Thuế chống bán giá sơ bộ POR15 xuống 0%, xuất khẩu cá tra sang Mỹ trước cơ hội phục hồi đà giảm mạnh nhất 5 năm
Chưa vội mừng về kết quả rà soát sơ bộ
Trao đổi với người viết, ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam, cho rằng kết quả của soát thuế chống bán phá giá lần thứ 15 (POR15) đối với cá tra xuất khẩu sang Mỹ được xem là tín hiệu tốt tác động lên tâm lí doanh nghiệp.
Tuy nhiên, theo ông Quốc đây mới chỉ là kết quả rà soát sơ bộ và phải đến tháng 2/2020 mới có kết quả chính thức.
Do đó, từ nay đến cuối năm, doanh nghiệp vẫn phải chịu mức thuế chống bán phá giá của đợt rà soát POR 14 trước đó là 1,37 USD/kg – 2,39 USD/kg.
Ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP), trong 9 tháng đầu năm nay, tổng giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ, thị trường tiêu thụ lớn thứ 2 sau Trung Quốc - Hong Kong, đạt 208,3 triệu USD, giảm 43,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
VASEP cho biết cho tới thời điểm này, đây là mức sụt giảm lớn và đáng chú ý tại Mỹ trong 5 năm trở lại đây.
Bên cạnh yếu tố thuế quan, ông Quốc cho rằng việc xuất khẩu sang Mỹ từ nay đến cuối năm có cải thiện hay không còn phụ thuộc nhiều vào tồn kho của doanh nghiệp và tồn kho tại thị trường này.
"Năm 2017 và 2018, giá cá tra cao, do đó doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường trong đó có Mỹ. Sợ nhất tồn kho bên Mỹ còn quá nhiều thì việc xuất khẩu sang thị trường càng khó.
Bên cạnh đó, không phải doanh nghiệp nào nguồn vốn cũng mạnh mà phải dựa vào nguồn vốn vay ngân hàng. Do đó, thời gian qua, các doanh nghiệp đua nhau bán với giá thấp đẩy giải tỏa hàng tồn kho, có vốn để đáo hạn với ngân hàng", ông Quốc cho hay.
Đồ họa: Đức Việt
Trước đó, hồi tháng 8, Vĩnh Hoàn cho biết hoạt động kinh doanh của công ty đã gặp một số khó khăn trong quí III đến từ việc các khách hàng Mỹ kéo dài chính sách giảm hàng tồn kho.
Điều này đã ảnh hưởng đến sản lượng xuất khẩu cá tra sang thị trường này, khiến doanh thu suy giảm.
Quí III/2019, doanh thu thuần của Vĩnh Hoàn giảm hơn 25% so với cùng kì, đạt khoảng 1.882 tỉ đồng. Biên lãi gộp quí này cũng giảm xuống 19,7% từ mức 29,9% của quí III/2018.
Kết quả, Vĩnh Hoàn lãi ròng gần 254 tỉ đồng trong quí III/2019, giảm hơn 58%.
Hàng tồn kho của Vĩnh Hoàn tính đến ngày 30/9 là gần 1.779 tỉ đồng tăng hơn 28% so với thời điểm 31/12/2018.
Tương tự, hàng tồn kho của CTCP Nam Việt tính đến cuối tháng 9 tăng hơn 60% so với cuối năm 2018 lên 1.541 tỉ đồng.
CTCP XNK Thủy sản Cửu Long An Giang (CL Fish) ghi nhận doanh thu giảm 44% trong quí III, cùng với đó biên lợi nhuận gộp chỉ đạt 22% trong khi kì năm trước vào khoảng 31,7%.
Hoạt động kinh doanh của CL Fish chịu tác động bởi việc bị áp thuế chống bán phá giá vào thị trường Mỹ. Hàng tồn kho tăng gần 52% lên 700 tỉ đồng.
Ông Quốc cũng cho rằng muốn phát triển ngành cá tra lâu bền cần giữ vững những thị trường truyền thống như Mỹ, Trung Quốc - Hong Kong, EU...
Từ việc doanh nghiệp đua nhau bán cá tra giá rẻ, ông Quốc nói thêm: "Trong bối cảnh hiện nay, giá rẻ dường như không còn yếu tố quyết định trong cạnh tranh mà "vũ khí" cốt lõi phải là chất lượng.
Cũng giống như câu chuyện gạo. Giá gạo Việt Nam rẻ hơn rất nhiều so với Campuchia nhưng nhiều người sẵn sàng mua gạo Campuchia vì chất lượng của họ tốt hơn".
Trông đợi vào năm 2020
VASPEP dự báo xuất khẩu cá tra sang Mỹ trong quý IV còn tiếp tục giảm. Đây là năm, xuất khẩu cá tra sang Mỹ không như mong đợi của nhiều doanh.
Ông Quốc cho rằng phải sang năm 2020, khi có kết quả cuối cùng của cuộc rà soát chống bán phá giá tại Mỹ, ngành cá tra mới kì vọng kết quả xuất khẩu sang thị trường này cải thiện.
Theo Vĩnh Hoàn, sản lượng xuất khẩu sang Mỹ sẽ phục hồi vào năm 2020 với tốc độ tăng trưởng hai chữ số từ mức thấp năm 2019 và một phần nhờ căng thẳng thương mại Mỹ-Trung.
Không ai có thể chịu nổi mức giá cá tra 19.000 - 20.000 đồng/kg
Ở khía cạnh người dân chăn nuôi cung cấp cá tra nguyên liệu cho các nhà máy chế biến, xuất khẩu, theo Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam, hiện nay người dân đang phải chịu lỗ nặng do giá cá tra quá rẻ.
Chi phí sản xuất là 23.000 đồng/kg trong khi mức hiện nay chỉ khoảng 19.000 - 20.000 đồng/kg.
Năm 2018, do giá cá tra cao, có thời điểm đạt ngưỡng kỉ lục 34.000 đồng/kg. Người dân đổ xô nuôi cá tra dẫn đến dư cung, kéo giá xuống thấp.
Số liệu Bộ NN&PTNT cho biết tính đến tháng 8/2019, diện tích nuôi cá tra của cả nước đạt khoảng 5.300 ha với sản lượng gần 965.000 tấn, tăng gần 5% về diện tích và tăng 4% về sản lượng.
"Với mức giá hiện nay, tôi cho rằng chẳng cần khuyến cáo người dân cũng tự giảm diện tích nuôi. Không ai có thể chịu nổi mức giá 19.000 - 20.000 đồng/kg", ông Quốc nhận định.
Trước đó, trao đổi với người viết bên lề sự kiện Vietfish diễn ra vào cuối tháng 8, ông Doãn Chí Thiên, thành viên HĐQT Công ty CP Nam Việt cho rằng thời gian tới người dân chắc chắn sẽ giảm nuôi vì các nhà máy hiện tại đã mở rộng vùng nguyên liệu rất nhiều nhằm tự cung cấp cá cho mình, đồng thời dễ dàng kiểm soát chất lượng, giảm bớt sự phụ thuộc vào thị trường.
"Nam Việt đã tự chủ 100% nguồn cá nguyên liệu, tuy nhiên, thời gian qua, khi giá cá tra giảm quá mạnh, Nam Việt đã hỗ trợ thu mua một phần cho bà con", ông Thiên cho biết.