Bộ trưởng Bộ Tài chính muốn áp giá sàn vé máy bay để 'hàng không chuyên nghiệp không bị hàng không giá rẻ đánh bại'
Nằm trong phần thảo luận, góp ý dự án Luật Giá (sửa đổi), vấn đề giá trần vé máy bay lại được đưa ra thảo luận tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách ngày 6/4.
Theo Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Phạm Văn Hoà, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp cho hay, giá là vấn đề tác động trực tiếp, ảnh hưởng đến người dân, doanh nghiệp, do đó cần quy định cụ thể ngay trong luật để đảm bảo công khai, minh bạch, hạn chế sự can thiệp của nhà nước.
Áp giá sàn vé máy bay để tránh lợi nhuận độc quyền
Đại biểu Phạm Văn Hòa tán thành việc dự thảo Luật có quy định về mặt hàng bình ổn giá, trong trường hợp đặc biệt thì không giao cho Chính phủ, mà giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định các mặt hàng theo đề xuất của Chính phủ để đảm bảo khách quan. Với vấn đề giá trần vé máy bay, đại biểu ủng hộ quy định trần giá vé máy bay, và đề nghị dự thảo luật bổ sung thêm giá tối thiểu (giá sàn) với loại dịch vụ này.
Ông Hoà phân tích, giá vé 0 đồng có lợi cho người tiêu dùng, nhưng lại không tạo sự cạnh tranh lành mạnh giữa các hãng hàng không. Mặt khác, lý do các hãng hàng không đưa ra để giải thích việc không muốn bỏ giá trần do thời gian vừa rồi bị lỗ, nhưng theo ông Hoà, lỗ vừa rồi của các hãng phần lớn do tác động của dịch bệnh, không phải do quy định giá trần.
"Nếu lỗ thì làm gì có thêm hãng hàng không mới vận hành, làm gì có các nhà đầu tư chuẩn bị rót vốn, xin mở mới hãng hàng không tại Việt Nam", ông đặt vấn đề.
Quan điểm này cũng nhận được sự tán đồng của Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc. Bộ trưởng cho biết, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu, nghiên cứu và báo cáo Thường vụ Quốc hội, Quốc hội xem xét, quyết định.
Lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết, nếu giá vé 0 đồng hay 200.000 hoặc 500.000 đồng, các hãng hàng không sẽ không đủ chi phí nhiên liệu, chưa nói tới tiền trả lương cho người lao động, khấu hao. Như vậy, những hãng hàng không chuyên nghiệp sẽ bị hàng không giá rẻ đánh bại, dẫn đến vấn đề lợi nhuận độc quyền.
Trái ngược với quan điểm của đại biểu Hoà và Bộ trưởng Bộ tài chính, một số ĐBQH lại đề nghị bỏ trần giá vé máy bay và dịch vụ cảng biển. Bởi, điều chỉnh giá trần của cơ quan Nhà nước thường chậm, không theo kịp biến động thị trường, nên gây khó khăn, làm mất đi nguồn lực, nguồn thu ngân sách.
Mặt khác, việc áp giá trần không phù hợp thông lệ quốc tế, không công bằng với các loại dịch vụ khác như vận chuyển hành khách bằng tàu hoả, vận tải hành khách tuyến cố định, hay taxi đều do doanh nghiệp tự định giá và kê khai giá với cơ quan quản lý.
Do còn nhiều quan điểm khác nhau về trần giá vé máy bay, thường trực Uỷ ban Tài chính ngân sách đề nghị Chính phủ đánh giá tác động nếu bỏ trần giá vé máy bay, báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định.
Nóng chuyện "giá trần, giá sàn" từ nhiều năm nay
Câu chuyện "giá trần, giá sàn" không phải mới được đưa ra gần đây mà đã gây tranh cãi trong một thời gian dài. Theo danh mục hàng hoá, dịch vụ do Nhà nước định giá, dịch vụ hàng không vận chuyển hành khách nội địa (vé máy bay nội địa) sẽ do Bộ Giao thông Vận tải quyết định giá tối đa (giá trần) và các hãng hàng không quyết định giá cụ thể.
Hiện khung giá vé máy bay được quy định bởi Luật Hàng không dân dụng, có giá trần và giá sàn. Quy định này được ban hành từ năm 2015, đến nay các yếu tố đầu vào cấu thành giá vé đã thay đổi rất nhiều nhưng khung giá vẫn không thay đổi.
Từ năm 2017, Jetstar (hiện đã đổi tên thành Pacific Airlines) đã từng có văn bản kiến nghị Cục Hàng không Việt Nam áp giá sàn vé máy bay và nâng giá trần. Tuy nhiên, đề xuất này khi ấy bị Cục Hàng không Việt Nam do Cục trưởng Lại Xuân Thanh bác bỏ.
Đến năm 2021, Cục Hàng không Việt Nam tiếp tục trình Bộ Giao thông vận tải báo cáo về dự thảo Thông tư áp dụng giá sàn vé máy bay do Cục trưởng Đinh Việt Thắng ký. Đề xuất này đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ giới chuyên gia và doanh nghiệp.
Trong đó, Vietnam Airlines đề xuất mức giá tối thiểu (giá sàn) vé máy bay nội địa trong thời gian 36 tháng, mức giá sàn bằng 44% mức giá trần như Trung Quốc áp dụng giai đoạn từ 2004-2013.
Bamboo Airways nhất trí với chủ trương áp dụng mức giá sàn cho các đường bay nội địa. Đồng thời, hãng này đề xuất tăng mức sàn cho nhóm đường bay I và II, giảm nhẹ mức giá tối thiểu ở nhóm III, IV, V để tạo điều kiện thuận lợi cho công tác marketing của hãng.
Pacific Airlines đánh giá mức giá sàn dự kiến là chưa hợp lý và kiến nghị giá sàn cần tương đương với chi phí bình quân/hành khách; thời gian áp dụng giá sàn tối thiểu trong 3 năm theo dự báo hồi phục của thị trường quốc tế (khó hồi phục trước năm 2024). Trường hợp thị trường nội địa hồi phục sớm hơn, có thể điều chỉnh lại thời gian áp dụng.
Vietravel Airlines cho rằng chính sách quy định mức giá sàn gây nhiều bất lợi cho hãng hàng không giá rẻ, đặc biệt với hãng hàng không mới như Vietravel Airlines. Hãng đề xuất cân nhắc áp dụng mức giá sàn riêng biệt cho từng loại hình kinh doanh (hàng không truyền thống và giá rẻ).
Còn Hãng hàng không giá rẻ Vietjet kiến nghị không quy định giá sàn vé máy bay trên các đường bay nội địa.Lý do là giá sàn sẽ tạo ra nhiều bất cập và tác động tiêu cực như: không phù hợp với quy định pháp luật, các cam kết thương mại quốc tế mà Việt Nam là thành viên; không đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng và quyền tiếp cận, thụ hưởng những nhu cầu cơ bản, thiết yếu của người nghèo, người thu nhập thấp, người yếu thế trong xã hội.
Với quy định giá trần, Vietnam Airlines kiến nghị cần tăng lên còn Vietravel Airlines thì đề xuất bỏ luôn với đường bay có từ ba hãng hàng không khai thác vì đã đảm bảo tính cạnh tranh.
Chuyên gia hàng không Lương Hoài Nam cho rằng, việc duy trì giá trần vé máy bay ở Việt Nam “vô lý khủng khiếp, cần bỏ càng sớm càng tốt".
Theo ông Nam, trên thế giới hiện nay không có nước nào quản lý giá vé máy bay bằng giá trần. Ngay như Thái Lan, Indonesia cũng không quản lý giá trần vé máy bay mà cạnh tranh tự do hoàn toàn và do thị trường quyết định. Việc quy định giá trần sẽ làm mất đi cơ hội tăng doanh thu, lợi nhuận của các hãng hàng không trong các giai đoạn cao điểm hè và Tết.
Cũng theo ông Nam, vai trò nhà nước là tạo cạnh tranh, không phải là quản lý giá. Việc bỏ giá trần không có nghĩa các hãng ngồi với nhau để thoả thuận giá, vì như vậy là vi phạm nghiêm trọng luật cạnh tranh, ảnh hưởng đến người tiêu dùng. Việc bỏ giá trần đi thì các hãng hàng không có cơ hội cải thiện doanh thu, lợi nhuận một cách hợp lý trong giai đoạn đó.
Đề xuất áp giá sàn không được Bộ Giao thông vận tải thông qua vì chưa đủ cơ sở còn việc giá trần được tăng nhưng không bỏ hẳn. Mới đây, Bộ Tài chính cho biết, giá dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa dự kiến tăng vào quý II hoặc quý III/2023.
Đường bay | Giá trần cũ | Giá trần mới | Tăng thêm (%) |
500 Km - 850 Km | 2.200.000 VND | 2.2500.000 VND | 2,27 |
850 Km - 1.000 Km | 2.790.000 VND | 2.890.000 VND | 3,85 |
1.000 Km - 1.280 Km | 3.200.000 VND | 3.400.000 VND | 6,25 |
Trên 1.280 Km | 3.750.000 VND | 4.000.000 VND | 6,67 |
Với nhóm đường bay từ 500km đến dưới 850km, giá trần hiện tại 2,2 triệu đồng, dự kiến sẽ tăng lên 2,25 triệu đồng, tăng 2,27%.
Từ 850km đến dưới 1.000km, giá trần hiện tại 2,79 triệu đồng, dự kiến lên 2,89 triệu đồng, tăng 3,85%. Từ 1.000km đến dưới 1.280km, giá trần hiện tại 3,2 triệu đồng, dự kiến lên 3,4 triệu đồng, tăng 6,25%.Từ 1.280km trở lên giá trần hiện tại 3,75 triệu đồng, dự kiến lên 4 triệu đồng, tăng 6,67%.