Thủ tướng: Lọc hóa dầu Nghi Sơn cắt lỗ càng sớm càng tốt
Thủ tướng Phạm Minh Chính tối 16/12 tiếp ông Susumu Nibuya, Phó chủ tịch thường trực, Giám đốc điều hành Tập đoàn Idemitsu - một trong 4 liên doanh tham gia Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn, tại Tokyo, Nhật Bản.
Nhà máy đang nắm một phần ba nguồn cung xăng dầu trong nước này hiện đối diện nhiều thách thức, khi lỗ lũy kế lớn. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) vẫn đang bù lỗ khi nhà máy vận hành thương mại.
Tại buổi tiếp hôm qua, Thủ tướng đề nghị Idemitsu và các đối tác tiếp tục tái cấu trúc dự án, nâng cao hiệu quả quản trị, quy trình vận hành và ứng dụng công nghệ để giảm chi phí đầu vào, và "cắt lỗ càng sớm càng tốt cho dự án".
Ông Susumu Nibuya cho hay các bên liên quan sẽ nghiêm túc hơn nữa trong triển khai tái cấu trúc dự án này.
Trước đó, trong hội đàm Thủ tướng Phạm Minh Chính và người đồng cấp Kishida Fumio nhất trí thành lập nhóm điều phối chung giữa hai Chính phủ để thúc đẩy tiến độ, hiệu quả một số dự án đang triển khai giữa hai nước, như dự án Lọc hoá dầu Nghi Sơn.
Idemitsu là tập đoàn năng lượng hàng đầu Nhật Bản, doanh thu năm 2022 đạt hơn 51,4 tỷ USD, tổng tài sản đến cuối năm ngoái là hơn 34 tỷ USD. Tại Việt Nam, tập đoàn này là một trong 4 liên doanh tham gia tại Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, chiếm 34% cổ phần.
Khảo sát nhà máy này tháng trước, Thủ tướng đã yêu cầu các đối tác Việt Nam và Nhật Bản cần tiến hành tái cấu trúc tổng thể dự án, về vốn, lãi suất, quản trị, nhân sự. Ông cũng yêu cầu có thêm người Việt tham gia vào Ban tổng giám đốc nhà máy này, do hiện chủ yếu là người nước ngoài.
Hiện tổng vốn giải ngân cho dự án là 8,78 tỷ USD, trong đó vốn góp của các nhà đầu tư là hơn 4,2 tỷ USD, vốn vay từ ngân hàng là hơn 4,5 tỷ USD - tức chiếm tỷ lệ lớn với lãi suất cao.
Cùng ngày, gặp ông Hidenori Harada, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành MOECO - đối tác liên doanh tại dự án khí lô B - Ô Môn, Thủ tướng ghi nhận nỗ lực của tập đoàn này trong tháo gỡ khó khăn, vướng mắc kéo dài của dự án.
Ông Hidenori Harada cho biết các bên liên doanh đã đạt được thỏa thuận xử lý vướng mắc dự án khí lô B - Ô Môn theo nguyên tắc lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ. Giám đốc điều hành MOECO cũng đề xuất một số giải pháp thúc đẩy dự án, trong đó có việc sớm sửa đổi các quy định tại 3 thông tư của Bộ Công Thương.
Đáp lại, Thủ tướng cho biết sẽ chỉ đạo Bộ Công Thương sửa đổi ngay các quy định liên quan còn vướng mắc. Ông đề nghị MOECO nỗ lực cùng các đối tác liên doanh, đảm bảo tiến độ, chất lượng và dự án khí lô B - Ô Môn "phải có dòng khí đầu tiên chậm nhất vào 2026".
Thời gian tới, Thủ tướng đề nghị tập đoàn mở rộng đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, nhất là trong những lĩnh vực có thế mạnh như sản xuất thiết bị, chuyển giao công nghệ với các đối tác Việt Nam.
Dự án phát triển mỏ khí lô B được dự tính có trữ lượng khí thu hồi ước tính 107 tỷ m3 trong 20 năm, tổng chi phí hơn 11 tỷ USD và cấp khí cho các nhà máy điện tại khu vực Kiên Giang và Ô Môn (Cần Thơ). Với mốc kế hoạch có dòng khí đầu tiên vào cuối 2026, khí từ lô B sẽ cung ứng cho tổ hợp các nhà máy điện Ô Môn 1,2,3 và 4 khoảng 5 tỷ m3 mỗi năm.