàn toàn thay đổi trong những năm tới, nếu chúng ta chú ý đến những yếu tố thúc đẩy nhu cầu và những yêu cầu, điều kiện của khách thuê hiện đại thì cơ hội là vô tận", bà An nói.

Bà Linh chia sẻ, mức chi phí thuê văn phòng dựa vào lợi thế giúp Toong kiến tạo một mô hình kinh doanh kiểu mới và vì thế mức chi phí cũng được tính toán theo những cách mới để đạt hiệu quả tài chính tối đa cho khách hàng.

Với dịch vụ cho thuê trọn gói cùng mọi tiện ích từ cơ bản như internet tốc độ cao, lễ tân, trà, cà phê miễn phí, khu tiếp khách, phòng họp cho đến hệ sinh thái dịch vụ bổ sung như thư viện, nơi nghỉ trưa, quyền sử dụng dịch vụ tại mọi địa điểm Toong trên khắp Đông Dương..., ước tính khách hàng trả mức phí thấp hơn ít nhất 30% so với vận hành một văn phòng truyền thống.

Ông Yann Deschamps - Trưởng thương hiệu Workthere nhận định co-working không chỉ là chia sẻ kết cấu hạ tầng hay chi phí, mà còn là kết nối với cộng đồng. Không gian ở đó được thiết kế để mang đến môi trường làm việc hiệu quả, hợp tác cho các thành viên cá tính, năng động và thoát khỏi sự gò bó của văn phòng truyền thống.

Theo ông, mô hình co-working tại châu Á đã tiến hóa nhanh nhất trên thế giới. Riêng tại ASEAN, mô hình này ước chiếm khoảng 15% toàn bộ nguồn cung văn phòng khu vực cho đến năm 2030. Ví dụ, tại Hong Kong hiện có đến hơn 300 khu văn phòng làm việc linh hoạt và Singapore có gần 180 đơn vị.

Savills ước tính 5 thương hiệu hàng đầu gồm TEC, Regus, CEO Suite, WeWork và Fast Five đã đạt tới 80% diện tích của mô hình co-working space và serviced office (văn phòng dịch vụ) tại Seoul, trong khi Kuala Lumpur (Malaysia) chỉ có khoảng 100 trung tâm do hơn 60 đơn vị vận hành điều hành. Từ đây những thương hiệu lớn tìm kiếm thị trường mới mà điểm đến là Việt Nam, Thái Lan và Indonesia.

Tại Việt Nam, số lượng co-working space đã tăng đến 62% trong năm 2017 nhờ sự nở rộ của phong trào startup và nhu cầu văn phòng có chi phí tiết kiệm. "Sự bùng nổ của mô hình co-working đã đặt ra cột mốc mới cho thị trường văn phòng Việt Nam, sự tham gia của các đơn vị vận hành quốc tế cũng sẽ đánh dấu khởi đầu giai đoạn thỏa thuận và mua bán - sáp nhập (M&A)", ông Yann Deschamps khẳng định.

Xem thêm

Tuyết Ân