Thủ tướng yêu cầu NHNN rà soát phân loại doanh nghiệp, tổ chức tín dụng, thực hiện ngay việc nới room tín dụng
Phát biểu tại buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Bạc Liêu chiều 4/12, Thủ tướng cho biết, vừa qua Chính phủ đã thành lập 3 tổ công tác gồm: Tổ công tác liên quan đến thanh khoản tín dụng do Phó Thủ tướng Lê Minh Khái làm tổ trưởng.
Tổ công tác liên quan đến xử lý khó khăn với thị trường Bất động sản do Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị làm tổ trưởng.
Tổ công tác để xử lý các vấn đề liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp do Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc làm tổ trưởng.
Các địa phương phải phối hợp với các tổ công tác này, có gì cần trao đổi, cần báo cáo để tìm hiểu đúng nguyên nhân bản chất của nó, góp phần xử lý những vấn đề còn đang khó khăn, vướng mắc, tiềm ẩn rủi ro.
Đồng thời, Thủ tướng cũng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng tiến hành rà soát, phân loại các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng hoạt động hiệu quả, an toàn; nghiên cứu và thực hiện ngay việc nâng hạn mức tín dụng phù hợp, hiệu quả, vừa kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, tạo công ăn việc làm, tập trung vào ba động lực tăng trưởng là tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu, hỗ trợ doanh nghiệp trong lúc khó khăn.
Thủ tướng yêu cầu và lấy ví dụ là các doanh nghiệp trong ngành hàng tôm hiện đang hoạt động tốt, có thị trường xuất khẩu.
Theo báo cáo từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến ngày 25/11/2022, huy động vốn tăng 5,01% (VND tăng 3,81%, ngoại tệ tăng 18,34%); tín dụng đối với nền kinh tế tăng 12,14% (VND tăng 13,16%, ngoại tệ giảm 4,92%) so với cuối năm 2021.
Báo cáo từ Công ty Chứng khoán VNDirect thì cho hay, tín dụng hệ thống đã tăng 16,5% so với cùng kỳ năm 2021 và 11,5% so với đầu năm tính đến hết tháng 10/2022, cao hơn mức tăng trưởng trong cùng kỳ năm ngoái (+8,8% so với đầu năm).
Tuy nhiên, tín dụng chỉ tăng thêm khoảng 2% từ cuối tháng 6 đến cuối tháng 10, trong khi tốc độ tăng tại ngày cuối tháng 6 so với đầu năm là 9,4%. Tăng trưởng tín dụng đã chậm lại một cách rõ rệt khi kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô vẫn đang là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ trong thời gian còn lại của năm 2022.