Thủy sản Ấn Độ muốn rời Trung Quốc vì điều kiện kiểm dịch ngặt nghèo
Theo Times of India, trong bối cảnh Trung Quốc bắt đầu bóp nghẹt xuất khẩu thủy sản của Ấn Độ bằng cách tạm đình chỉ nhiều công ty xuất khẩu nước này, nhiều doanh nghiệp chế biến thủy sản đông lạnh xuất khẩu từ Gujarat bắt đầu tìm kiếm những thị trường tiềm năng hơn.
Bên cạnh đó, nhiều công ty cũng tìm cách gia tăng giá trị cho sản phẩm để khai thác các thị trường khác và giảm dần sự phụ thuộc vào Trung Quốc.
Trung Quốc đã đình chỉ nhiều công ty xuất khẩu thủy sản từ Ấn Độ trong khoảng thời gian nhất định sau khi hải quan kết luận nhiều lô hàng có chứa virus SARS - CoV- 2. Tuy nhiên, các nhà xuất khẩu thủy sản Ấn Độ cho rằng kết luận này là vô căn cứ.
Trung Quốc mua 50% sản phẩm thủy sản xuất khẩu từ Gujarat. Tuy nhiên, do những bế tắc trong xuất khẩu hàng sang Trung Quốc có thể vẫn chưa được giải quyết trong tương lai gần nên các doanh nghiệp chế biến thủy sản đông lạnh của bang này đã mở rộng mạng lưới xuất khẩu sang nhiều quốc gia hơn.
Họ cũng đồng ý chuyển sang sản xuất các sản phẩm giá giá trị gia tăng cao như hải sản nấu sẵn.
Trung Quốc được coi là thị trường “dễ thở” vì các công ty xuất khẩu Ấn Độ thông thường chỉ cần làm sạch chúng mà không có bất kỳ giá trị gia tăng nào. Sau đó, các nhà nhập khẩu Trung Quốc sẽ chế biến, gia tăng giá trị và tái xuất sang các thị trường khác bao gồm Châu Âu và Mỹ.
Trong một cuộc họp gần đây, các nhà xuất khẩu tại Veraval đã quyết định gia tăng giá trị sản phẩm và xuất khẩu trực tiếp vào các thị trường mà Trung Quốc đang bán hàng. Ngoài ra, họ cũng đang xem xét các quốc gia có nhu cầu cao về sản phẩm chế biến sâu như Singapore, Bahrain, Kuwait, Oman, Qatar, Saudi Arabia, UAE, Nhật Bản và Thái Lan.
Có rất ít nhà xuất khẩu ở Veraval đang sản xuất các sản phẩm chế biến sâu cho thị trường Châu Âu và Mỹ. Theo đó, có khoảng 100 doanh nghiệp thủy sản ở Veraval nhưng hầu hết xuất khẩu sang Trung Quốc.
“Hiện tại, các mặt hàng thủy sản đều xuất sang Trung Quốc dưới dạng thô với giá 25 - 30 Rupee/kg. Giá sẽ tăng lên 60 - 80 Rupee/kg nếu chúng tôi tăng thêm giá trị cho các sản phẩm đó.
Tuy nhiên, người mua sẽ mua với giá cao hơn nếu chúng tôi cung cấp sản phẩm giá trị gia tăng. Các nhà chế biến Trung Quốc biết mọi thứ về hoạt động kinh doanh của chúng tôi, vì vậy họ không cho phép chúng tôi kiếm thêm lợi nhuận.
Tuy nhiên, chúng tôi có thể có thêm lợi nhuận nếu chúng tôi gia tăng giá trị”, Naresh Vanik, một trong số ít nhà xuất khẩu các sản phẩm thủy sản giá trị gia tăng ở Veraval, cho biết.
Đối với mặt hàng thủy sản có giá trị gia tăng cao, Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh lớn nhất của Ấn Độ, tiếp đến là Thái Lan và Việt Nam.
Trước đó, sau làn sóng hàng loạt hô hàng tôm bị trả lại khi xuất khẩu sang Trung Quốc với lý do xuất hiện SARS - CoV- 2 trên bao bì, Hiệp hội Xuất khẩu Thủy sản Ấn Độ khuyến cáo doanh nghiệp tránh bán hàng sang thị trường này nhằm tránh rủi ro.
Theo trang Undercurrent News, tình hình xuất khẩu tôm của Ấn Độ sang Trung Quốc ngày một xấu đi.
Ông Elias Sait, Tổng Thư ký Hiệp hội Xuất khẩu Thủy sản Ấn Độ (SEAI) cho biết hiệp hội sẽ khuyến cáo doanh nghiệp tránh bán hàng sang thị trường Trung Quốc ở thời điểm hiện tại.
"Chúng tôi khuyên các doanh nghiệp không nên xuất khẩu sang Trung Quốc nhằm giảm thiểu rủi ro. Rất nhiều container hàng đã bị trả lại, gây ra rất nhiều bất chắc. Đồng thời, việc thanh toán cũng tồn tại nhiều bất cập", ông Elias Sait cho biết.
Các nhà xuất khẩu tôm Ấn Độ thường xuất hàng theo hình thức tin dụng, họ chỉ nhận được thanh toán khi hàng đến tay đối tác. Do đó, việc hàng bị ùn ứ tại Hải quan hay thậm chí bị trả về đã gây ra rủi ro rất lớn về tài chính cho các công ty.
"Rất nhiều thành viên của hiệp hội đã phàn nàn về vấn đề này, vì vậy chúng tôi khuyến cáo các công ty không nên giao hàng và tránh các rủi ro. Tuy nhiên, một số công ty vẫn tiếp tục xuất hàng đi mặc cho những cảnh báo từ phía hiệp hội", ông Elias Sait nói.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/