Thủy điện Pắc-Beng (Lào): Nguy cơ lớn cho đồng bằng Sông Cửu Long
Nguồn lợi thủy sản Đồng bằng sông Cửu Long sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng ẢNH: CÔNG HÂN |
Tại hội thảo Tham vấn dự án (DA) thủy điện Pắc-Beng của Lào trên dòng chính sông Mê Kông ngày 5.5, ông Trần Đức Cường, Phó chánh văn phòng thường trực Ủy ban Sông Mê Kông VN, cho biết DA thủy điện Pắc-Beng thuộc H.Pắc Beng, tỉnh Oudomxay, Lào, cách thủ đô Vientiane hơn 600 km về phía thượng lưu, cách biên giới VN 1.933 km.
Bên cạnh những tác động trực tiếp đến dòng chảy, lượng phù sa và sự phát triển của các loài thủy sinh, các đập thủy điện còn gây hại khi sản sinh lượng lớn khí nhà kính làm biến đổi khí hậu.
Công trình Pắc-Beng có công suất thiết kế 912 MW, điện lượng 4,765 GWh, chủ yếu xuất khẩu sang Thái Lan (90%). Chủ đầu tư là Công ty sản xuất năng lượng quốc tế Datang (Công ty Datang) của Trung Quốc.
Đây là công trình đầu tiên trong chuỗi 11 bậc thang thủy diện dòng chính dự kiến được xây dựng trong vùng hạ lưu lưu vực sông Mê Kông và là công trình thứ 3 được đề xuất xây dựng sau Xayabury và Đôn Sa-hông.
Chỉ ưu tiên kinh doanh điện
Nhiều chuyên gia đều chung nhận xét, tài liệu khảo sát lấy cơ sở triển khai DA thủy điện Pắc-Beng của Lào quá sơ sài, thiếu sót. Nếu công trình được xây dựng trên nền khảo sát như vậy sẽ để lại nhiều hậu quả khôn lường cho vùng hạ du, đặc biệt là ĐBSCL của VN.
Ông Nguyễn Anh Đức, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ phát triển sông Mê Kông thuộc Ủy ban Sông Mê Kông VN, nêu cụ thể, số liệu bùn cát không đầy đủ, thiếu tính thống nhất, không phản ánh được lượng bùn cát trong thực tế, cần phải cập nhật, kiểm chứng. Thiếu thông tin về lịch vận hành, thay đổi mực nước giờ/ngày, về tương tác của Pắc-Beng với các thủy điện đã và đang được xây dựng trên lưu vực sông Mê Kông.
Việc mô phỏng mô hình của chủ đầu tư thiếu thông tin về số liệu đầu vào, chuỗi thời gian mô phỏng và các tham số trong các mô hình; thiếu thông tin về việc xây dựng, hiệu chỉnh, kiểm định mô hình, thiếu mô hình hình thái sông...
Thông tin về công trình thủy điện này cũng thiếu đánh giá tác động xuyên biên giới đến các quốc gia hạ lưu khác; thiếu thông tin tác động xuống hạ lưu công trình; không đánh giá tác động xuyên biên giới của hệ thống công trình thủy điện dòng chính sông Mê Kông... “Thiết kế công trình chỉ ưu tiên về phát điện, ít quan tâm đến môi trường. Thiết kế đập Pắc-Beng sẽ giữ lại hầu hết bùn cát đáy, việc xả phù sa bùn cát chủ yếu nhằm bảo vệ công trình, làm hao hụt lượng lớn tại phía hạ lưu đập nên cần phải xem xét lại”, ông Đức nói.
Về tác động đến thủy sản, đại diện Bộ NN-PTNT cho biết, chủ đầu tư chỉ dùng ngư cụ sơ sài, khảo sát 2 thời điểm với số điểm khảo sát không nhiều đã vội vàng kết luận nên chưa chính xác, không đủ cơ sở khoa học cho đánh giá tác động và thiết kế các biện pháp giảm thiểu.
Chủ đầu tư thừa nhận thủy điện Pắc-Beng sẽ gây tác động lớn đến cá di cư nhưng thiết kế đường dẫn cá của đập thủy điện chưa thuận lợi cho việc di chuyển của cá. Chỉ đề cập giải pháp thả cá hồ chứa mà không quan tâm đến di cư ngược dòng chảy cũng như xuôi xuống hạ lưu. Nếu không tính toán khảo sát kỹ sẽ ảnh hưởng lớn, thậm chí làm mất đi một số loài cá quý như cá tra dầu, bông lau, trà sốc...
Thiết kế đập thủy điện Pắc-Beng cũng có “lỗi” khi chỉ bố trí 1 âu thuyền, làm chậm thời gian lưu thông khoảng 1 giờ... Bên cạnh đó, còn thiếu tài liệu về địa chấn, động đất, tài liệu về địa hình, địa chất không đủ chi tiết, thiếu các tiêu chuẩn về thiết kế công trình. Đồng thời, chưa đánh giá các nguy cơ tiềm ẩn đối với an toàn đập: lũ, động đất, tính ổn định của công trình, vận hành công trình...
Chuyên gia Nguyễn Thị Phương Lâm, từng công tác tại Viện Quy hoạch thủy lợi, lo lắng trong số 11 công trình thủy điện của Lào và Campuchia trên dòng Mê Kông dự kiến làm mà mỗi công trình là một chủ đầu tư khác nhau, mỗi chủ lại làm theo các tiêu chuẩn khác nhau thì hậu quả ra sao? Vai trò của Ủy hội Sông Mê Kông là gì?
20 triệu dân ĐBSCL bị ảnh hưởng
Thứ trưởng Bộ TN-MT Chu Phạm Ngọc Hiển kiêm Phó chủ tịch Ủy ban Sông Mê Kông VN, nhìn nhận, càng nhiều công trình thủy điện được xây dựng phía thượng lưu sông Mê Kông thì vùng hạ lưu, cụ thể là ĐBSCL càng bị gia tăng tác động xấu, ảnh hưởng đến đời sống của khoảng 20 triệu dân nơi đây.
Theo khảo sát, tính toán của nhóm chuyên gia của Ủy ban Sông Mê Kông, khi cả 3 công trình Xayaburi, Đôn Sa-hông, Pắc-Beng hoạt động, thì lượng nước tại Tân Châu - Châu Đốc - An Giang giảm tới 13% (thời đoạn 10 ngày), tổng lượng dòng chảy sẽ giảm 6,2%/tháng. Như vậy sẽ tác động rất lớn lên lưu vực sông Cửu Long. Hiện tượng xâm nhập mặn trên sông Tiền, sông Hậu sẽ tăng lên, lấn sâu vào từ 2,8 - 3,8 km. Còn nếu xét tác động tổng thể cả chuỗi 11 đập thủy điện thì tổng lượng dòng chảy sẽ giảm hơn 27%/tháng, xâm nhập mặn sẽ vào sâu trên sông Tiền, sông Hậu khoảng từ 10 - 18 km.
Kèm theo giảm lượng dòng chảy là giảm lượng phù sa, bùn cát trong nước sông, gây xói lở mạnh ĐBSCL. “Nếu cả chuỗi 11 thủy điện cùng được xây dựng, hoạt động thì tổng lượng phù sa, bùn cát ở ĐBSCL mất đến 65%. Tác động rất lớn đến đời sống người dân cũng như nền kinh tế của vựa lúa nước ta”, đại diện Ủy ban Sông Mê Kông VN nói.
Đại diện Tổng cục Thủy sản, Bộ NN-PTNT, cho biết nguồn lợi thủy sản mang lại từ sông Mê Kông là rất lớn. Việc thay đổi dòng chảy tác động xấu đến nguồn lợi thủy sản. “Điều này chứng minh rõ khi có 8 thủy điện của Trung Quốc, sản lượng cá trên dòng Mê Kông giảm, trọng lượng cá cũng giảm, ít cá to. Khoảng 60% thành phần loài di cư bị giảm sút. Sản lượng cá hiện nay ở ĐBSCL rất thấp. Sản lượng nuôi cá ở đây cũng bị ảnh hưởng do chất lượng nước, dòng chảy thay đổi”.
Ông Hoàng Xuân Hồng, đại diện Hội Đập lớn VN, đặt vấn đề, 8 đập thủy điện đã xây dựng trong lãnh thổ Trung Quốc đã giữ lại rất nhiều phù sa sông Mê Kông. Đến thủy điện Pắc-Beng, cần phải xác định rõ mất thêm bao nhiêu phù sa? Bên cạnh đó, cũng phải xem xét đến sản lượng cá của ĐBSCL bao gồm cả cá nuôi, không chỉ tính cá tự nhiên. Phải làm rõ để làm cơ sở yêu cầu bồi thường, chia sẻ lợi ích từ thủy điện thượng lưu.
Lãnh đạo Ủy ban Sông Mê Kông cho biết, tất cả các ý kiến sẽ được ghi nhận, tổng hợp để trình Chính phủ, Ủy hội Sông Mê Kông quốc tế trong thời gian tới.
DA thủy điện Pắc-Beng được Chính phủ Lào chuẩn bị từ tháng 4.1994. Đến tháng 5.2006, Lào ký hợp tác nguyên tắc với một công ty của Trung Quốc cho nghiên cứu tiền khả thi. Năm 2009, báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của DA được phê duyệt. Tháng 9.2015, thiết kế công trình được nộp lên chính phủ Lào. Tháng 11.2016, Ban Thư ký Ủy hội Sông Mê Kông quốc tế đã thông báo cho các thành viên về kế hoạch xây dựng thủy điện Pắc-Beng của Lào. Đồng thời, thành viên của ủy hội này cũng được cung cấp tài liệu về DA thủy điện Pắc-Beng để nghiên cứu, tham vấn trước khi công trình được xây dựng. |