Thương mại thủy sản toàn cầu thay đổi vì thuế đối ứng của Mỹ
Mặc dù Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo tạm hoãn kế hoạch áp thuế đối ứng trong 90 ngày với tất cả đối tác thương mại không trả đũa Mỹ, nhưng lại tăng thuế nhập khẩu đối với hàng hoá Trung Quốc lên tới 145%.
Diễn biến này khiến thương chiến Mỹ - Trung ngày càng leo thang, khiến dòng chảy thương mại toàn cầu, kể cả thủy sản, chịu tác động mạnh mẽ.
Theo nhận định của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), trong bối cảnh căng thẳng hiện nay, tôm Trung Quốc bị chặn đường vào Mỹ trong khi nhu cầu tiêu dùng tại thị trường này vẫn ổn định.
Điều đó khiến tôm Việt Nam có cơ hội tăng thị phần bằng các sản phẩm giá trị gia tăng cũng như đảm bảo đúng chuẩn về tiêu chuẩn xuất xứ nhưng đi kèm với cơ hội đó là áp lực lớn về cạnh tranh giá.
Bên cạnh đó, thách thức cũng tăng khi Trung Quốc có khả năng chuyển hướng xuất khẩu tôm sang các thị trường lớn như EU, Nhật Bản và ASEAN, đây đều là những điểm đến hiện nay của tôm Việt Nam.
Ngoài ra, vẫn còn đó nguy cơ hàng Trung Quốc gắn mác “Made in Vietnam” để né thuế Mỹ, đẩy thủy sản Việt Nam vào tình thế bị Hải quan Mỹ giám sát chặt chẽ.
Ngoài Trung Quốc, các nguồn cung tôm chủ yếu vào Mỹ như Ấn Độ, Ecuador,... cũng có những biến động.
Sau khi ông Trump công bố chính sách thuế quan mới, Bộ Thương mại Ấn Độ cho biết đã xem xét kỹ lưỡng tác động và cơ hội từ các mức thuế mới của Mỹ và nhận định rằng mức thuế áp lên Ấn Độ sẽ gây tổn hại đến nhu cầu đối với hàng xuất khẩu của nước này.
Chính phủ Ấn Độ cũng thực hiện các biện pháp hỗ trợ nuôi trồng thủy sản và doanh nghiệp xuất khẩu thủy của nước này. Tuy vậy, đối với ngành tôm, Ấn Độ tự tin về khả năng cung ứng sản phẩm tôm giá trị gia tăng cho lĩnh vực bán lẻ, phân phối và siêu thị của Mỹ - đến nay đây là phân khúc mà Ecuador hay các đối thủ khác chưa thay thế được.
Các công ty tôm của Ấn Độ cũng cho biết, họ đã được một số khách hàng Mỹ đề xuất sẵn sàng chia sẻ chi phí do thuế suất gây ra. Bên cạnh việc xuất khẩu sang các thị trường như châu ÂU, Nhật Bản và Hàn Quốc, các doanh nghiệp tôm của Ấn Độ cũng đang nỗ lực tăng xuất khẩu sang Trung Quốc, Nga và Canada nhằm giảm sự phục thuộc vào thị trường Mỹ.
Tại Ecuador, chính quyền nước này tuyên bố tạm thời giảm thuế nhập khẩu đối với các sản phẩm tôm của Mỹ xuống 0%. Đây được coi là động thái “xuống nước” để duy trì quan hệ thương mại thuận lợi với Mỹ trong bối cảnh Mỹ đưa ra nhiều thay đổi về chính sách thương mại.
Ecuador tỏ ra lạc quan về khả năng đạt được thỏa thuận thương mại và dự kiến tiếp tục đàm phán với Mỹ để tìm ra giải pháp. Ngay cả trước khi Mỹ công bố thuế đối ứng, Ecuador đã làm việc với cả khu vực công và tư nhân để cải thiện quan hệ thương mại và điều kiện thuế quan với MỸ, đối tác thương mại lớn nhất của nước này.
Bộ Tài chính Thái Lan hôm 8/4 cho biết, nước này sẽ tăng cường nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ, đồng thời cắt giảm một số loại thuế đang ở mức cao cũng như tháo gỡ các rào cản phi thuế quan. Thái Lan sẽ nỗ lực cân bằng cán cân thương mại với Mỹ trong vòng 10 năm tới.
Các nhà xuất khẩu Thái Lan vẫn tìm kiếm những thị trường mới và đẩy nhanh các thỏa thuận thương mại để giảm thiểu tác động. Chính phủ nước này khẳng định sẽ có biện pháp hỗ trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi thuế suất mới.
Theo đó, Thái Lan sẽ đẩy mạnh việc nhập khẩu từ Mỹ các mặt hàng như ngô, đậu nành, dầu thô, ethane, khí tự nhiên hóa lỏng, ô tô, linh kiện điện tử và máy bay. Ngoài ra, họ cũng sẽ xem xét lại quy định nhập khẩu thịt heo từ Mỹ.
Chính phủ Indonesia cũng đang cung cấp hỗ trợ tài chính cho các ngành công nghiệp bị ảnh hưởng và xây dựng một chiến lược thống nhất nhằm giải quyết vấn đề thuế quan của Mỹ. Một phần của kế hoạch này là chuyển hướng sang châu Âu như một giải pháp thay thế cho thị trường Mỹ và Trung Quốc.