|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Năm 2022, khó khăn và thách thức sẽ nhiều hơn

21:59 | 05/01/2022
Chia sẻ
Kết luận Hội nghị Chính phủ với các địa phương diễn ra ngày 5/1, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự báo tình hình năm 2022 có những thuận lợi, cơ hội nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn.

Thủ tướng nhấn mạnh: "Chúng ta phải xác định như vậy để có mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phù hợp, xử lý hiệu quả các vấn đề phát sinh. Với tinh thần bám sát Nghị quyết Đại hội Đảng XIII, các Kết luận, Nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ cụ thể hóa để triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể năm 2022 với chủ đề: “Đoàn kết kỷ cương, chủ động thích ứng, an toàn hiệu quả, phục hồi phát triển”.

Về phục hồi và phát triển kinh tế năm 2022, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế một cách thực chất và hiệu quả hơn; tạo nền tảng phát triển kinh tế số, xã hội số.

Cùng với đó, các bộ, ngành, địa phương tập trung phục hồi, phát triển chuỗi sản xuất, cung ứng bị đứt gãy; hỗ trợ doanh nghiệp tăng tốc sản xuất, giữ đơn hàng; bảo đảm không để thiếu hàng hóa, nhất là trong dịp Tết. 

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Năm 2022, khó khăn và thách thức sẽ nhiều hơn - Ảnh 1.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. (Ảnh: TTXVN).

Thủ tướng cũng nhấn mạnh về việc tăng cường kỷ luật tài chính – ngân sách Nhà nước, phấn đấu tăng thu, triệt để tiết kiệm chi; ưu tiên bố trí nguồn ngân sách nhà nước hợp lý cho các nhiệm vụ trọng tâm; bảo đảm đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế và an toàn hệ thống tín dụng, ngân hàng.

Thủ tướng yêu cầu các đơn vị chức năng phải xử lý có hiệu quả các ngân hàng, tổ chức tín dụng yếu kém; thực hiện hiệu quả các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp. Ngoài ra, tập trung triển khai lập và phấn đấu cơ bản hoàn thành phê duyệt trong năm 2022 các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh.

Thủ tướng lưu ý, việc quy hoạch không thể nóng vội, phải bảo đảm công khai, minh bạch, đặt lợi ích quốc gia dân tộc lên trên hết, không vì lợi ích cục bộ, lợi ích địa phương, lợi ích cá nhân, không chịu bất cứ một tác động tiêu cực nào. Cùng đó là phải xử lý nghiêm các tiêu cực, vi phạm.

Về xuất nhập khẩu, Thủ tướng yêu cầu phải đa dạng hoá thị trường xuất khẩu, tìm kiếm thị trường mới; tận dụng cơ hội từ các FTA; đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch và xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu trực tuyến. 

Đồng thời, tăng cường phòng chống gian lận xuất xứ; nâng cao năng lực phòng vệ thương mại; xây dựng và vận hành hiệu quả hệ thống cảnh báo sớm về những mặt hàng có nguy cơ bị nước ngoài điều tra phòng vệ thương mại; kịp thời tháo gỡ khó khăn, bảo đảm thông quan thuận lợi.

Về công nghiệp, xây dựng, các bộ ngành chức năng tiếp tục phục hồi sản xuất, xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp; bảo đảm không để đứt gãy chuỗi cung ứng trong sản xuất, nhất là chuỗi cung ứng toàn cầu. Ngoài ra, tháo gỡ các vướng mắc tồn tại trong thủ tục đầu tư, nhất là với các dự án bất động sản,..

Cùng với việc đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng trọng điểm nhất là hạ tầng về giao thông, năng lượng, y tế, văn hóa, giáo dục... Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần tập trung xử lý các dự án kém hiệu quả, chậm tiến độ. 

Bên cạnh đó, bảo đảm cung cấp điện đầy đủ phục vụ sản xuất, đời sống; bảo đảm an ninh năng lượng, không để thiếu điện cục bộ; đẩy nhanh xây dựng nhà ở cho công nhân bằng việc gỡ các vướng mắc về thể chế, quy hoạch đất đai, bố trí nguồn lực, tổ chức thực hiện hợp lý...

Về nông nghiệp, Thủ tướng cũng yêu cầu phải chuyển đổi nhanh tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp; đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp; chỉ đạo sản xuất và thúc đẩy tiêu thụ nông sản, đặc biệt nông sản xuất khẩu, phấn đấu đạt trên 50 tỷ USD xuất khẩu nông sản.

Cùng với đó, xây dựng chuỗi giá trị ngành hàng từng loại nông sản phù hợp lợi thế từng vùng, địa phương, gắn với chuỗi cung ứng toàn cầu và phát triển hạ tầng logistic nông nghiệp, nông thôn, bảo đảm chuỗi cung ứng thị trường trong nước.

“Việc giải tỏa nông sản ùn tắc tại các cửa khẩu, phải vừa có các biện pháp giải quyết tình thế trước mắt, vừa có biện pháp căn cơ, lâu dài, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã vào cuộc tích cực, chỉ đạo rất quyết liệt, giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương", Thủ tướng nêu rõ.

Về dịch vụ Thủ tướng cho rằng, cần khôi phục tổng cầu trong dịch vụ. Theo đó, phát động các chương trình kích cầu tiêu dùng nội địa, mở rộng thị trường trong nước; nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển dịch vụ logistics; thực hiện kích cầu du lịch phù hợp với tình hình dịch bệnh. 

Đối với thu hút đầu tư, giải ngân đầu tư công, cần quyết liệt hơn nữa, mạnh mẽ hơn nữa, kiểm điểm trách nhiệm, tháo gỡ về thể chế; đẩy mạnh hợp tác công tư.

Về những rủi ro, thách thức đối với hoạt động kinh tế- xã hội trong năm qua và dự báo năm 2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ ra 5 rủi ro chính bên ngoài và 6 khó khăn thách thức từ nội tại. 

Đó là dịch COVID-19 trên thế giới còn diễn biến rất phức tạp, tiếp cận vắc xin không đồng đều, dẫn đến kinh tế thế giới phục hồi không đồng đều, bất bình đẳng gia tăng. Kinh tế thế giới, trong đó có các nước lớn dự báo tăng trưởng chậm lại, sẽ giảm sức cầu thương mại, đầu tư đối với nước ta. 

Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn vẫn còn rất phức tạp, khó lường. Rủi ro địa chính trị và thiên tai, lũ lụt, biến đổi khí hậu ảnh hưởng tới khả năng phục hồi kinh tế. sức ép giá cả, lạm phát ở mức cao, một số nước bắt đầu thu hẹp các gói hỗ trợ, tăng lãi suất - đây là vấn đề chúng ta cần hết sức lưu tâm.

Trong bối cảnh dịch bệnh vẫn chưa hoàn toàn được kiểm soát, nền kinh tế vẫn phải đối mặt với 6 khó khăn, thách thức lớn như: dịch bệnh trên thế giới và trong nước còn diễn biến phức tạp. 

Biến thể mới Omicron, ảnh hưởng không nhỏ đến kế hoạch mở cửa và phục hồi kinh tế - xã hội. Nguy cơ của biến thể mới này cần chờ thêm thời gian mới có kết quả đánh giá cụ thể. Từ đó, chúng ta cần theo dõi và sớm có phương án, kịch bản ứng phó phù hợp.

Cùng với đó, vốn đầu tư toàn xã hội tăng thấp nhất trong nhiều năm. Giải ngân đầu tư công còn chậm, dù có nhiều chỉ đạo, đôn đốc và giải pháp quyết liệt (một phần là do dịch bệnh, phần khác là do nguyên nhân chủ quan...). 

Tiếp theo là thu ngân sách đạt kết quả tốt, nhưng thiếu bền vững, áp lực thâm hụt ngân sách gia tăng. Ngoài ra, hoạt động của doanh nghiệp còn nhiều khó khăn. Rủi ro nợ xấu gia tăng, đòi hỏi quyết sách rất khôn khéo của năm nay; cơ cấu lại nền kinh tế còn chậm....

Thảo Nguyên