|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Thụy Sỹ có số lượng triệu phú ở tuổi trưởng thành lớn nhất thế giới

15:00 | 27/06/2019
Chia sẻ
Sự tăng trưởng toàn cầu về tài sản cá nhân trong năm 2018 gần như rất thấp khi chỉ tăng 1,6% - mức tăng trưởng yếu nhất trong 5 năm qua.

Theo Bloomberg, sự tăng trưởng tài sản toàn cầu trong năm 2018 chỉ đạt 1,6%, thấp nhất trong 5 năm qua. Theo một phân tích của Tập đoàn Tư vấn Boston (BCG), đây là một sự sụt giảm mạnh từ mức tăng 7,5% của tổng tài sản cá nhân toàn cầu năm 2017 và tốc độ tăng trưởng gộp 6,2% từ năm 2013 đến 2017.

Bà Anna Zakrzewski - Trưởng nhóm toàn cầu đến từ BCG cho biết sự ảnh hưởng của một đồng USD lên xuống liên tục và tổng giá trị tài sản giảm 1,6% năm 2018 đã "xóa sạch" mọi khoản lợi nhuận.

Bà còn cho biết: "Lần đầu tiên kể từ năm 2008, chúng tôi mới thấy một sự tăng trưởng tài sản không mấy khả quan như thế này khi cân nhắc tất cả các yếu tố. Tuy nhiên, tổng tài sản cá nhân trên toàn thế giới vẫn còn rất lớn, đạt 206 nghìn tỉ USD theo thống kê của BCG".

Mặc dù tăng trưởng chung đã giảm, nhưng một số khu vực vẫn có tín hiệu tốt. Mức tăng trải từ 8,9% ở châu Phi và 7,1% ở châu Á trong năm 2018, trong khi Tây Âu chỉ tăng 0,6% và Bắc Mỹ là 0,4%. 

1111

Báo cáo tốc độ tăng trưởng tổng tài sản cá nhân toàn cầu 2019 (Nguồn: Bloomberg)

Bảng xếp hạng các triệu phú vẫn tiếp tục "phình to", tăng 2,1% trong năm 2018 lên 22,1 triệu người. BCG ước tính đến năm 2023 sẽ có 27,6 triệu người trên toàn cầu. Thụy Sỹ tự hào có số lượng triệu phú lớn nhất trong nhóm dân số trưởng thành, đạt mức 7,5%, tiếp theo là Mỹ. 

222

Tỉ lệ triệu phú thuộc dân số trưởng thành theo Báo cáo tài sản toàn cẩu 2019 của BCG (Nguồn: Bloomberg)

Từ năm 2018 đến 2023, nhóm người có giá trị tài sản ròng cao trên toàn cầu sẽ chứng kiến sự tăng trưởng nhanh nhất trong tài sản của mình, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 7,8% theo BCG. Nhóm này chiếm 7% tổng tài sản toàn cầu, cùng tỉ lệ với nhóm có tổng tài sản thấp hơn tiếp theo từ 20 - 100 triệu USD.

333

Nơi tập trung nhóm cực giàu (trên 100 triệu USD) theo Báo cáo tài sản toàn cầu 2019 của BCG (Nguồn: Bloomberg)

Từ năm 2019 đến 2023, tài sản toàn thế giới sẽ tăng trưởng với tỉ lệ gộp là 5,7% hàng năm, theo BCG. Trong đó, châu Á được kì vọng sẽ có tốc độ tăng trưởng gộp hàng năm đạt 9,4% lên 58,2 nghìn tỉ USD đến năm 2023. Tổng tài sản của khu vực Mỹ Latinh cũng dự kiến sẽ tăng 8,2% trong giai đoạn này. Trong khi đó, châu Phi và khu vực Trung Đông được kì vọng tăng 7,7 %. 

Ước tính tài sản ngoại biên thay đổi liên tục, BCG cho rằng con số đó khoảng 8,7 nghìn tỉ USD. Trong 5 năm qua, số tài sản này đã tăng thêm 5%/năm. 

Bà Zakrzewski nhận định thêm rằng trong 5 năm tới, Trung Quốc sẽ chiếm khoảng 1/3 dòng tài sản ngoại biên, phần lớn là ở Hong Kong và Singapore. Mỹ và các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất sẽ tiếp cận với sự tăng trưởng tài sản ngoại biên mạnh nhất, có thể đạt tỉ lệ tăng gộp là 7 - 8%/năm. 

Tổng tài sản cá nhân của châu Á dự kiến sẽ đạt 58 nghìn tỉ USD vào năm 2023, vượt qua con số 53 nghìn tỉ USD dự kiến của Tây Âu.

Ngọc Huyền