Thương mại hai chiều Việt Nam - Mỹ tăng 20% trong 7 tháng
Thông tin từ thương vụ Việt Nam tại Mỹ, 7 tháng đầu năm, kim ngạch thương mại hai chiều đạt gần 76 tỷ USD tăng hơn 20%, chiếm 17,5 % tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với các nước.
Hiện, Mỹ là đối tác thương mại lớn thứ hai và thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Còn Việt Nam là đối tác thương mại đứng thứ 7 của Mỹ.
Riêng về xuất khẩu, Việt Nam đứng thứ 6 về tổng kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ, chiếm 3,8% tổng nhập khẩu của Mỹ từ các đối tác. Điều này giúp thặng dư thương mại lớn với Mỹ nghiêng về xuất siêu khoảng 70 tỷ USD.
Thương vụ Việt Nam tại Mỹ nhận định thương mại Việt Nam – Mỹ tăng trưởng lạc quan nhờ xu hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng của Mỹ giúp Việt Nam có cơ hội mở rộng hoạt động sản xuất, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, thu hút các dòng vốn đầu tư chất lượng cao, đi vào chiếu sâu, phục vụ quá trình phục hồi kinh tế.
Đồng thời, xung đột thương mại, địa chính trị cũng giúp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng mà Việt Nam có thể thay thế trong bối cảnh thiếu hụt nguồn cung từ chuỗi cung ứng toàn cầu.
Tuy nhiên, thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Mỹ vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn khi xung đột Nga – Ukraine và dịch COVID-19 tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế toàn cầu.
Trước áp lực lạm phát gia tăng và suy thoái kinh tế, Cục Dự trữ liên bang Mỹ phải tăng lãi suất đồng USD, đồng thời ban hành nhiều chính sách hạn chế nhập khẩu nhằm giảm thâm hụt thương mại, khuyến khích sản xuất nội địa. Điều này tác động trực tiếp và gián tiếp đến hàng hoá Việt Nam.
Bên cạnh đó, việc gia tăng tần suất các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại đối với hàng hóa của Việt Nam cũng như chưa công nhận Việt Nam là nước có nền kinh tế thị trường dẫn đến bất lợi lớn trong các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại.
Trước tình hình trên, thương vụ Việt Nam tại Mỹ đề xuất Bộ Công Thương chỉ đạo hệ thống Thương vụ nắm bắt thông tin về tình hình chính trị, chính sách có tác động trực tiếp đến quan hệ kinh tế - thương mại Việt Nam và Mỹ, từ đó đưa ra cảnh báo và phản ứng kịp thời, bảo đảm quyền lợi của đất nước, của doanh nghiệp trong hội nhập kinh tế quốc tế.
Trong bối cảnh Mỹ gia tăng phòng vệ thương mại với hàng hóa nhập khẩu, Thương vụ kiến nghị các cơ quan vận động đề nghị Mỹ xem xét áp dụng kinh tế thị trường theo ngành đối với các ngành sản xuất của Việt Nam trong các vụ việc điều tra chống bán phá giá, đồng thời tăng cường cơ chế cảnh báo sớm về các vụ kiện phòng vệ thương mại.
Đối với doanh nghiệp, thương vụ Việt Nam tại Mỹ khuyến khích đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng mà Việt Nam có thể thay thế trong bối cảnh thiếu hụt nguồn cung từ chuỗi cung ứng toàn cầu như mặt hàng nông sản, hàng tiêu dùng, sắt thép.
Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với Bộ Thương mại Mỹ, Bộ Công Thương Việt Nam (Cục Phòng vệ thương mại) và các cơ quan liên quan để cung cấp tài liệu giải trình và lập luận trước việc Mỹ khởi xướng điều tra lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại đối với mặt hàng gỗ dán cứng và tủ gỗ nhập khẩu vào Mỹ.