|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Thủy sản - Đừng chủ quan xuất xứ, môi trường

21:12 | 20/07/2019
Chia sẻ
Để hưởng lợi từ các hiệp định thương mại tự do như CPTPP hay EVFTA, quy tắc xuất xứ là điều không thể không nhắc đến. Song quy tắc xuất xứ thường gắn với những ngành như dệt may, da giày, ít ai chú ý đến thủy sản, một trong những ngành được đánh giá hưởng lợi nhiều từ 2 hiệp định này.

Rất khắt khe

Một trong những nguyên nhân nhóm ngành nông, lâm, thủy sản lâu nay ít quan tâm đến xuất xứ do nguyên vật liệu thường được sản xuất, nuôi trồng trong nước. 

Theo thời gian, khi quy mô sản xuất của DN lớn dần, sản lượng sản xuất, xuất khẩu gia tăng, việc nhập khẩu nguyên liệu là tất yếu. Vì thế cần chú ý đến quy tắc xuất xứ mới có thể hưởng lợi từ các FTA.

Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc trung tâm WTO và hội nhập (VCCI), cho biết xuất xứ đồng hành với thuế quan, khi đàm phán điều khoản về quy tắc xuất xứ cũng căng thẳng không kém thuế quan. 

“Trong CPTPP và EVFTA, quy tắc xuất xứ Chương III với sản phẩm thủy sản dài và chi tiết nhất với những quy định về xuất xứ thuần túy, xuất xứ nội khối và xuất xứ một phần rất cụ thể. Đặc biệt với thủy sản nhập khẩu nguyên liệu về chế biến, quy tắc xuất xứ để hưởng ưu đãi thuế quan không dễ đáp ứng” - bà Trang nhấn mạnh.

Thủy sản - Đừng chủ quan xuất xứ, môi trường - Ảnh 1.

Trong CPTPP và EVFTA đều có cam kết về ngăn ngừa đánh bắt hải sản quá mức,giảm đánh bắt các loài chưa trưởng thành, tuân thủ các biện pháp bảo tồn, khai thác cạn kiệt.

Trong CPTPP và EVFTA đều có cam kết về ngăn ngừa đánh bắt hải sản quá mức,

giảm đánh bắt các loài chưa trưởng thành, tuân thủ các biện pháp bảo tồn, khai thác cạn kiệt.

Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cũng khẳng định, cơ hội từ CPTPP và EVFTA cho ngành rất lớn, nhất là với thị trường EU. Một số sản phẩm chủ lực như tôm hiện đang được hưởng mức thuế GSP từ EU, giúp Việt Nam có lợi thế hơn 2 đối thủ Thái Lan và Trung Quốc. Khi EVFTA có hiệu lực, lợi thế này càng lớn hơn.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP, cho biết hiệp hội đang thực hiện 2 dự án liên quan đến vấn đề xuất xứ cho thủy sản. 

Thứ nhất, truyền thông mạnh mẽ trong và ngoài nước liên quan đến chuỗi giá trị thủy sản, đặc biệt là tôm, nhấn mạnh vào xuất xứ và truy xuất nguồn gốc, nhằm tác động mạnh việc thực thi các hiệp định. Thứ hai, tìm các giải pháp tận dụng xuất xứ trong các quốc gia nội khối.

VASEP cũng khuyến nghị DN trung thực về quy tắc xuất xứ, tránh nhập nhèm, gian lận, sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng không chỉ tới DN mà còn cả ngành. Đặc biệt khi áp dụng việc tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa DN phải trung thực và phải tự chịu trách nhiệm.

Theo đó, DN phải lưu hồ sơ trong 5 năm và phía nhập khẩu có thể kiểm tra bất cứ lúc nào, sẽ phạt nặng nếu phát hiện gian lận. DN cũng cần nâng cao chất lượng sản phẩm và truy xuất nguồn gốc. VASEP cũng kiến nghị Bộ NN-PTNT, Tổng cục Thủy sản sớm chỉ đạo thúc đẩy cấp mã số vùng nuôi để dễ dàng áp dụng quy tắc xuất xứ minh bạch, rõ ràng.

Thận trọng hàng rào phi thuế quan

Hiện các nước tham gia FTA đều không từ bỏ quyền ban hành các hàng rào phi thuế quan. Phần lớn cam kết đạt được trong các hiệp định nhằm minh bạch hóa các biện pháp này, hợp tác trong giải quyết nếu có tranh chấp. 

Có rất nhiều vấn đề liên quan đến các biện pháp phi thuế quan trong CPTPP và EVFTA, như hàng rào kỹ thuật trong thương mại, biện pháp an toàn thực phẩm, phòng vệ thương mại, sở hữu trí tuệ…, trong đó tiêu chuẩn về lao động và môi trường rất đáng quan tâm trong ngành thủy sản.

Thời gian gần đây, một số thị trường khó tính xoáy vào chuyện lao động trong ngành cá, tôm Việt Nam, là tiếng chuông cảnh báo DN phải thận trọng hơn 2 vấn đề này để tránh vướng phải những sai sót đáng tiếc.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Trang, khi đàm phán TPP, lao động và sở hữu trí tuệ khiến việc đàm phán giữa Việt Nam với các nước bị kéo dài. 

Hiện CPTPP và EVFTA đều có nhóm nguyên tắc trong tuyên bố của ILO năm 1998, bao gồm quyền tự do liên kết và thương lượng tập thể của người lao động và người sử dụng lao động; xóa bỏ lao động cưỡng bức và lao động bắt buộc; cấm sử dụng lao động trẻ em, xóa bỏ các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất; xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử về việc làm và nghề nghiệp. 

Vì thế, ngành thủy sản phải lưu ý đến yếu tố có lao động trẻ em, nhất là trong nuôi trồng.

Ngoài ra, trong CPTPP và EVFTA không có tiêu chuẩn chung nào về môi trường, nhưng có một số cam kết có tính chất khuyến nghị, định hướng các nước cam kết nỗ lực thực hiện các cam kết riêng theo hướng không giảm tiêu chuẩn môi trường vì lợi ích thương mại. 

Trong CPTPP có cam kết về đánh bắt hải sản, ngăn ngừa đánh bắt quá mức, giảm đánh bắt các loài chưa trưởng thành; cam kết không trợ cấp các tàu cá bị liệt vào danh mục đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo, không đúng quy định (IUU).

Với EVFTA phải tuân thủ các biện pháp bảo tồn, quản lý và khai thác bền vững nguồn lợi thủy sản, cam kết trao đổi hợp tác thông tin về các vấn đề liên quan tới việc kiểm soát, giám sát, thực thi các biện pháp quản lý đánh bắt hải sản…

Có thể thấy, đằng sau những thông tin hấp dẫn về việc cắt giảm thuế quan khi CPTPP và EVFTA có hiệu lực, các DN nói chung, DN ngành thủy sản nói riêng sẽ phải trải qua bài “kiểm tra” rất khắt khe trước khi được hưởng những ưu đãi này. 

Điều này đòi hỏi DN, hiệp hội và cơ quan chức năng phải cùng vào cuộc, xây dựng chuỗi sản xuất an toàn cho ngành thủy sản.

Câu chuyện Minh Phú bị cáo buộc mua tôm Ấn Độ và chế biến tại Việt Nam trước khi xuất sang Mỹ, nhằm trốn thuế chống bán phá giá đang áp cho tôm nhập khẩu từ Ấn Độ, là lời cảnh báo cho DN thủy sản trong việc đảm bảo quy tắc xuất xứ khi thực thi CPTPP và EVFTA.


Thanh Lâm