Thuế quan 25% của Mỹ đối với tôm Trung Quốc đem lại lợi thế lớn cho Ấn Độ
Ảnh minh họa. Nguồn: Undercurrent News
Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer đã thông báo về việc Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ tăng mức thuế từ 10% lên 25% đối với một số mặt hàng trị giá 200 tỉ USD của Trung Quốc, gồm cá rô phi, ghẹ đỏ, cá ngừ, mực và tôm.
"Điều này ảnh hưởng rất lớn tới Trung Quốc. Ban đầu, họ có thể chấp nhận mức thuế 10%. Tuy nhiên, việc tăng thuế sẽ gây khó khăn cho họ", một nhà xuất khẩu thủy sản hàng đầu ở Kochi, Ấn Độ nhận định.
Nhà xuất khẩu Ấn Độ có một vị trí thống lĩnh trên thị trường tôm ở Mỹ và sẽ khai thác triệt để lợi thế này để chiếm thị phần các sản phẩm thủy sản giá trị gia tăng tại Mỹ - lĩnh vực Trung Quốc rất mạnh về khả năng cạnh tranh chi phí, khối lượng xuất khẩu lớn, nhân công giá rẻ...
Ấn Độ đã xuất khẩu 35.000 tấn sản phẩm giá trị gia tăng trị giá 350 triệu USD sang thị trường Mỹ trong năm 2018, tăng trưởng 40% so với năm 2017, theo dữ liệu từ Cơ quan Phát triển xuất khẩu thủy sản Ấn Độ (MPEDA).
Các mặt hàng này gồm tôm chế biến sẵn và cua tiệt trùng. Nhìn chung, Mỹ đã nhập khẩu hải sản trị giá 2,3 tỷ USD từ Ấn Độ trong năm 2018.
Hiện tại, các công ty Trung Quốc đang tìm nguồn cung ứng tôm nguyên liệu bỏ đầu từ Ấn Độ, Bangladesh và các nước khác và tái xử lý tôm trong các loại gói tiêu dùng đặc biệt trước khi xuất khẩu sang thị trường Mỹ.
Tuy nhiên, thuế quan mới của Mỹ có thể đẩy nhanh quá trình tái xử lý tôm của Ấn Độ, giám đốc điều hành một công ty sản xuất tôm Ấn Độ cho biết. Để tranh thủ cơ hội này, ông đề xuất các nhà chế biến hải sản Ấn Độ nên nâng cấp và mở rộng hơn.