|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Thượng đỉnh Mỹ - Triều: Ba kịch bản cho hội đàm

14:41 | 21/02/2019
Chia sẻ
Dự kiến tuần tới, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Kim Jong-un của CHDCND Triều Tiên sẽ có cuộc đàm phán với trọng tâm xung quanh vấn đề hạt nhân của Bình Nhưỡng.
thuong dinh my trieu ba kich ban cho hoi dam
Truyền thông quốc tế tác nghiệp tại Hà Nội những ngày gần đây. Ảnh: Vũ Hân.

Ba kịch bản có thể xảy ra cho kết quả của cuộc đàm phán.

Thứ nhất, Washington chiếm được ưu thế khi Bình Nhưỡng đồng ý dỡ bỏ hoàn toàn chương trình tên lửa và hạt nhân. Liên quan vấn đề này, Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) của Mỹ gần đây đưa ra một số bằng chứng cho rằng Triều Tiên đang phát triển một số cơ sở hạt nhân mới. Nếu CSIS đúng thì cũng không quá ngạc nhiên khi thực tế Mỹ - Triều Tiên vẫn chưa thực sự có thỏa thuận đủ ý nghĩa liên quan vấn đề này.

Trong khi đó, Bình Nhưỡng vốn dĩ vẫn luôn nghi ngờ Washington. Khi chưa thể tin tưởng đối phương, việc Triều Tiên chưa hoàn toàn từ bỏ chương trình hạt nhân là điều không quá khó hiểu. Và đây chính là thách thức lớn khiến Washington khó đạt mục tiêu trong đàm phán. Thứ hai, kết quả đàm phán nghiêng về Triều Tiên khi Washington đồng ý chủ động nới lỏng lệnh trừng phạt nhằm vào Bình Nhưỡng, mà không đổi lại một cam kết chính thức và đầy đủ về lộ trình từ bỏ vũ khí hạt nhân. Nhưng khả năng này khó có thể được Mỹ chấp nhận. Thực sự, khi quyết định tiến đến cuộc đàm phán này, Tổng thống Trump muốn nhận được một cái gì đó từ Bình Nhưỡng. Nếu không đạt mục tiêu này, Washington khó lòng đáp ứng yêu cầu từ Bình Nhưỡng.

Kịch bản thứ ba là “win - win” (hai bên cùng thắng). Trong trường hợp này, Chủ tịch Kim Jong-un có thể đồng ý kéo dài thời gian đóng băng chương trình hạt nhân và tên lửa. Đổi lại, Mỹ sẽ giảm nhẹ phần nào các biện pháp trừng phạt. Với thỏa thuận như vậy, Washington lẫn Bình Nhưỡng đều có thể đạt mục tiêu đề ra. Vì thế, đây là kịch bản có nhiều khả năng xảy ra nhất. Tuy nhiên, nếu kịch bản thứ ba xảy ra thì rõ ràng đàm phán lần này chưa thể giải quyết triệt để vấn đề vũ khí hạt nhân của Triều Tiên và cần thêm nhiều thời gian để xử lý. Mặc dù vậy, dù là kịch bản nào diễn ra thì rõ ràng Việt Nam cũng để lại dấu ấn ngoại giao quan trọng đối với cộng đồng thế giới. Đó là vì Việt Nam đã trở thành nơi để Mỹ - Triều Tiên ngồi lại giải quyết “hòn đá tảng” mà nhiều năm qua khiến thế giới lẫn khu vực không khỏi lo ngại, nhất là trong những thời điểm căng thẳng tăng cao.

Xem thêm

TS Satoru Nagao (Viện Nghiên cứu Hudson, Mỹ)