|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Thương hiệu pizza có tên kì lạ nhất thế giới huy động robot vào cuộc chiến với các 'đại gia'

15:22 | 12/07/2019
Chia sẻ
Tự động hóa bằng robot, nhận đơn hàng qua tin nhắn SMS, trả lương cao hơn mức chính phủ quy định là những biện pháp mà thương hiệu mang tên &Pizza thực hiện để vượt qua các 'đại gia' pizza.

Nếu gặp Michael Lastoria, không ai nghĩ anh là một doanh nhân, bởi anh để tóc dài, râu rậm, mặc quần jean và đeo giày cao cổ. 

Khi phóng viên tạp chí INC gặp Michael Lastoria gần đây, anh đang huấn luyện nhân viên ở quán pizza thứ 33 của chuỗi do anh sáng lập. Quán tọa lạc ở thủ đô Washington, gần tòa nhà Quốc hội Mỹ.

Thương hiệu pizza có tên độc nhất vô nhị

Chuỗi quán của anh chàng có ngoại hình lập dị cũng mang cái tên rất lạ thường: &Pizza (đọc là "Và Pizza"). Gọi là quán, nhưng trông nó giống một quầy thực phẩm hơn.

Trong thời gian chính phủ Mỹ tạm ngừng hoạt động,  &Pizza đã phát lượng pizza có trị giá tới 300.000 USD cho công chức liên bang.

Mỗi chi nhánh của &Pizza có một biệt hiệu riêng. Quán thứ 33 có biệt hiệu là "Influence" (Ảnh hưởng).

Michael Lasteria

Michael Lasteria (người mặc áo đen) nuôi tham vọng thay đổi hoạt động bán pizza. Ảnh: QSR

Dù bán mỗi chiếc bánh pizza với giá 10 USD, Michael Lastoria vẫn nuôi tham vọng vượt qua những thương hiệu lớn về bánh pizza. Chuỗi của anh đã mở 36 cửa hàng dọc theo bờ biển phía đông nước Mỹ và đặt mục tiêu nâng con số lên 47 vào cuối năm nay. 

Chàng giám đốc sáng lập chuỗi với Steve Salis, một doanh nhân kì cựu trong lĩnh vực nhà hàng ở thủ đô Washington. Hai người dành gần 60 triệu USD để xây dựng những quán pizza tự động một phần, nơi nhân viên không phải thực hiện những công việc nhàm chán, mang tính chất lặp lại.

Lớn lên ở làng Fillmore, thành phố New York, Michael Lasteria thành lập công ty đầu tiên năm 2002. Innovation Ads, tên của công ty công nghệ quảng cáo mà anh điều hành, đổi chủ sau 4 năm với mức giá khá hời. 

Công ty tiếp theo của anh là JWalk, một doanh nghiệp quảng cáo. Năm 2017, anh bán nó cho tập đoàn dược phẩm Shiseido (Nhật Bản) để theo đuổi một thứ gì đó thật sự khác biệt. Michael chú ý tới các nhà hàng, nơi trả lương theo giờ thấp nhất nước Mỹ. 

"Nếu tôi có thể biến kinh doanh nhà hàng thành một ví dụ về kinh doanh có đạo đức và quan tâm tới những người cống hiến thời gian và công sức cho nhà hàng, đó sẽ là một thông điệp đầy sức mạnh", doanh nhân tóc dài bình luận.

Ưu tiên tự động hóa nhưng không giảm nhân công

Doanh nhân 39 tuổi tiết lộ rằng, toàn bộ nhân viên của công ty hưởng lương theo giờ và mức thu nhập theo giờ của họ cao hơn tối thiểu 2 USD so với mức lương cơ bản mà chính phủ quy định.

"Mục tiêu của tôi là mọi nhân viên sẽ hưởng mức thu nhập tối thiểu 15 USD mỗi giờ vào năm 2020", anh nói.

Để có thể trả lương cho nhân viên với mức cao hơn so với các "đại gia pizza" như Domino's, Pizza Hut, và Papa John's - Michael áp dụng công nghệ mới nhất.

Quy trinh nhận yêu cầu của thực khách và làm bánh pizza của một quán thuộc chuỗi &Pizza tại thành phố New York, Mỹ. Video: &Pizza

Năm nay, một số chi nhánh của &Pizza sẽ triển khai máy nhào bột do Zume - một startup trị giá hơn 2 tỉ USD chuyên phục vụ các dịch vụ ẩm thực và giao vận.

"Chúng tôi đang tự động hóa những công việc đơn điệu, nguy hiểm, lặp đi lặp lại như trộn bột, đưa bánh vào lò", Alex Garden, giám đốc điều hành của Zume, phát biểu.

Michael Lastoria khẳng định anh dùng robot không phải để giảm số lượng nhân viên.

"Tôi sẽ không bao giờ sa thải người lao động vì robot và tự động hóa. Máy nhào bột sẽ tăng năng suất và hiệu quả hoạt động, giúp công ty thay đổi vai trò của nhân viên và mang tới trải nghiệm mới cho khách hàng", anh nói.

Bán hàng bằng xe tải, nhận đơn qua tin nhắn SMS

Zume cũng đang xây dựng một đội xe tải thông minh cho &Pizza để bán hàng cơ động. Với những thiết bị điện và bộ phát sóng Wi-Fi, chúng có thể nhận đơn đặt hàng rồi chế biến bánh pizza cho khách trong khoảng thời gian ngắn.

"Nếu thời gian từ lúc khách đặt bánh tới khi bánh lên bàn là 30-45 phút, tôi đảm bảo bánh pizza của bạn sẽ không còn hấp dẫn. Nhưng nếu xe tải bán hàng nhận đơn hàng từ khách, quá trình sản xuất sẽ diễn ra ngay khi xe chạy tới địa chỉ của khách", Michael giải thích.

Giảm một nửa thời gian giao hàng là kì vọng của Michael. Một nhân viên sẽ vừa lái xe tải, vừa chuẩn bị bánh pizza. Như vậy, số lượng nhân viên vận hành một xe tải bán hàng đã thấp hơn nhiều so với số lượng nhân viên vận hành một quán pizza. 

Hoạt động của một trong những máy nhào bột bánh hiện đại nhất thế giới. Video: YouTube

Hiện tại &Pizza mới có 2 xe tải bán hàng. Trong tương lai, rất có thể robot sẽ đảm nhiệm khâu chuẩn bị bánh. Dữ liệu khách hàng từ 2 xe tải sẽ giúp công ty xác định những vị trí phù hợp để mở chi nhánh mới hay những quầy nhỏ.

Cũng trong mùa hè này, &Pizza sẽ chuyển từ hệ thống đặt hàng qua ứng dụng sang nền tảng đặt hàng qua tin nhắn điện thoại. Theo Michael, đó là cách thuận tiện nhất mà phần lớn khách hàng liên lạc với nhà sản xuất bánh.

"Bạn không thể gọi điện thoại hay gửi thư điện tử cho &Pizza vì chúng tôi sẽ không phản hồi", anh khẳng định.

Ngay trong nội bộ công ty, mọi nhân viên có số điện thoại cá nhân của Michael, và phần lớn hoạt động giao tiếp từ xa trong nội bộ công ty diễn ra dựa trên tin nhắn điện thoại.

Nền tảng nhắn tin để đặt bánh vận hành nhờ sự kết hợp giữa nhân viên và chatbot. Nếu một khách hàng hỏi: "Tôi có thể lấy thêm nước sốt không?", ngay lập tức chatbot sẽ đáp "Đương nhiên" rồi gửi hình ảnh một nụ cười dưới định dạng GIF. 

"Chúng tôi cố gắng xác định những yếu tố công ty có thể tự động hóa mà không làm mất bản sắc của thương hiệu", Michael nói.

Quân Vũ

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.