Thủ tướng: 'Phải phấn đấu tăng 6,7% GDP, không còn cách nào khác'
|
GDP tăng 6,7% là thách thức với Chính phủ
Quan tâm tới mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,7% năm 2017 song song với việc đảm bảo kinh tế vĩ mô và an toàn nợ công, đại biểu Trần Hoàng Ngân đoàn TP HCM gửi câu hỏi tới Thủ tướng về tính khả thi và cách thức để thực hiện mục tiêu đó.
Trả lời đại biểu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, đặt mục tiêu 6,7% tăng GDP là một thách thức đối với Chính phủ. "Không còn cách nào hơn phải phấn đấu, mặc dù sẽ gặp khó khăn trong các chỉ tiêu vĩ mô khác", người đứng đầu Chính phủ khẳng định.
Thủ tướng dẫn giải không đặt mục tiêu tăng trưởng cao sẽ không giải quyết được việc làm cho nhân dân. 1% GDP sẽ tạo ra việc làm cho 300.000 lao động. Xuất phát điểm của Việt Nam với quy mô kinh tế vào khoảng 200 tỉ USD như hiện nay còn quá thấp, do đó đặt mức tăng trưởng cao là điều cần thiết. Đặc biệt, theo Thủ tưởng, hiện nay, trần nợ công là 65% GDP, quy mô GDP quá nhỏ nợ công sẽ vượt trần, điều này rất nguy hiểm.
Tiếp tục giải đáp câu hỏi để giữa độc lập kinh tế trong bối cảnh hội nhập hiện nay, Thủ tướng khẳng định, đường lối kinh tế của Việt Nam độc lập tự chủ, không phụ thuộc vào một thị trường, một đối tác, cụ thể như tiền tệ, năng lượng, lương thực…
Cần khung thể chế pháp lý để xử lý nợ xấu tốt hơn
Về tình hình "sức khỏe" của hệ thống tài chính, đại biểu Lê Quân đoàn Hà Nội chia sẻ lo lắng tình hình nợ xấu. Thủ tướng thẳng thắn thừa nhận, nợ xấu trong sổ sách kế toán hiện nay chưa đầy đủ, cả trong VAMC và trong các ngân hàng 0 đồng. Do đó, nợ xấu là bài toán đặt ra cho nền kinh tế.
Người đứng đầu Chính phủ đưa ra một số việc phải làm để "cục máu đông" nợ xấu ngày càng nhỏ đi. Đầu tiên, theo Thủ tướng cần tạo một khung thể chế pháp lý cho vấn đề xử lý nợ xấu tốt hơn. Thứ hai, Chính phủ, ngân hàng và các cơ quan kiểm soát chặt chẽ, không để phát sinh nợ xấu mới, đặc biệt ở các ngân hàng 0 đồng đã mua lại.
Thủ tướng cho biết phải có biện pháp đồng bộ hơn để vấn đề nợ xấu được minh bạch giải quyết. Chính phủ sẽ áp dụng một số biện pháp để giảm nợ xấu, kể cả như dùng "tiền tươi thóc thật".
"Chính phủ đang xây dựng một đề án toàn diện để xử lý nợ xấu ở Việt Nam và sẽ báo cáo Quốc hội trong thời gian tới", Thủ tướng nói.
Tổ chức thị trường để không thua trên sân nhà
Thủ tướng cũng cho biết, Việt Nam sẽ xây dựng thể chế kinh tế độc lập tự chủ, ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển các thế mạnh nông nghiệp du lịch, phát triển các tập đoàn kinh tế tư nhân thương hiệu Việt, tổ chức thị trường để không thua trên sân nhà.
Cũng liên quan đến môi trường kinh doanh trong hội nhập, Thủ tướng trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thị Thu Hằng đoàn Đồng Nai về kết nối giữa doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp FDI.
Thủ tướng chỉ rõ chương trình tái đầu tư FDI, trong đó, chọn những doanh nghiệp cần thiết cho nền kinh tế và có nối quan hệ với các doanh nghiệp trong nước, tránh tình trạng mọi ngành nghề đều do doanh nghiệp FDI nắm giữ.
Bởi hiện nay, Việt Nam có 21.000 dự án FDI với số vốn trên 300 tỉ USD. Đặc biệt, năm 2016 thu hút kỉ lục 12 tỉ USD. "Đây là một khối lượng vốn FDI rất lớn. Vì vậy, sự kết hợp giữa doanh nghiệp đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp thống nhất hỗ trợ lẫn nhau là cần thiết", Thủ tướng nhận định.
Để cải thiện hơn nữa môi trường kinh doanh, Chính phủ đã thành lập một website hỗ trợ cho doanh nghiệp dưới sự dẫn dắt của Văn phòng Chính phủ. Thủ tướng thông tin, đến nay đã nhận được 87 đề nghị của doanh nghiệp thông qua websie này. Trong đó, Chính phủ đã trực tiếp xử lý 15 đề nghị, còn lại đã chuyển cho các địa phương. Thủ tướng cho biết sẽ bổ sung một số cán bộ chuyên ngành ở các bộ cùng hỗ trợ với kì vọng giải quyết được mọi thắc mắc của cộng đồng doanh nghiệp.
Về môi trường đầu tư, Thủ tướng khẳng định đã có tiến bộ, tăng bậc trong xếp hạng quốc tế. Chính phủ sẽ tổ chức hội nghị toàn quốc, bàn các giải pháp về tiếp cận tín dụng, đăng ký quyền tài sản, khởi nghiệp, nộp thuế, điện, hải quan…
Không dùng tiền thuế xử lý các dự án thua lỗ
Cũng trong phiên trả lời chất vấn, Thủ tướng một lần nữa khẳng định sẽ không sử dụng tiền thuế của nhân dân để bù các dự án thua lỗ đang "đắp chiếu" khi nhận được câu hỏi từ đại biểu Nguyễn Phi Thường đoàn Hà Nội.
Đại biểu này trực tiếp hỏi về giải pháp nâng cao hiệu quả tài sản công. Với 5 dự án thu lỗ ngàn tỉ mà Chính phủ đã báo, đại biểu đề nghị Thủ tướng cho biết quan điểm xử lý để cử tri đồng bào yên tâm.
Thủ tường cho biết, với từng dự án sẽ xem xét để sử dụng tài sản một cách tốt nhất với nhiều cách làm khác nhau và sẽ báo cáo kết quả với Quốc hội trong phiên họp tới. Các dự án không sử dụng kịp thời, hiệu quả sẽ bán khóa, cho thuê, thậm chí phá sản. "Không để việc thua lỗ là gánh nặng của nền kinh tế", Thủ tướng khẳng định.
Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Tiến Sinh đoàn Hoà Bình cũng bày tỏ bức xúc về trách nhiệm quản lý Nhà nước với các dự án đầu tư từ ngân sách kém hiệu quả, khiến hàng chục tỷ vốn Nhà nước "tan thành mây khói" mà không quy được trách nhiệm cụ thể bộ, ngành nào.
Đáp lại lo lắng của đại biểu Sinh, Thủ tướng chia sẻ một số giải pháp, trong đó có tiến hành cổ phần hoá. Tuy nhiên, Thủ tướng khẳng định: "Không phải cổ phần hoá bằng bất cứ giá nào, có những lĩnh vực quan trọng thì nhà nước phải nắm giữ".
Cùng với đó, Thủ tướng nhấn mạnh cổ phần hóa sẽ đi liền với công khai kiểm toán doanh nghiệp Nhà nước. Hội nghị triển khai công tác cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước được tổ chức ngay sau kỳ họp Quốc hội lần này, sẽ tìm giải pháp hữu hiệu để cổ phần hoá tốt nhất, Thủ tướng cho biết.