Thương vụ Disney-Fox: Bước chạy đà của 'nhà Chuột'
Thương vụ Disney-Fox: Bước chạy đà của "nhà Chuột". Ảnh: Reuters
Ngày 20/3, tập đoàn giải trí và truyền thông đa phương tiện lớn nhất thế giới The Walt Disney Company thông báo đã hoàn tất thương vụ sáp nhập trị giá 71,3 tỷ USD với tập đoàn truyền thông 21st Century Fox của Mỹ để tạo ra một đế chế truyền thông có quy mô lớn nhất trong lịch sử.
Động thái này ngay lập tức làm giảm số lượng xưởng phim lớn ở Hollywood từ con số 6 (hay còn gọi là Big 6), bao gồm Warner Bros, Universal, Sony Pictures, Paramount Pictures, Disney và 21st Century Fox, xuống chỉ còn Big 5, đồng thời làm dấy lên những lo ngại về tình trạng độc quyền kinh doanh giữa các “đại gia” trong ngành công nghiệp giải trí của kinh đô điện ảnh Mỹ.
Những điều không tưởng
Trước Disney, thế giới từng sửng sốt chứng kiến thương vụ sáp nhập giữa nhà mạng AT&T và “gã khổng lồ” Time Warner hồi năm 2018. Đây đều là những thương vụ “không tưởng” trong giai đoạn năm 1990 khi hoạt động chống độc quyền kinh doanh được kiểm soát rất chặt chẽ tại nền kinh tế số một thế giới.
Nhận định về thương vụ sáp nhập của Disney, ông Robert A. Iger - Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành (CEO) của The Walt Disney Company, cho hay: “Việc kết hợp sự giàu mạnh trong ý tưởng sáng tạo và tài năng đã được minh chứng của Disney và 21st Century Fox sẽ tạo nên một doanh nghiệp giải trí ưu việt tầm cỡ toàn cầu, thừa sức để dẫn dắt kỷ nguyên nhiều chuyển đổi và năng động của điện ảnh thế giới".
Tuy nhiên, một số nhà phân tích quan ngại rằng trong tương lai, một Disney lớn mạnh có thể sẽ tiếp tục thâu tóm những hãng phim nhỏ hơn khi họ phải gồng mình để đấu tranh sinh tồn trong bối cảnh cạnh tranh khắc nghiệt. Bên cạnh đó, Disney sẽ có thể tận dụng quyền lực và quy mô của mình để tạo ra lợi thế trong giao dịch với các phòng vé. Thương vụ sáp nhập lớn nhất trong lịch sử Hollywood cũng sẽ giúp “nhà Chuột” hiện thực hóa giấc mơ thâm nhập vào thị trường truyền hình trực tuyến mà “đại gia” này ao ước bấy lâu nay cũng như kìm hãm đà phát triển của đối thủ Netflix.
Nhìn lại quá khứ, AT&T khi sáp nhập với Time Warner đã khẳng định chắc nịch sẽ duy trì một mức giá cạnh tranh trên thị trường. Tuy nhiên, lời hứa đó đã bị phá vỡ sau khi hãng này tiến hành tăng thêm 10 USD phí dịch vụ hàng tháng.
Xét về nội dung, Disney vốn đã là tập đoàn giải trí và truyền thông lớn thứ hai nước Mỹ chỉ sau Comcast, với bộ sưu tập những tài sản trí tuệ (IP) vô cùng quý giá như thương hiệu Marvel Studios, Lucas Film và Star Wars, cùng Indian Jones và Pixar Animation Studios. Trong khi đó, Fox cũng không kém cạnh khi sở hữu hãng phim 20th Century Fox cùng mạng lưới truyền hình rộng lớn như Fox 21 Television Studios, Fox Cable Nets, Fox Sports Media Groups và là "nhà" của rất nhiều thương hiệu toàn cầu trị giá hàng tỷ USD như Avatar, X-Men, Fantastic Four, Deadpool…
Chính vì vậy, khi nhắc đến đế chế Disney-Fox, các fan hâm mộ chắc hẳn sẽ nghĩ về một tương lai tưởng như không thể nhưng rất có thể đó là X-Men trở về với MCU (Vũ trụ Điện ảnh Marvel), cũng như đặt câu hỏi về số phận của những nhân vật mang cá tính rõ rệt như Deadpool và tương lai những đứa con cưng của “chú Cáo” như All About Eve hay Planet of the Apes.
Đổi mới để bứt tốc
Một yếu tố khác trong chiến lược thâu tóm “chú Cáo” của “nhà Chuột” bắt nguồn từ tham vọng của Disney nhằm tạo ra một thay đổi mang tính đột phá để thâm nhập vào dịch vụ phát hành phim trực tuyến (streaming) vốn mang lại lợi nhuận cao trong các lĩnh vực giải trí và thể thao.
Để làm được điều đó, ngoài việc sở hữu một thư viện phim với nội dung đáng gờm và phong phú của riêng mình, Disney cần thu hút thêm nhiều thương hiệu đã thành danh khác, cũng như các công ty sản xuất có lợi nhuận nhằm đảm bảo kho phim chất lượng luôn được cập nhật một cách liên tục, đóng vai trò là động lực tăng trưởng trong nhiều thập kỷ tiếp theo. Điều tương tự cũng sẽ xảy ra trong tương lai, khi các đại gia lớn mạnh bước vào cuộc đua thôn tính đối thủ cạnh tranh dù nhỏ bé nhưng lại sở hữu nhiều thương hiệu nội dung đáng gờm.
Thôn tính Fox sẽ là bàn đạp để Disney bước đầu lấn sân sang mảng dịch vụ phát hành phim trực tuyến và chính thức tuyên chiến với Netflix, nhất là khi thương vụ với “nhà Cáo” sẽ mang lại cho nhà sản xuất phim lớn thứ 2 nước Mỹ thêm 30% cổ phần của hãng giải trí Hulu, nâng con số tổng cộng lên 60%, đi cùng với quyền kiểm soát đa số đối với hãng này.
Bên cạnh đó, Disney cũng sẽ được quyền tận dụng các mạng lưới hoạt động của Fox để vươn mình mạnh mẽ hơn ra toàn cầu, bởi mạng lưới này hoạt động trên khắp châu Âu, Mỹ Latinh, châu Phi và châu Á cũng như có mức độ phủ sóng rộng lớn trên các đài truyền hình Ấn Độ, các chương trình Star India/Tata Sky và Endemol Shine Group.
Nhận định về những lợi thế của thương vụ sáp nhập này, Chủ tịch Robert A. Iger đã bày tỏ sự phấn khích: "Thỏa thuận sẽ giúp mở rộng đáng kể phạm vi hoạt động quốc tế của chúng tôi (Disney), cho phép chúng tôi cung cấp các nền tảng phân phối phim đẳng cấp thế giới để phục vụ số lượng khách hàng đang tăng cao ở các thị trường trọng điểm trên thế giới".
Về phía đại gia đình Fox, Giám đốc điều hành của 21st Century Fox Rupert Murdoch chia sẻ với báo chí rằng ông và tập đoàn tự hào về tất cả những gì họ đã xây dựng tại 21st Century Fox. Nhà lãnh đạo này tin chắc rằng sự kết hợp này với Disney sẽ mở ra nhiều cơ hội làm tăng giá trị doanh nghiệp cho các cổ đông khi đế chế Disney-Fox mới tiếp tục tăng tốc trong một ngành công nghiệp giải trí đầy thú vị và năng động.
Mặc dù vậy, các nhà phân tích ước tính có khoảng 4.000 việc làm từ cả hai tập đoàn sẽ sớm bị “xoá sổ” sau sáp nhập. Con số này thậm chí có thể lên đến 10.000 trong tương lai.