|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Thương hiệu nổi tiếng Việt Nam bị đăng ký trước ở Mỹ

22:20 | 04/10/2019
Chia sẻ
Hiện Việt Nam chỉ có 1.938 thương hiệu được đăng ký, trong đó chỉ 1.090 thương hiệu đang trong tình trạng tồn tại.
hinh-xoai-xk2oaev_jiva

Chi nhánh thương vụ Việt Nam tại Houston (Bộ Công Thương) vừa biên soạn tài liệu Hướng dẫn tiếp cận thị trường Mỹ: Bảo hộ nhãn hiệu thương mại cho các doanh nghiệp (DN) Việt Nam xuất khẩu hàng hóa vào Mỹ.

Theo Chi nhánh thương vụ Việt Nam tại Houston, nhiều năm qua Mỹ luôn là thị trường xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam nhưng có không ít nhãn hiệu nổi tiếng của Việt Nam bị đăng ký trước ở Mỹ, việc lấy lại thương hiệu sẽ mất rất nhiều thời gian, chi phí. 

Nhiều trường hợp DN phải bỏ tiền ra mua lại thương hiệu của chính mình với giá cao. Hoặc chấp nhận sử dụng một thương hiệu khác trên đất Mỹ hay tốn rất nhiều chi phí luật sư cho việc khởi kiện lấy lại thương hiệu.

Vậy quyền sở hữu nhãn hiệu thương mại tại Mỹ được quy định thế nào? Ở hầu hết các quốc gia, nhãn hiệu thương mại được thiết lập thông qua đăng ký theo nguyên tắc nộp đơn đầu tiên. Nghĩa là nhãn hiệu thương mại sẽ thuộc về DN đầu tiên nộp đơn đăng ký, bất kể ngày hình thành thực tế thương hiệu đó. Luật Sở hữu trí tuệ của Việt Nam tuân theo nguyên tắc này.

Nhưng tại Mỹ, quyền sở hữu nhãn hiệu thương mại được thiết lập bởi người đầu tiên sử dụng nó trong thương mại. Nguyên tắc này đòi hỏi DN muốn được bảo vệ phải thực sự đã sử dụng nhãn hiệu đó trong thương mại.

Nếu có tranh chấp với DN khác về nhãn hiệu thương mại, thì DN nào sử dụng nhãn hiệu thương mại đó đầu tiên sẽ sở hữu quyền sử dụng, ngay cả khi họ không đăng ký. Quyền này được bảo vệ bởi thông luật (comon law), tức là DN có sử dụng trong thương mại mà không đăng ký.

Với cách tiếp cận này, việc đăng ký nhãn hiệu thương mại là không bắt buộc về mặt pháp lý tại Mỹ. Tuy nhiên, nhãn hiệu thương mại được bảo vệ theo thông luật nên có một số nhược điểm là bị giới hạn về địa lý: ví dụ nếu DN có hàng hóa; dịch vụ bán tại bang Texas, nhãn hiệu thương mại này chỉ được bảo vệ tại Texas. 

Và thông luật chỉ có thể ngăn cản các DN khác sử dụng nhãn hiệu thương mại tương tự tại Texas nhưng không thể ngăn đối thủ sử dụng nhãn hiệu tương tự tại New York hay các bang khác.

Nếu đối thủ cạnh tranh là bên đầu tiên sử dụng nhãn hiệu tương tự đó tại bang khác ngoài Texas thì chính thông luật sẽ không cho phép DN mở rộng thị trường sang bang đó với nhãn hàng hóa tương tự…

Để bảo vệ nhãn hiệu thương mại tại Mỹ hiệu quả, DN Việt nên đăng ký thông qua Cục Sáng chế và nhãn hiệu Mỹ (USPTO).

DN đăng ký nhãn hiệu thương mại tại Mỹ bằng cách nào? Nhãn hiệu thương mại dù đã được đăng ký bảo hộ tại Việt Nam, DN vẫn phải đăng ký tại Mỹ.

Thứ nhất, DN có thể đăng ký trực tiếp với USPTO. Với cách này DN có thể tiến hành đăng ký online hoặc gửi hồ sơ trực tiếp tới USPTO. Nếu DN Việt không có pháp nhân hoạt động tại Mỹ mà chỉ xuất khẩu hàng hóa thì việc đăng ký bắt buộc phải thông qua luật sư Mỹ có giấy phép hành nghề.

Thứ hai, DN có thể đăng ký thông qua hệ thống sử dụng Nghị định thư Madrid (do Việt Nam và Mỹ cùng là thành viên) cho văn phòng quốc tế Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam.

Cách nào DN bảo vệ nhãn hiệu thương mại tại Mỹ

DN cần đăng ký bảo hộ nhãn hiệu thương mại. Nếu chưa kịp đăng ký hoặc thủ tục đăng ký chưa hoàn tất, DN nên kèm ký hiệu “TM” đối với nhãn hiệu hàng hóa và “SM” đối với dịch vụ.

Đối với các nhãn hiệu đã được đăng ký với USPTO, DN có thể sử dung biểu tượng ® kèm theo nhãn hiệu hàng hóa. Việc này cũng giúp ngăn chặn đối thủ cạnh tranh sử dụng trái phép thương hiệu của DN.

Trong lịch sử, đã có hiện tượng DN Việt bị chính các đối tác của mình tại Mỹ sử dụng trái phép thương hiệu và đăng ký trước với USPTO. Việc khiếu kiện tốn rất nhiều thời gian, tiền của mà vẫn không lấy lại được thương hiệu. Hoặc phải trả một số tiền lớn cho chính bên sử dụng trái phép để mua lại thương hiệu của chính DN mình.

Theo số liệu từ USPTO, hiện Việt Nam chỉ có 1.938 thương hiệu được đăng ký, trong đó chỉ 1.090 thương hiệu đang trong tình trạng tồn tại. Trong khi đó, một số nước xếp sau Việt Nam về kim ngạch xuất khẩu vào Mỹ có số lượng thương hiệu đăng ký lớn hơn Việt Nam. Ví dụ tính đến tháng 8-2019, Đài Loan là 33.820 thương hiệu được đăng ký, Singapore là 10.811…

PV

[Cập nhật] KQKD ngân hàng 2024: Xuất hiện nhà băng có lợi nhuận tăng bằng lần
Nhiều ngân hàng thông báo vượt chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh đã được đại hội đồng cổ đông giao. Trong đó, một số nhà băng ước tính tăng trưởng lợi nhuận, dư nợ tín dụng cả năm 2024 sẽ ở mức hai con số.