|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Thủ tướng: Phấn đấu tăng thu ngân sách cao 1,65 lần nhiệm kỳ trước

10:06 | 23/10/2016
Chia sẻ
Chính phủ vẫn kiên định với mục tiêu tăng thu ngân sách 1,65 lần trong nhiệm kỳ này (2016 - 2020) trong khi đó những mục tiêu thu ngân sách từ những năm trước chưa hoàn thành.
thu tuong phan dau tang thu ngan sach cao 165 lan nhiem ky truoc
Thu ngân sách Nhà nước. Minh họa: CafeBiz.

Trong phiên thảo luận tại tổ chiều 22/10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp tục nhấn mạnh mục tiêu của Chính phủ sẽ tăng thu ngân sách gấp 1,65 lần giai đoạn 2011 - 2015.

Thủ tướng cho rằng, hiện nay Chính phủ đang đặt vấn đề thúc đẩy phát triển kinh doanh mạnh mẽ hơn vì vậy phải có nguồn cho đầu tư phát triển. "Nếu tăng trưởng giữ như mức hiện nay (6,7% theo mục tiêu), mà không tăng thu thì không ổn", Thủ tướng nhận định.

Ngân sách trung ương khó vì giá dầu và thu xuất nhập khẩu

Trước đó, báo cáo của Ủy ban Tài chính Ngân sách đánh giá, chính mức thu ngân sách giai đoạn 2011 - 2015 đã giảm xuống và không đạt mục tiêu. Tỷ lệ huy động từ thuế, phí vào ngân sách Nhà nước (NSNN) trong giai đoạn 2011-2015 khoảng 20-21%GDP, thấp hơn so với mục tiêu đề ra (không quá 22% - 23%GDP/năm) và giảm mạnh so với giai đoạn trước.

Ủy ban này nhận định, nếu loại trừ số thu tiền sử dụng đất, thu xổ số kiến thiết, thu từ bán tài sản của nhà nước, tăng sản lượng khai thác dầu thô thì số tăng thu từ nội lực nền kinh tế không lớn.

Trong khi đó, 5 năm tới, với việc hội nhập sâu của Việt Nam kéo theo một loạt chính sách giảm thuế khi thực thi các FTA đã kí. Thu ngân sách sẽ bấp bênh khi giá dầu thế giới diễn biến phức tạp và sẽ thấp, theo dự đoán của các chuyên gia.

Ngay trong năm 2016 này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cũng nhận định, giá dầu và xuất nhập khẩu giảm sẽ tác động khiến ngân sách trung ương giảm.

Chính phủ đặt ra mục tiêu tăng tỷ trọng thu nội địa trong tổng thu NSNN, phấn đấu tăng từ 67,8% giai đoạn trước lên mức khoảng 87-88% vào khoảng năm 2020.

Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, tốc độ tăng thu nội địa từ hoạt động sản xuất kinh doanh bình quân khoảng 20%/năm là khá cao (so với giai đoạn trước 15%), đặc biệt trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế gặp khó khăn, những yếu tố thúc đẩy sản xuất kinh doanh còn hạn chế.

Đồng thời, việc xây dựng quy mô thu NSNN tăng như Chính phủ trình là khá cao so với mức tăng quy mô của GDP, tiềm ẩn rủi ro về khả năng thu NSNN, Ủy ban Tài chính Ngân sách nhận định.

Mặt khác, hiệu quả tái cơ cấu nền kinh tế chưa cao sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng thu ngân sách Nhà nước.

Thu ngân sách giảm xuống, chi ngân sách vẫn thực hiện theo phương án đã lập tương ứng với dự toán thu ban đầu, thậm chí chi ngân sách còn vượt xa dự toán. Hệ quả là, bội chi ngân sách 5 năm 2011 - 2015 ở mức 5,76% GDP là không đạt mục tiêu đề ra (4,5% GDP vào năm 2015 bao gồm cả trái phiếu Chính phủ).

Điều hành ngân sách phụ thuộc dự báo

Điều hành thu chi ngân sách có thể bị chệch hướng do nguyên nhân đến từ những dự báo chưa chính xác về tăng trưởng GDP và thu xuất nhập khẩu, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, đại biểu đoàn Ninh Bình nhận định.

Khó có thể giữ được trần bội chi, trần nợ công khi GDP dự tính ban đầu là 5,1 triệu tỉ đồng, nhưng con số ước thực hiện được có thể chỉ ở mức 4,6 triệu tỉ đồng ông Dũng nói.

Tương tự quan điểm của Bộ trưởng Dũng, đại biểu Đỗ Văn Bình đoàn Hải Phòng cho rằng, nếu không đạt được con số GDP 5,1 triệu tỉ đồng như ban đầu rất khó để cân đối ngân sách trong năm nay.

Bộ trưởng Dũng lưu ý thêm về ảnh hưởng của các con số dự báo, 5 năm qua đặt ra mục tiêu tăng trưởng 7 - 7,5%, sau đó Nghị quyết Quốc hội điều chỉnh về 6,5-7% nhưng nhìn lại thì tăng trưởng cả giai đoạn chỉ được 5,9%. Theo ông, các vấn đề về như chi ngân sách vượt dự toán do đặt kế hoạch trên tinh thần tăng GDP 7 - 7,5% chứ không phải 6,5 - 7% như thực tế.

Trong báo cáo của mình Ủy ban Tài chính Ngân sách khuyến nghị, để đảm bảo dự toán thu NSNN khả thi hơn, Chính phủ cần trình Quốc hội điều chỉnh dự toán khi có biến động của kinh tế vĩ mô ảnh hưởng đến việc thực hiện dự toán thu và một số chỉ tiêu kinh tế - tài chính khác.

Thái Hoàng - Thanh Xuân