|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu lại đề xuất áp giá sàn vé máy bay

09:30 | 27/10/2021
Chia sẻ
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu lại đề xuất áp giá sàn vé máy bay sau khi có chuyên gia cho rằng đề xuất này trái quy định của pháp luật, đi ngược xu hướng hàng không thế giới, ...

Tháng 9 vừa qua, Cục Hàng không đã đề xuất áp dụng giá sàn vé máy bay nội địa tương đương 20% mức giá trần hiện nay của mỗi chặng bay. Mức giá sàn thấp nhất là 320.000 đồng/vé ở chặng dưới 500 km phục vụ phát triển kinh tế xã hội.

Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines - Mã: HVN) kiến nghị áp giá sàn bằng 44% giá trần nhưng Cục Hàng không cho rằng con số này quá cao, cần phải điều chỉnh xuống.

Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu lại đề xuất áp giá sàn vé máy bay - Ảnh 1.

Tuy nhiên ngay cả đề xuất 20% của Cục Hàng không cũng vấp phải nhiều ý kiến phản đối từ một số hãng hàng không như Vietjet Air, Vietravel Airlines.

Đầu tháng 10 vừa qua, chuyên gia kinh tế, PGS. TS. Ngô Trí Long đã gửi thư tới Thủ tướng Phạm Minh Chính, cho rằng việc áp giá sàn vé máy bay nội địa là trái quy định pháp luật, vi phạm nguyên tắc quản lý giá đối với thị trường hàng không nội địa, không phù hợp với thể chế về quản lý giá trong nền kinh tế thị trường.

Ngoài ra, việc áp giá sàn còn đi ngược với xu hướng của hàng không thế giới, có thể gây hệ lụy rất lớn trong việc phục hồi kinh tế, phục hồi ngành du lịch, gây khó khăn cho công nhân trở lại nhà máy và tước bỏ quyền đi lại bằng đường hàng không với giá rẻ của hàng chục triệu người, ông Long nhận định.

Trên cơ sở đó, PGS.TS. Ngô Trí Long kiến nghị Thủ tướng sớm cho ngừng chủ trương áp giá sàn.

Theo Báo Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã giao Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu nội dung đề nghị nêu trên của chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long để xem xét, xử lý theo quy định, có văn bản trả lời cho ông Long biết.

Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu lại đề xuất áp giá sàn vé máy bay - Ảnh 2.

Chuyên gia kinh tế kiến nghị không áp giá sàn vé máy bay nội địa. (Ảnh minh họa: Song Ngọc).

Trao đổi riêng với chúng tôi, PGS. TS. Ngô Trí Long, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) đánh giá: "Thị trường hàng không Việt Nam hiện nay có hai doanh nghiệp giữ vị trí thống lĩnh là Vietnam Airlines và Vietjet Air. Về nguyên tắc đối với thị trường loại này, Nhà nước chỉ định giá trần để không cho các hãng cùng nhau đẩy giá lên cao".

Ông Long nói thêm: "Luật hiện nay chỉ quy định giá trần vé máy bay, không áp dụng giá sàn để các doanh nghiệp còn cạnh tranh với nhau. Doanh nghiệp làm càng tốt và giá càng thấp thì khách hàng càng được lợi".

Theo tổng hợp của Cục Hàng không, hiện nay trên thế giới chỉ có Indonesia là quốc gia có quy định giá tối thiểu đối với chặng bay nội địa, nhưng tỷ lệ cũng chỉ bằng 35% giá tối đa, áp dụng từ 4/2019.

Năm 2004, Trung Quốc từng áp dụng chính sách giá vé trong nước tối thiểu bằng 44% giá tối đa nhưng đã gỡ bỏ quy định năm vào năm 2013. 

Vietnam Airlines muốn nước ta cũng áp dụng con số 44% như Trung Quốc từng làm vào năm 2004. Nếu đề xuất này được chấp thuận, Việt Nam sẽ là nước có tỷ lệ giá sàn/giá trần cao nhất thế giới hiện nay.

PGS. TS. Nguyễn Thiện Tống, một chuyên gia về hàng không, nhận xét: "Indonesia là nước duy nhất trên thế giới có giá sàn [...]. Trung Quốc nhận thấy việc áp dụng giá sàn là sai lầm và đã chấm dứt từ nhiều năm trước. Vậy tại sao Vietnam Airlines lại đề xuất áp tỷ lệ giá sàn 44% mà Trung Quốc đã bỏ đi?"

Song Ngọc

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.