Thực hư việc Hoà Phát đầu tư nhà máy sản xuất nhôm tại Đắk Nông và cảng nước sâu tại Quảng Trị
Tại đại hội đồng cổ đông Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoà Phát, Chủ tịch Trần Đình Long đính chính về thông tin Hoà Phát chuẩn bị đầu tư mảng nhôm, đặt nhà máy tại Đắk Nông.
Theo đó, ông Long cho biết Hoà Phát mới chỉ đến Đắk Nông khảo sát thực địa để đặt nhà máy: “Đây là câu chuyện dài. Sẽ không có chuyện nhà máy khởi công trước năm 2024 - 2025. Hiện tại chúng tôi chưa có kế hoạch vốn hay một kế hoạch chi tiết nào cả”.
Trước đó, trên cổng thông tin truyền hình tỉnh Đắk Nông đăng tải thông tin “Tập đoàn Hòa Phát cam kết đầu tư tổ hợp Nhà máy tuyển Bô xít - Điện phân nhôm và Nhà máy điện gió tại Đắk Nông”.
Cụ thể, Tập đoàn Hòa Phát đề xuất đầu tư các dự án gồm: Dự án Alumin, công suất 2 triệu tấn Alumin /năm; Nhà máy tuyển quặng công suất 5 triệu tấn/năm. Địa điểm xây dựng nhà máy tuyển thuộc địa phận xã Đắk D’rung, Nhà máy Alumin và Nhôm tiếp giáp 2 xã Nâm N’Jang và Trường Xuân (huyện Đắk Song).
Dự án Điện phân nhôm, công suất 0,5 triệu tấn/ năm và Dự án Nhà máy điện gió Hòa Phát công suất 1.500MW xây dựng tại huyện Đắk Song và Tuy Đức. Tổng kinh phí đầu tư của tổ hợp các dự án trên là khoảng 4.336 triệu USD.
“Nếu được tỉnh Đắk Nông chấp thuận đầu tư Tập đoàn Hòa Phát cam kết sẽ tập trung nguồn lực mạnh nhất để khởi công xây dựng, sớm đưa các tổ hợp của dự án vào vận hành trong thời gian nhanh nhất”, theo trang Truyền hình Đắk Nông.
Mặc dù phủ nhận việc sớm triển khai dự án nhôm tại Đắk Nông nhưng ông Long cho biết tập đoàn vẫn đang rất quan tâm đến dự án này.
“Chiến lược dài hạn của Hoà Phát làm nhôm là đúng bởi mảng này sát sườn với những gì tập đoàn đang làm”, ông Long nói.
Ngoài ra, ông chia sẻ thêm với dự án điện gió, mục đích chính là cung cấp năng lượng để phục vụ cho nhà máy nhôm.
“Nếu chỉ dùng điện của EVN thì chi phí rất đắt, mà nguồn cung cũng không đủ. Do đó, phần điện gió này giúp bổ trợ nguồn năng lượng sản xuất. Tổ hợp nhôm của Hoà Phát phải có điện gió. Đây sẽ là tổ hợp sản xuất nhôm khép kín từ khai thác quặng, điện gió, điện phân bô xít, làm ra nhôm”, ông Long chia sẻ.
Liên quan đến những lo ngại về môi trường do khai thác quặng bô xít và sản xuất nhôm, ông Long chia sẻ hiện công nghệ khai thác và sản xuất hiện đại hơn trước rất nhiều. Do đó, việc làm tổn hại đến môi trường sẽ được giảm thiểu nhiều.
Tương tự với dự án cảng nước sâu tại Quảng Trị, ông Long cho biết mới chỉ dừng ở bước khảo sát thực địa và chưa có chủ trương khởi công trong tương lai gần.
Trước đó, ngày 25/3, Cổng thông tin điện tử tỉnh Quảng Trị đưa tin "Hòa Phát muốn đầu tư cảng biển, xây nhà máy thép ở Quảng Trị".
Theo đó, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng nhấn mạnh việc công ty đầu tư dự án nhà máy thép và sản phẩm sau thép hứa hẹn sẽ đem lại nhiều lợi ích thiết thực, hiệu quả cho tỉnh.
Để sớm hiện thực hóa dự án, UBND tỉnh sẽ giao các ngành chức năng hỗ trợ nhà đầu tư tìm hiểu, khảo sát khu vực thực hiện dự án; kiểm tra, chấm dứt các dự án chậm tiến độ và đã hết hiệu lực tại khu vực mà công ty đề xuất nghiên cứu, đầu tư dự án nhà máy thép và sản phẩm sau thép…
Trong thời gian sớm nhất, công ty nhanh chóng nộp hồ sơ vào Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh. Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh và các sở: Kế hoạch và Đầu tư, Công thương, Giao thông vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng… có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ trong việc tham mưu UBND tỉnh trước khi cấp chủ trương đầu tư; làm thủ tục đền bù, giải phóng mặt bằng…