Chủ tịch BIDV: Khoảng cách về quy định pháp luật và kỳ vọng giá khiến việc bán vốn cho Hana Bank gặp khó khăn
Tại đại hội đồng cổ đông thường niên (ĐHĐCĐ) 2019 sáng nay của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV - Mã: BID), lãnh đạo ngân hàng cho hay đã làm hết sức mình trong việc bán vốn cho Hana Bank, tuy nhiên vẫn đang gặp một số khó khăn về các điều kiện kỹ thuật theo quy định pháp luật, đặc biệt là về kỳ vọng giá của hai bên.
"Chúng tôi đã rất nỗ lực và rất cố gắng, nhưng thành công hay thì phụ thuộc vào tháo gỡ các điều kiện kỹ thuật theo quy định pháp luật, đặc biệt là về kỳ vọng giá của hai bên", ông Phan Đức Tú, Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) BIDV, chia sẻ tại đại hội sáng nay (26/4).
Đại diện ngân hàng cho rằng, bán vốn cho Hana Bank là câu chuyện khá dài, BIDV đã trải qua rất nhiều giai đoạn. Từ đại hội đồng cổ đông năm 2017, BIDV bắt đầu đặt vấn đề về cổ đông chiến lược. Mặc dù trước đây, khi BIDV tổ chức IPO và đại hội đồng cổ đông lần thứ nhất vào năm 2012, cũng đã tính chuyện tìm nhà đầu tư.
Đến năm 2017, ngân hàng gần như chuẩn bị xác định được danh tính nhà đầu tư. Đến năm 2018, theo quy định của pháp luật, ngân hàng tiến hành đại hội BIDV để xác định danh tính nhà đầu tư tiềm năng nhằm bán cổ phần chiến lược, đó là Tập đoàn Tài chính Hana Bank của Hàn Quốc. Đây là một tập đoàn tài chính lớn nhất của Hàn Quốc, ông Tú cho biết.
Các thủ tục, trình tự, phương thức làm hau bên đã thống nhất. BIDV cùng Hana đi tất cả khâu theo quy định pháp luật Việt Nam.
Ông Tú cho biết, yêu cầu của phía đối tác là BIDV tự khảo sát đánh giá đến thuê tư vấn đánh giá, thực hiện các khâu trong đàm phán, các hợp đồng về kỹ thuật, hợp đồng về giao dịch mua bán. Trong quá trình đó, BIDV triển khai rất nhiều thủ tục liên quan, hiện đã được Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, các Bộ ngành liên quan cơ bản chấp thuận.
"Nhưng cho đến nay, BIDV chưa thể hoàn tất thủ tục này", ông Tú nói.
Theo ông Tú chia sẻ, giữa BIDV và Hana Bank có một số vấn đề kỹ thuật mang tính quyết định của pháp luật, đang có khoảng cách. Thứ hai, về giá kỳ vọng giữa hai bên chưa gặp nhau.
"Với thực tế này nên giao dịch bán vốn chưa thể tiến hành được.
Còn đến bao giờ thì tôi nghĩ phụ thuộc vào thị trường và thiện chí của nhà đầu tư, cũng như tháo gỡ khó khăn về mặt kỹ thuật theo quy định pháp luật Việt Nam.
HĐQT sẽ cố gắng tối đa để kết thúc giao dịch này, bởi việc này có tầm quan trọng quyết định hoạt động của BIDV trong tương lai về việc đáp ứng tỷ lệ CAR, các chỉ số an toàn trong hoạt động, khả năng mở rộng quy mô kinh doanh của BIDV", ông Tú cho biết.