HSBC đặt mục tiêu 1 tỉ USD doanh thu vào năm 2020 từ giới siêu giàu châu Á
Nguồn: Wall Street Journal
Trong số 2.158 tỉ phú trên thế giới năm 2017, châu Á là quê hương của 814 cá nhân với tổng tài sản ròng là 2,7 tỉ USD, theo báo cáo UBS và PwC. Trên thực tế, có hơn 3 tỉ phú mới xuất hiện mỗi tuần ở châu Á vào năm 2017 sau khi Trung Quốc thiết lập mục tiêu tạo ra hai tỉ phú mỗi tuần.
Tốc độ tạo ra tài sản giá trị tại châu Á còn đi đôi với việc các tỉ phú ở khu vực này đầu tư đáng kể vào các lĩnh vực công nghệ mới nổi như AI, học máy, blockchain và tiền điện tử. Điều này cho thấy, với tốc độ tăng trưởng hiện tại, những dự đoán của UBS và PwC về việc các tỉ phú châu Á sẽ sớm vượt qua đối thủ Mỹ trong vòng chưa đầy ba năm tới trở nên ngày càng chính xác.
Để đáp ứng đà tăng trưởng bùng nổ này, HSBC đã nhanh chóng tăng cường nhân lực tuyến đầu để hỗ trợ hoạt động quản lí tài sản, bán lẻ và ngân hàng tư nhân bằng cách bổ sung 1.300 nhân viên mới, phân bổ chủ yếu tại Hong Kong, Singapore và Trung Quốc.
Cụ thể, bộ phận quản lí tài sản và ngân hàng bán lẻ của HSBC tại Singapore sẽ nhắm đến các cá nhân có tài sản có thể đầu tư ở mức 1 triệu USD. Bộ phận ngân hàng tư nhân của HSBC ở đây cũng sẽ nhắm đến các cá nhân có tài sản trị giá hơn 5 triệu USD, đặc biệt là phân khúc khách hàng cá nhân có tài sản ròng 100 triệu USD hoặc có nhiều tài sản có thể đầu tư hơn.
HSBC đang đặt mục tiêu tăng doanh thu tài sản ít nhất 1 tỉ USD vào năm 2020 nhờ quản lí tài sản bán lẻ và ngân hàng tư nhân cũng như quản lí tài sản và bảo hiểm.
Trong một cuộc phỏng vấn độc quyền với tờ Asian Banking & Finance, ông Mark Surgenor, người đứng đầu bộ phận quản lí tài sản của HSBC đã chia sẻ chi tiết về lợi thế của HSBC so với các ngân hàng khác trong khu vực cũng như về kế hoạch quản lí khối tài sản phát triển nhanh chóng của châu Á.
HSBC đang bổ sung một lượng lớn nhân viên vào nhóm bán lẻ và ngân hàng tư nhân trong một nỗ lực nhằm tận dụng sự bùng nổ khối tài sản ròng có giá trị cao tại châu Á. Vậy châu Á sẽ đóng vai trò thế nào trong kế hoạch của HSBC?
Chúng tôi hi vọng châu Á sẽ trở thành khu vực tạo ra nhiều tài sản giá trị nhất trên thế giới bởi tổng thị phần tài sản tư nhân toàn cầu của khu vực này được dự báo sẽ vượt qua Bắc Mỹ vào năm 2021 và đang tăng nhanh. Đây là cơ hội lớn cho HSBC. Chúng tôi đã nhìn thấy cơ hội ở phân khúc ngân hàng bán lẻ, quản lí tài sản và ngân hàng tư nhân.
Ranh giới địa lí đang dần xóa nhòa bởi những người giàu mới nổi ở châu Á bởi họ đi du lịch, du học nước ngoài và đầu tư quốc tế ngày càng nhiều cũng như có doanh nghiệp ở nhiều thị trường khác nhau. Với nhu cầu, nguyện vọng và triết lí đầu tư có tính di động cao, khách hàng của chúng tôi đang có một cuộc sống phức tạp và cần sự trợ giúp đầy đủ từ phía ngân hàng.
Mạng lưới toàn cầu của HSBC và đặc biệt là kinh nghiệm lâu dài ở khu vực châu Á tạo cho chúng tôi lợi thế trong việc hỗ trợ nhu cầu quản lí tài sản của khách hàng trên nhiều thị trường khác nhau.
Thị trường ngân hàng châu Á khác với tại châu Âu như thế nào? Và làm cách nào HSBC tận dụng được kiến thức trên để chiếm lĩnh thị trường châu Á? Đâu là những thách thức và cơ hội ở châu Á?
Vâng, nếu nói về độ phổ biến và khả năng của HSBC, chúng tôi có ngân hàng tư nhân, Jade, Premier, dịch vụ quản lí tài sản, bảo hiểm và rất nhiều trong số đó đã được phân bổ khắp nơi tại châu Á, nơi tăng trưởng xuất phát.
Cơ hội thực sự của chúng tôi nằm ở việc kết hợp, tận dụng mọi thứ và đảm bảo rằng chúng tôi mang đến cho khách hàng những dịch vụ tốt nhất của HSBC.
Để chống lại sự thiếu hụt nhân lực kinh niên ở châu Á, HSBC đang triển khai những chiến lược nào nhằm thu hút và lôi kéo các nhà quản lí đầu quân cho HSBC khi các ngân hàng tư nhân Trung Quốc và quốc tế cũng đang tăng cường tuyển mộ nhân viên?
Chìa khóa đối với HSBC chính là đảm bảo rằng chúng tôi đem đến những đề xuất công việc tốt nhất và chúng tôi tự tin rằng HSBC sở hữu những giá trị khác biệt mà các đối thủ khó lòng theo kịp.
Về khía cạnh phát triển cá nhân, HSBC cung cấp rất nhiều cơ hội để mọi người phát triển và từ đó giữ chân họ, chẳng hạn như các khóa học tại Đại học HSBC, hỗ trợ nhân viên đạt chứng nhận quốc gia hoặc toàn cầu.
Ngoài việc tuyển dụng từ bên ngoài, HSBC cũng có thể lấp đầy vị trí trống thông qua các các chương trình nội bộ.
Khả năng cung cấp dịch vụ đến khách hàng của HSBC cũng là một điểm hấp dẫn đối với các nhân viên tương lai bởi chúng tôi kết nối khách hàng với mạng lưới toàn cầu của ngân hàng, cung cấp một loạt các giải pháp tài chính từ nghỉ hưu đến kế hoạch thừa kế, v.v.
Mục tiêu của HSBC trong ba năm tới là gì?
Chúng tôi đang đầu tư rất lớn vào nhân lực. Chúng tôi cũng sẽ đầu tư đáng kể vào số hóa để hỗ trợ cho nhân lực tuyến đầu cũng như tăng cường tương tác với khách hàng. Chúng tôi đảm bảo rằng HSBC luôn đặt mục tiêu tạo ra những dịch vụ tốt nhất cho khách hàng.
Đối với HSBC, điều đảm bảo rằng chúng tôi sẽ thành công trong 3 – 5 năm tới chính là tận dụng những khả năng vốn có và đầu tư vào con người, năng lực và công nghệ. Mục tiêu của HSBC rất đơn giản: lấy khách hàng làm trọng tâm. Chúng tôi muốn khách hàng tin tưởng và nhớ đến chúng tôi đầu tiên bất kể khi nào họ có nhu cầu quản lí tài sản tại châu Á.