|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Thực hư việc Trung Quốc 'nhào nặn' dữ liệu kinh tế?

21:42 | 10/09/2019
Chia sẻ
Nghi ngờ Trung Quốc “nhào nặn” các dữ liệu kinh tế, nhiều công ty nghiên cứu tư nhân trên thế giới sử dụng nhiều thước đo khác nhau để đánh giá lại tăng trưởng của nước này. Và các kết quả thường cho thấy tăng trưởng GDP của nền kinh tế yếu hơn so với các con số chính thức do chính phủ nước này công bố.
Thực hư việc Trung Quốc 'nhào nặn' dữ liệu kinh tế? - Ảnh 1.

Trong 7 năm qua, chỉ số đo lường tăng trưởng GDP của Trung Quốc do Capital Economics thiết lập có tên gọi China Activity Proxy (đường màu xanh đậm) luôn thấp hơn rõ rệt so với các con số tăng trưởng GDP do chính phủ Trung Quốc công bố (cột màu xanh nhạt). Ảnh: WSJ

Trong quí 2-2019, dữ liệu chính thức của Trung Quốc ghi nhận tăng trưởng GDP đạt 6,2%, sát với mức mục tiêu đặt ra và nằm trong biên độ 1% so với mức tăng trưởng hàng quí trong 4 năm rưỡi qua.

Mức tăng trưởng này, dù yếu nhất trong vòng gần 30 năm qua nhưng vẫn là mức tăng trưởng cao so với mặt bằng chung của các nước trên thế giới.

Song ngày càng có nhiều nhà kinh tế, các công ty và nhà đầu tư trên thế giới cho rằng bức tranh thực sự của nền kinh tế Trung Quốc ảm đạm hơn dữ liệu chính thức. Điều này khiến nhiều nhà phân tích và nghiên cứu tìm cách mổ xẻ một loạt các dữ liệu thay thế, từ mức tiêu thụ năng lượng cho đến các bức ảnh chụp từ vệ tinh.

Có một số nghi ngờ cho rằng Trung Quốc có thể “nhào nặn” dữ liệu kinh tế chính thức để tô vẽ một bức tranh tương đối ổn định về sức khỏe kinh tế tổng thể, vì lo ngại các nhà đàm phán Mỹ có thể tận dụng bất cứ biểu hiện suy yếu nào để gây sức ép buộc Bắc Kinh phải nhượng bộ lớn hơn. 

Khi tác động của thương chiến đang thấm sâu vào nền kinh tế, giới lãnh đạo ở Bắc Kinh càng siết chặt sự tiếp cận các dữ liệu đáng tin cậy trước đây. Trong một số trường hợp, Trung Quốc ngưng công bố các chỉ số.

Đơn cử như hồi tháng 12 năm ngoái, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất của tỉnh Quảng Đông bị ngừng công bố. Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc lên tiếng cho biết, chính quyền tỉnh đã vi phạm luật về thống kê vì chưa xin phép khi công bố chỉ số này, một chỉ số quan trọng vì nơi đây là trung tâm xuất khẩu của Trung Quốc.

Tỷ lệ thất nghiệp, một chỉ số chính thức của nước này dao động ở mức 3,5-4,5% trong 15 năm qua, khiến nhiều nhà kinh tế cho rằng không đáng tin cậy. Cách đây 2 năm, Trung Quốc bắt đầu công bố tỷ lệ thất nghiệp ở các khu vực đô thị dựa vào các cuộc khảo sát mà nhà chức trách cho rằng có độ chính xác cao hơn. 

Tỷ lệ thất nghiệp này gần đây tăng lên mức 5,3% nhưng vẫn dao động trong biên độ hẹp.

Thực hư việc Trung Quốc 'nhào nặn' dữ liệu kinh tế? - Ảnh 2.

Công ty SpaceKnow giám sát các địa điểm sản xuất công nghiệp ở Trung Quốc thông qua các bức ảnh chụp từ vệ tinh. Ảnh: SpaceKnow

Trước tình hình này, hàng chục công ty nghiên cứu dữ liệu độc quyền cạnh tranh cung cấp các dữ liệu thay thế của nền kinh tế Trung Quốc cho các công ty đa quốc gia, các ngân hàng trung ương và các chính phủ trên khắp thế giới.

Công ty nghiên cứu Capital Economics, có trụ sở ở London (Anh), đã thiết lập chỉ số riêng để đo lường tăng trưởng của Trung Quốc dựa trên các chỉ số như diện tích sàn của các dự án bất động sản đang được xây dựng, sản lượng điện, công suất xử lý container ở các cảng biển...

“Vấn đề không phải là thiếu dữ liệu về nền kinh tế Trung Quốc mà là dữ liệu nào có độ chính xác hơn”, Julian Evans-Pritchard, nhà kinh tế của công ty Capital Economics, nói.

Chỉ số đo lường tăng trưởng GDP do Capital Economics thiết lập có tên gọi China Activity Proxy (CAP). Trong 7 năm qua, chỉ số CAP luôn thể hiện mức tăng trưởng thấp hơn rõ rệt so với các con số tăng trưởng GDP do chính phủ Trung Quốc công bố.

Công ty Eaton Corp. (Irenland), nhà sản xuất linh kiện điện, các hệ thống điện cho các tòa nhà và các cơ sở sản xuất công nghiệp, máy bay và các máy móc khác, đạt doanh thu 2 tỉ đô la mỗi năm ở Trung Quốc. 

Năm ngoái, chỉ số sản lượng công nghiệp Trung Quốc do Eaton Corp. thiết kế và giám sát chỉ tăng trưởng 2,7% trong khi đó, số liệu chính thức cho thấy mức tăng trưởng hơn 5%.

Jim Meil, cựu nhà kinh tế trưởng của Eaton Corp., cho biết chỉ số được xây dựng từ các dữ liệu gồm doanh số ô tô, sản lượng thép và hoạt động xây dựng.

Cuối năm 2018, nhiều tháng trước khi chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất Trung Quốc ghi nhận suy thoái, các vệ tinh của Công ty nghiên cứu thị trường SpaceKnow, có trụ sở ở TP. San Francisco (Mỹ) đã phát hiện ra sự suy giảm đáng kể trong hoạt động sản xuất công nghiệp tại nước này.

SpaceKnow giám sát 6.000 địa điểm sản xuất công nghiệp và phân tích dữ liệu dựa vào độ sáng của đèn điện vào ban đêm và ảnh hồng ngoại từ các địa điểm sản xuất hai tuần một lần để nắm bắt các chỉ số nhiệt sản sinh bởi lượng tiêu thụ điện của các nhà máy. 

Dựa vào các dữ liệu này, SpaceKnow xây dựng chỉ số ngành xuất Trung Quốc dựa vào giám sát vệ tinh (CSMI) đang được nhiều quỹ phòng hộ, ngân hàng trung ương và các nhà hoạch định chính sách trên thế giới sử dụng.

Jeremy Fand, Giám đốc điều hành SpaceKnow, cho biết các vệ tinh có thể phát hiện các nhà máy đột nhiên trầm lắng và các dự án xây dựng xây dựng khổng lồ dừng lại.


Lê Linh

Mục tiêu tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu 12% có khả thi?
Theo TS, Võ Trí Thành, mục tiêu tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu 12% trong năm 2025 là không dễ dàng khi những đối tác quan trọng của Việt Nam như Mỹ, Trung Quốc và Liên minh châu Âu dự báo là tăng trưởng thấp hơn năm 2024. Đặc biệt, những chính sách bảo hộ thương mại của Mỹ có thể cản trở mạnh mẽ đến gia tăng thương mại toàn cầu thế giới, trong đó có Việt Nam.