Thủ tướng yêu cầu các địa phương lập báo cáo khó khăn, vướng mắc gửi Bộ KH&ĐT trước ngày 13/4
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 238/CĐ-TTg ngày 10/4/2023 về thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đầu tư xây dựng và xuất nhập khẩu trong thời gian tới.
Công điện nêu rõ, với xu hướng biến động ngày càng phức tạp, khó lường về địa chính trị và địa kinh tế trên thế giới, kinh tế nước ta với độ mở lớn, dự báo đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong thời gian tới, nhất là các hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư xây dựng và hoạt động xuất nhập khẩu.
Trước tình hình đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương phải tích cực chủ động hướng dẫn xử lý, tháo gỡ khó khăn vướng mắc theo thẩm quyền về pháp lý, về thủ tục hành chính, về tiếp cận vốn, về điều kiện kinh doanh, về thanh khoản ngân hàng, về nợ và thuế, phí, lệ phí... để hỗ trợ doanh nghiệp, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư xây dựng nhất là các dự án lớn, trọng điểm.
Đồng thời, tăng cường việc kiểm tra, chấn chỉnh ngay các tồn tại, bất cập, tiêu cực để sớm thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đầu tư xây dựng và xuất nhập khẩu, duy trì, đẩy mạnh các động lực tăng trưởng của nền kinh tế như đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng.
Trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ sẽ phân công các đồng chí Thành viên Chính phủ cùng lãnh đạo các bộ, ngành liên quan trực tiếp làm việc với từng địa phương để kịp thời nắm bắt tình hình khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh, đầu tư xây dựng và xuất nhập khẩu tại địa phương, làm rõ nguyên nhân, đề xuất giải pháp cụ thể, khả thi, hiệu quả nhằm sớm phục hồi tăng trưởng và thực hiện thắng lợi nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế xã hội năm 2023 và cả giai đoạn nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo rà soát, báo cáo tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư xây dựng và hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn, đặc biệt là hoạt động sản xuất kinh doanh của các lĩnh vực có đóng góp lớn cho tăng trưởng, các dự án đầu tư xây dựng trọng điểm, các đề xuất và kiến nghị cụ thể,... gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 13/4.
Đề cương báo cáo này bao gồm nội dung về tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư xây dựng, xuất nhập khẩu, các khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân.
Trong đó, các khó khăn được gợi ý gồm: Khó khăn trong thực hiện các dự án đầu tư, xây dựng liên quan đến đất đai, xây dựng, giải phóng mặt bằng, tạm ứng, nghiệm thu, thanh toán, phòng cháy chữa cháy, quy hoạch; Khó khăn về chính sách tín dụng thủ tục, điều kiện vay vốn, hạn mức tín dụng, lãi suất, tỷ giá, cơ cấu lại thời hạn trả nợ.
Ngoài ra, Thủ tướng cũng yêu cầu các địa phương nêu rõ khó khăn về chính sách thuế, phí, lệ phí, về thị trường, lao động,... và đề xuất, kiến nghị.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư trực tiếp theo dõi, đôn đốc các địa phương chuẩn bị báo cáo; chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan đề xuất phân công và xây dựng kế hoạch làm việc của các Thành viên Chính phủ, trong đó phân loại các nhóm vấn đề, thẩm quyền giải quyết và gửi Thủ tướng Chính phủ, các đồng chí Thành viên Chính phủ chủ trì làm việc theo phân công của Thủ tướng Chính phủ.
Theo số liệu vừa được Tổng cục Hải quan công bố, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa quý I/2023 đạt 79,30 tỷ USD, giảm 11,8% so với quý I/2022.
Bảy tỉnh, thành dẫn đầu cả nước về xuất khẩu gồm TP HCM, Bắc Ninh, Bình Dương, Thái Nguyên, Hải Phòng, Bắc Giang, Đồng Nai có tổng trị giá xuất khẩu là 48,55 tỷ USD, chiếm hơn 61% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước.
Tuy nhiên, trong top 7 địa phương xuất khẩu, có đến 6 địa phương có trị giá xuất khẩu giảm trong quý đầu năm, chỉ có Bắc Giang ghi nhận mức tăng hơn 21% so với cùng kỳ.