Phó Thủ tướng: Đầu tư 1.000 tỷ cho một km Vành đai 3 là quá cao, cần tính toán lại
Sáng 29/12, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành dẫn đầu đoàn công tác của các bộ, ngành làm việc với một số địa phương về công tác chuẩn bị đầu tư dự án đường vành đai 3, vành đai 4 của TP HCM.
Theo Dân trí, sau khi nghe báo cáo của các đơn vị về dự án, Phó Thủ tướng chỉ rõ nhiều vấn đề còn tồn tại đối với hai dự án này, đặc biệt là khâu tính toán chi phí giải phóng mặt bằng, chi phí xây dựng.
Với khoảng 83.000 tỷ tổng mức đầu tư cho khoảng 80 km đường, dự án đường vành đai 3 của TP HCM có mức đầu tư cho một km đường cao hơn nhiều so với các tuyến cao tốc trên cả nước.
"Với khoảng 83.000 tỷ xây dựng hơn 80 km đường cao tốc, như vậy bình quân 1.000 tỷ/km đường. Chi phí giải phóng mặt bằng tính riêng 15 km đường tại Bình Dương là 22.000 tỷ, 6,8 km tại Long An là 5.000 tỷ. Nếu không tính toán cẩn thận sẽ ảnh hưởng đến việc dự trù, và chủ trương", Phó Thủ tướng cho biết.
Tại hội nghị, lãnh đạo Sở GTVT tỉnh Bình Dương cho biết, địa bàn có khoảng 15 km đường thuộc dự án vành đai 3 của TP HCM đi qua, đã giải phóng mặt bằng một phần. Hiện tại, đơn giá chi cho giải phóng mặt bằng là khoảng 25 triệu/m2 theo tính toán của các đơn vị đề xuất.
Nguyên nhân dẫn đến giá thành trên là bởi đoạn đường này đi qua thành phố, có nhiều khu dân cư, đất nông nghiệp, đất xen kẽ. Do vậy, tính riêng chi phí giải phóng mặt bằng cho đoạn đường này là 22.000 tỷ đồng.
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhận định, trong công tác quy hoạch tuyến vành đai 3, các đơn vị cần hạn chế để tuyến đường đi qua đất ở, đất dân cư. Mặt khác, nếu tuyến đường đi qua đất nông nghiệp thì giá giải phóng mặt bằng nói trên phải xem xét lại.
Ngoài ra, chi phí xây dựng đối với đoạn vành đai 3 đi qua tỉnh Bình Dương cũng cần tính toán thêm. Cụ thể, với 5.600 tỷ đồng, bình quân, một km đường vành đai 3 đi qua tỉnh Bình Dương cần gần 400 tỷ đồng chi phí xây dựng.
Theo Báo Chính phủ, đối với dự án đường vành đai 3, Phó Thủ tướng giao UBND TP HCM là cơ quan chủ trì trình dự án này. TP HCM chủ trì làm việc với tư vấn để rà soát kỹ, cả về chi phí đầu tư, kinh phí giải phóng mặt bằng, xây dựng, phương thức đầu tư, để xây dựng dự án có hiệu quả nhất.
“Kinh phí đền bù, chi phí xây dựng đã chính xác chưa, tất cả yếu tố đó cần tính toán kỹ. Trong tổng số 88 km thì đoạn nào sử dụng hình thức đầu tư PPP, đoạn nào phải dùng 100% ngân sách”, Phó Thủ tướng nói.
Khi dự án tổng thể được phê duyệt thì đoạn tuyến trên địa phương nào thì địa phương đó triển khai. Quan trọng nhất là vấn đề tiến độ và thực hiện, Phó Thủ tướng cho rằng, làm sao phấn đấu trình dự án lên Chính phủ vào tháng 2/2022.
Đối với đường vành đai 4, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, UBND các địa phương là cơ quan có thẩm quyền triển khai thực hiện đối với dự án trên địa bàn.
Nêu rõ tinh thần phân cấp mạnh mẽ cho các địa phương, Phó Thủ tướng yêu cầu, “các địa phương cần chủ động thực hiện trên đoạn tuyến của mình, chủ động kêu gọi đầu tư”. Bộ GTVT nêu cao trách nhiệm, hỗ trợ các địa phương.
Theo quy hoạch, đường vành đai 3 TP HCM là đường vành đai liên vùng, điểm đầu của các tuyến cao tốc hướng tâm: TP HCM-Mộc Bài, TPHCM-Thủ Dầu Một-Chơn Thành... Về quy mô đầu tư giai đoạn 1 đầu tư khép kín đường vành đai 3 với quy mô 4 làn cao tốc hạn chế với chiều dài khoảng 76,36 km (chưa đầu tư đoạn Tân Vạn-Bình Chuẩn dài 15,3 km trên địa bàn tỉnh Bình Dương).
Về nguồn vốn, TP HCM đề xuất Trung ương hỗ trợ từ nguồn ngân sách Trung ương (Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội) để đầu tư dự án khoảng 83.290 tỷ đồng, bao gồm: Giải phóng mặt bằng một lần theo quy mô hoàn chỉnh; xây dựng tuyến chính - đường cao tốc 4 làn xe hạn chế (bao gồm các nút giao trên tuyến) và đầu tư đường song hành hai bên).
Trường hợp khó khăn về ngân sách Trung ương, lãnh đạo TP HCM kiến nghị Trung ương hỗ trợ toàn bộ kinh phí giải phóng mặt bằng, khoảng 47.000 tỷ đồng. Đối với phần xây lắp, các địa phương sẽ chủ động nghiên cứu đầu tư phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Thời gian thực hiện là 2021-2026.
Dự án đường vành đai 4 đi qua 12 huyện của 5 tỉnh, thành phố, dài 199 km, quy mô 8 làn xe. Đến nay, Bình Dương đã đầu tư được khoảng 21 km bằng ngân sách địa phương, hiện đang tiếp tục nghiên cứu đầu tư mở rộng theo quy hoạch.
Bình Dương và Đồng Nai cũng đã hợp tác đầu tư cầu Thủ Biên qua sông Đồng Nai kết nối hai tỉnh. Long An đã đầu tư và đang khai thác đoạn Hựu Thạnh-Bến Lức dài 17,25 km bằng hình thức hợp đồng BOT.