|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Thủ tướng yêu cầu hoàn thiện hồ sơ dự án vành đai 3 và 4 tại Hà Nội, TP HCM vào cuối tháng 2

15:49 | 18/01/2022
Chia sẻ
Thủ tướng yêu cầu khẩn trương hoàn thiện hồ sơ về dự án đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội và đường vành đai 3 TP HCM để báo cáo Chính phủ vào cuối tháng 2 và các cấp có thẩm quyền vào đầu tháng 3/2022.

Sáng 18/1, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành TP Hà Nội và các tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên về chủ trương đầu tư xây dựng dự án đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, theo Báo Chính phủ.

Trước đó, ngày 15/1, Thủ tướng cũng đã chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành TP HCM và các tỉnh: Long An, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu về chủ trương đầu tư xây dựng đường vành đai 3 và đường vành đai 4 TP HCM.

Tại các cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh đây là các dự án hạ tầng rất quan trọng, có ý nghĩa lớn, tạo bước đột phá về phát triển kinh tế - xã hội, đô thị cho các địa phương trong vùng Thủ đô và vùng Đông Nam Bộ.

Thủ tướng: Hoàn thiện hồ sơ dự án đường vành đai 3 và 4 tại Hà Nội, TP HCM vào cuối tháng 2/2022 - Ảnh 1.

Thủ tướng yêu cầu khẩn trương hoàn thiện hồ sơ về dự án đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội và đường vành đai 3 TP HCM để báo cáo Chính phủ vào cuối tháng 2. (Ảnh: VGP).

Sau khi lẵng nghe ý kiến, Thủ tướng giao các bộ, ngành, địa phương khẩn trương hoàn thiện hồ sơ về dự án đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội và đường vành đai 3 TP HCM, đảm bảo đúng các quy định của pháp luật để báo cáo Chính phủ vào cuối tháng 2 và các cấp có thẩm quyền vào đầu tháng 3/2022.

Thủ tướng yêu cầu, với dự án đường vành đai 4 Thủ đô Hà Nội, thành lập một tổ công tác do Chủ tịch UBND TP Hà Nội làm tổ trưởng.

Với các dự án đường vành đai 3 và 4 TP HCM, Thủ tướng yêu cầu thành lập một tổ công tác do Chủ tịch UBND TP HCM làm tổ trưởng. Lãnh đạo các bộ ngành, địa phương liên quan làm thành viên hai tổ công tác để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án, dưới sự chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành.

Theo quy hoạch, đường vành đai 3 TP HCM là đường vành đai liên vùng, điểm đầu của các tuyến cao tốc hướng tâm: TP HCM-Mộc Bài, TP HCM-Thủ Dầu Một-Chơn Thành... 

Về quy mô đầu tư giai đoạn 1 đầu tư khép kín đường vành đai 3 với quy mô 4 làn cao tốc hạn chế với chiều dài khoảng 76,36 km (chưa đầu tư đoạn Tân Vạn-Bình Chuẩn dài 15,3 km trên địa bàn tỉnh Bình Dương).

Về nguồn vốn, TP HCM đề xuất Trung ương hỗ trợ từ nguồn ngân sách Trung ương (Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội) để đầu tư dự án khoảng 83.290 tỷ đồng, bao gồm: Giải phóng mặt bằng một lần theo quy mô hoàn chỉnh; xây dựng tuyến chính - đường cao tốc 4 làn xe hạn chế (bao gồm các nút giao trên tuyến) và đầu tư đường song hành hai bên).

Trường hợp khó khăn về ngân sách Trung ương, lãnh đạo TP HCM kiến nghị Trung ương hỗ trợ toàn bộ kinh phí giải phóng mặt bằng, khoảng 47.000 tỷ đồng. Đối với phần xây lắp, các địa phương sẽ chủ động nghiên cứu đầu tư phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Thời gian thực hiện là 2021-2026.

Dự án đường vành đai 4 đi qua 12 huyện của 5 tỉnh, thành phố, dài 199 km, quy mô 8 làn xe. Đến nay, Bình Dương đã đầu tư được khoảng 21 km bằng ngân sách địa phương, hiện đang tiếp tục nghiên cứu đầu tư mở rộng theo quy hoạch.

Bình Dương và Đồng Nai cũng đã hợp tác đầu tư cầu Thủ Biên qua sông Đồng Nai kết nối hai tỉnh. Long An đã đầu tư và đang khai thác đoạn Hựu Thạnh-Bến Lức dài 17,25 km bằng hình thức hợp đồng BOT.

Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội có chiều dài 111,2 km. Điểm đầu nằm trên đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai (địa phận xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn, Hà Nội), điểm cuối nằm trên đường cao tốc Nội Bài - Hạ Long (địa phận huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh).

Dự án qua địa phận ba tỉnh, thành phố, cụ thể: đi qua 7 quận, huyện của Hà Nội là Sóc Sơn, Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín và Hà Đông; đi qua 4 huyện của Hưng Yên: Văn Giang, Khoái Châu, Yên Mỹ, Văn Lâm; qua địa phận tỉnh Bắc Ninh (huyện Thuận Thành, Quế Võ, Gia Bình và TP Bắc Ninh).

Phương Trang