|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Thương vụ bán cổ phần cho KEB Hana Bank kẹt lại do kì vọng giá, triển vọng nào cho BIDV trong năm 2019?

13:17 | 27/05/2019
Chia sẻ
Theo VDSC, việc duy trì NIM ở mức hiện tại sẽ tạo áp lực lên lợi suất tài sản và chi phí vốn. Do đó, tăng trưởng thu nhập lãi của BIDV năm 2019 dự báo sẽ ở mức thấp.
Thương vụ bán cổ phần cho KEB Hana Bank kẹt lại do kì vọng giá, triển vọng nào cho BIDV trong năm 2019? - Ảnh 1.

Triển vọng phụ thuộc vào việc phát hành riêng lẻ cho KEB Hana Bank

Theo đánh giá của CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), triển vọng của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV- Mã: BID) tiếp tục phụ thuộc rất lớn vào việc phát hành riêng lẻ cho đối tác chiến lược là KEB Hana Bank. 

Nếu phát hành thành công, áp lực vốn sẽ được giải tỏa và năng lực cạnh tranh của BIDV trong mảng ngân hàng bán lẻ, SME và FDI kì vọng sẽ được cải thiện, hỗ trợ cho định hướng chiến lược mà ngân hàng đang đặt ra cho giai đoạn này. 

Tuy nhiên, cho đến nay thương vụ phát hành vẫn chưa thực hiện được do vướng mắc về giá và thủ tục. 

Cũng trong năm nay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã đề xuất Bộ Tài chính xem xét việc sử dụng ngân sách nhà nước để tăng vốn cho các ngân hàng quốc doanh, như chia cổ tức cổ phiếu và giữ lại lợi nhuận. Đối với trường hợp của BIDV thì việc hoàn tất thương vụ phát hành chiến lược, vốn được phê duyệt chủ trương từ tháng 10/2018, vẫn là ưu tiên hàng đầu.

Trong năm 2019, BIDV đặt ra chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng ở mức 12%, thấp hơn một chút so với  mức 14% của năm ngoái. Tuy nhiên, theo VDSC, việc duy trì NIM ở mức hiện tại sẽ có khó khăn do cả lợi suất tài sản và chi phí vốn đều gặp áp lực. Do đó, tăng trưởng thu nhập lãi dự báo sẽ ở mức thấp. Các khoản thu nhập ngoài lãi khác cũng khó có tăng trưởng đột biến so với năm trước. Về chi phí, chi phí hoạt động dự kiến tăng nhanh do cả các chi phí về nhân sự và đầu tư công nghệ. 

Ngoài ra, chi phí dự phòng sẽ tiếp tục là gánh nặng khi chất lượng tài sản nội bảng vẫn còn đáng ngại và ngân hàng có mục tiêu tất toán hết VAMC trong năm nay. Với những dự báo trên, chúng tôi cho rằng tăng trưởng lợi nhuận của BIDV sẽ chỉ ở mức thấp so với năm 2018.

Cụ thể, năm 2019, BID đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 10.300 tỉ đồng (tăng 8,7% so với năm 2018). Trong đó, kế hoạch lợi nhuận của ngân hàng mẹ đạt 9.800 tỉ đồng (tăng 9,9% so với năm 2018). 

Thương vụ bán cổ phần cho KEB Hana Bank kẹt lại do kì vọng giá, triển vọng nào cho BIDV trong năm 2019? - Ảnh 2.

BID đặt ra kế hoạch tăng vốn từ 34.187 tỉ đồng lên 43.728 tỉ đồng trong năm 2019 (tăng 27,9%). Trong đó, việc phát hành chiến lược đã được phê duyệt từ tháng 10/2018, tuy nhiên đến nay vẫn chưa thực hiện được do mức giá còn cao so với kì vọng của đối tác là KEB Hana Bank.

NIM giảm, tăng trưởng lợi nhuận trở nên khó khăn

Theo ước tính của VDSC, NIM trượt 12 tháng của BID đã giảm còn 2,8% vào quí I/2019 so với mức 2,9% của cả năm 2018, do lợi tức tài sản giảm nhẹ và chi phí vốn tăng nhẹ.

Dư nợ cho vay khách hàng đạt 1.024 nghìn tỉ, tăng 3,6% so với đầu năm trong khi tổng huy động đạt 1.057 tỉ, tăng 2,7% so với đầu năm. Trong quí I/2019, BIDV là ngân hàng niêm yết duy nhất có tăng trưởng thu nhập lãi âm. Thu nhập lãi thuần của BIDV giảm 6,8% so với cùng kì, đạt 8.545 tỉ đồng. 

Theo VDSC, sự suy giảm của NIM đã dược dự đoán trước đây khi quá trình dịch chuyển sang cho vay bán lẻ và SME chậm lại, cho vay ngắn hạn tiếp tục mở rộng và huy động chịu áp lực. 

Về tín dụng, cho vay ngắn hạn tăng 4,9% so với đầu năm, nâng tỉ trọng so với tổng danh mục lên 62,6% so với 61,8% của cuối năm 2018. Về huy động, trong khi các loại giấy tờ có giá khác không đổi, chứng chỉ tiền gửi tăng 19,4% so với đầu năm, chủ yếu tập trung vào kỳ hạn từ 12 tháng đến dưới 5 năm. CASA giảm còn 14,4% từ 17,0% vào quí I/2018 và 16,4% vào cuối 2018.

Thương vụ bán cổ phần cho KEB Hana Bank kẹt lại do kì vọng giá, triển vọng nào cho BIDV trong năm 2019? - Ảnh 3.

Cùng với đó, BIDV có tăng trưởng tốt so với cùng kì ở thu nhập dịch vụ, tăng 17,6%, đạt 876 tỉ đồng, thu nhập từ hoạt động khác tăng 111,4%, đạt 1.264 tỉ đồng và thu từ hoạt động kinh doanh ngoại hối, vàng tăng 50,2%, đạt 322 tỉ đồng. 

Dù vậy, thu nhập từ kinh doanh chứng khoán giảm mạnh, cũng là xu hướng chung của nhiều ngân hàng trong quí 1. Lãi thuần từ mua bán chứng khoán kinh doanh giảm 92,7% xuống 39 tỉ đồng, lỗ từ hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư tăng mạnh từ 17 tỉ đồng lên 389 tỉ đồng. Do vậy, thu nhập thuần ngoài lãi và dịch vụ cũng có tăng trưởng âm và thu nhập hoạt động chỉ đạt 10.750 tỉ đồng, giảm 5,1% so với cùng kì.

VDSC đánh giá hi phí hoạt động của BID trong quí I chiếm 2,998 tỉ đồng, tăng 7,8% so với cùng kì, chủ yếu do chi phí nhân viên tăng tới 10,9% mặc dù số lượng nhân viên tăng ko đáng kể. Chất lượng tài sản nội bảng vẫn còn đáng chú ý với tỉ lệ nợ xấu ở mức 1,7% và tỉ lệ dự phòng bao nợ xấu giảm còn 70,2% (cùng kì năm trước là 80,7%).

Theo BIDV, sau khi kiểm toán, một số khoản nợ đã được yêu cầu chuyển từ nhóm 2 sang nhóm 3 và 4 khiến nợ nhóm 2 giảm còn tỉ lệ nợ xấu tăng lên. Chi phí dự phòng giảm 13,7% so với cùng kì, chiếm 1/4 kế hoạch 20.200 tỉ đồng trong khi cùng kì năm ngoái chiếm tới 2/3 chi phí dự phòng cả năm. Do đó, chi phí dự phòng cho 3 quí cuối năm dự đoán sẽ tăng nhanh hơn và ảnh hưởng nhiều hơn đến tăng trưởng lợi nhuận so với cùng kì.

Do đó, VDSC cho rằng tăng trưởng lợi nhuận của BIDV sẽ chỉ đạt mức khiêm tốn so với năm 2018.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Diệp Bình

Trước thềm Diễn đàn Đầu tư Việt Nam: Đầu tư thụ động trong bối cảnh vĩ mô không chắc chắn
Trong năm 2024, lãi suất tiền gửi có kỳ hạn đang ở mức thấp. 4 ngân hàng quốc doanh có mức huy đông kỳ hạn 12 tháng đang ở mức 4,6%-5,0%. Trong khi đó thị trường trái phiếu, cũng như thị trường bất động sản đều chưa phục hồi, dẫn đến thiếu các kênh đầu tư tài chính hấp dẫn. Lượng tiền gửi trong ngân hàng đang ở mức cao nhất trong lịch sử đạt gần 6,84 triệu tỷ đồng vào tháng 7/2024.