|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Tỉ lệ tử vong do COVID-19 trên thế giới ở mức 6,9%

09:55 | 19/04/2020
Chia sẻ
Báo cáo của Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho biết, hiện thế giới ghi nhận 2.250.463 ca mắc COVID-19.

Số ca mắc và tử vong do Covid-19 tại Mỹ vẫn đứng đầu thế giới với tỉ lệ lần lượt là 710021/37158, tỉ lệ tử vong là 5.2%.

Tỉ lệ tử vong do COVID-19 trên thế giới ở mức 6.9% - Ảnh 1.

Hiện thế giới ghi nhận 2.250.463 ca mắc Covid-19.

Theo đánh giá dịch tễ của cơ quan Y tế công cộng Pháp công bố ngày 17/4, đa số các ca tử vong do Covid-19 ở nước này là người cao tuổi, dễ bị tổn thương nhất nếu bị nhiễm virus.

Tại các nước châu Âu, tỉ lệ tử vong khá cao, chẳng hạn tại Pháp là 12.6%, Tây Ban Nha 10.5%, Italy 13.2%, Bỉ 14.3%... trong khi đó tại Trung Quốc và Hàn Quốc tỉ lệ này lần lượt là 4.5% và 2.2%.

Từ ngày 1/3 đến 14/4, có tới 71% trường hợp tử vong là ở độ tuổi từ 75 trở lên, hơn 18% ở độ tuổi 65-74, còn lại từ 44 tuổi trở xuống. Có một trường hợp 16 tuổi ở Paris.

Có hơn 80% ca tử vong bị ít nhất một bệnh mạn tính. Trong số các trường hợp tử vong ở bệnh viện, có 36% bị bệnh tim, 30% bị bệnh tiểu đường và 23% bị bệnh hô hấp. 

Có 9% trường hợp liên quan bệnh béo phì. Có tới 1/3 trong tổng số ca tử vong ở Pháp là những người già yếu ở các nhà dưỡng lão.

Riêng trong thời gian từ ngày 1 đến 14/4, có một nửa số tử vong là ở các nhà dưỡng lão. Còn số ca tử vong là nam giới chiếm 57% so với tỷ lệ 61% trên thế giới.

Ngày 17/4, Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn thông báo rằng, nước này đã kiểm soát được sự lây lan của bệnh dịch sau một tháng áp dụng biện pháp hạn chế người dân ra khỏi nhà. 

Sau nhiều ngày có các ca mắc và tử vong do Covid-19 ở mức cao, tình hình hiện đã bớt nghiêm trọng từng ngày.

Từ ngày 12/4, số người được chữa khỏi mỗi ngày cao hơn số nhập viện. Việc kiểm soát hiệu quả sự lây lan của bệnh dịch ngay từ khi mới bùng phát đã giúp hệ thống y tế của Đức không bị quá tải.

Ông Jens Spahn cũng cho biết, từ tháng 8 tới, các công ty của Đức sẽ có thể sản xuất hàng chục triệu khẩu trang mỗi tuần, trong đó có 10 triệu chiếc đáp ứng tiêu chuẩn FFP2 và 40 triệu khẩu trang y tế.

Sắp tới, Đức cũng sẽ triển khai một ứng dụng trên điện thoại di động để xác định và cảnh báo nguy cơ lây nhiễm sau khi các biện pháp hạn chế di chuyển được nới lỏng.

Chủ tịch Viện dịch tễ RKI Lothar Wieler cho biết, mức độ lây nhiễm hằng ngày đã chậm lại và hiện ở mức 0,7% và đây là chỉ số quan trọng nhất để nới lỏng dần các biện pháp hạn chế tiếp xúc. 

Tuy nhiên bệnh dịch vẫn còn, phải được theo dõi sát sao để ứng phó nguy cơ xuất hiện sự lây lan mới.

Theo các chuyên gia y tế Đức, một số thử nghiệm lâm sàng tiềm năng đang được tiếp tục để có thể công bố kết quả trong ba tháng tới. Còn việc phát triển vaccine cần nhiều thời gian hơn nữa.

Đức là nước có khả năng tiến hành số lượng xét nghiệm lớn nhất châu Âu, tới hơn 1,7 triệu xét nghiệm, mang lại hiệu quả rất cao trong việc phát hiện sớm và điều trị kịp thời bệnh nhân mắc Covid-19. Có số người nhiễm cao thứ năm thế giới, tuy nhiên tỷ lệ tử vong thấp hơn rất nhiều so với một số nước trong khu vực như Italy, Tây Ban Nha, Pháp hay Bỉ.

Đầu tháng tới Đức sẽ nởi lỏng các biện pháp hạn chế, theo các bước rất thận trọng dù bệnh dịch có dấu hiệu suy giảm rõ rệt. 

Từ ngày 20/4, các cửa hàng dưới 800m2 có thể mở cửa trở lại, tiếp đó là trường học từ ngày 4/5. Biện pháp hạn chế tiếp xúc vẫn được duy trì như cấm tụ tập quá hai người nơi công cộng và các sự kiện cộng đồng lớn.

Ngày 17/4, Tổ chức Y tế Thê giới (WHO) đã báo động về diễn biến nhanh chóng của đại dịch viêm đường hô hấp cấp (Covid-19) do virus corona chủng mới (Sars-CoV-2) gây ra ở châu Phi.

Phát biểu trong cuộc họp báo, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết, trong tuần qua, châu Phi đã ghi nhận sự gia tăng 51% số ca bệnh nhiễm mới và tăng 60% số ca tử vong được ghi nhận. 

Với những khó khăn trong việc có được bộ dụng cụ chẩn đoán, khả năng con số thực về số ca nhiễm ở châu Phi có sẽ còn cao hơn nhiều.

Cũng tại cuộc họp báo, ông Mike Ryan, Giám đốc điều hành chương trình khẩn cấp y tế của WHO, nhận định, chúng tôi không tin rằng đại dịch hiện đã qua giai đoạn có thể ngăn chặn. 

Chúng tôi tin rằng chúng tôi có thể làm được nhiều việc hơn để hạn chế tác động của virus Sars-CoV-2. Và chúng tôi tin rằng chúng ta cần phải tăng tốc những nỗ lực của mình vì số lượng các ca bệnh đang gia tăng mỗi ngày.

D.Ngân