Hà Nội 19 °C | 05:52PM, 08/01/2025
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Thương mại giảm nhưng du lịch tăng trong tháng 2

09:31 | 01/03/2017
Chia sẻ
Trong tháng 2, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 309.300 tỷ đồng, giảm gần 7% so với tháng trước. Trong khi đó, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tháng này lại lớn nhất trong nhiều năm trở lại đây.
hoat dong thuong mai giam nhung du lich lai tang trong thang 2
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của tháng 2 ước đạt 309.300 tỷ đồng, giảm gần 7% so với tháng trước và tăng 7% so với cùng kỳ năm 2016. (Ảnh: Đỗ Quang/ Đài PT&TH Quảng Ninh)

Hoạt động thương mại tháng 2 giảm so với tháng Tết

Theo báo cáo mới nhất của Tổng cục Thống kê, hoạt động thương mại dịch vụ trong tháng 2 có xu hướng giảm so với tháng trước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của tháng khoảng 309.300 tỷ đồng, giảm gần 7% so với tháng trước và tăng 7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 234.100 tỷ đồng; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 37.700 tỷ đồng; doanh thu du lịch lữ hành 2.500 tỷ đồng và doanh thu dịch vụ khác 34.900 tỷ đồng.

Tính chung 2 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tính 640.000 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng gần 6%.

Xét theo ngành hoạt động, doanh thu bán lẻ hàng hóa 2 tháng đầu năm ước đạt 487.400 tỷ đồng, chiếm 76% tổng mức và tăng 8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành hàng lương thực, thực phẩm tăng 10%; may mặc tăng 10%; phương tiện đi lại tăng 9%...

Dịch vụ lưu trú, ăn uống có doanh thu khoảng 75.800 tỷ đồng, chiếm 12% tổng mức và tăng 4% so với cùng kỳ năm trước. Một số địa phương có doanh thu tăng như Thanh Hóa, Bình Thuận, Hải Phòng... Ngược lại, con số này tại hai thành phố lớn nhất lại giảm, Hà Nội giảm 4%; TP HCM giảm 3%.

Doanh thu du lịch lữ hành ước tính đạt 5.400 tỷ đồng, chiếm gần 1% tổng mức và tăng 5% so với cùng kỳ năm trước. Những địa phương có doanh thu tăng khá là Cần Thơ, Quảng Ninh, Đồng Nai...; còn Quảng Trị, Lào Cai, Phú Yên... lại bị giảm.

Còn doanh thu dịch vụ khác khoảng 71.400 tỷ đồng, chiếm 11% tổng mức và tăng 7% so với cùng kỳ năm 2016.

Khách quốc tế đến Việt Nam tăng

Lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 2 gần 1,2 triệu lượt người, tăng 19% so với tháng trước và tăng 42% so với cùng kỳ năm trước. Đây là tháng đón lượng khách quốc tế lớn nhất trong nhiều năm trở lại đây do đang vào mùa lễ hội đầu năm với nhiều sự kiện thu hút.

Tính chung 2 tháng đầu năm, khách quốc tế đến Việt Nam khoảng 2,2 triệu lượt người, tăng 33% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó khách đến bằng đường hàng không đạt 1,8 triệu lượt người, tăng 37%; đến bằng đường bộ đạt 298.200 lượt người, tăng gần 4%; đến bằng đường biển đạt 89.500 lượt người, tăng 101%.

Xét theo khu vực, khách đến từ châu Á đạt 1,6 triệu lượt người, tăng gần 40% so với cùng kỳ năm trước. Các thị trường chính đều có số khách tăng như Trung Quốc đạt 651.300 lượt người, tăng 78%; tiếp sau là các nước Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan...

Khách đến từ châu Âu khoảng 378.200 lượt người, tăng 26% so với cùng kỳ năm trước. Những quốc gia có khách đến Việt Nam tăng gồm Liên bang Nga, Vương quốc Anh, Pháp, Đức...

Châu Mỹ có số khách đến Việt Nam đạt 179.100 lượt người, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước; khách đến từ châu Úc đạt 79.100 lượt người, tăng 5% so với cùng kỳ và đến từ châu Phi đạt 6.400 lượt người, tăng 44% so với cùng kỳ năm 2016.

Linh Lê

Thống đốc NHNN giải thích lý do không thể đồng thời mở rộng chính sách tiền tệ và tài khoá
Theo Thống đốc do tình hình kinh tế khó lường, không thể có chính sách tiền tệ và tài khóa đồng thời mở rộng, NHNN đã chọn phương án phù hợp để kiểm soát lạm phát, giảm lãi suất, ổn định tỷ giá và thị trường ngoại tệ.