|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Vốn đầu tư Vành đai 3 TP HCM giảm gần 9.000 tỷ đồng

08:47 | 29/01/2022
Chia sẻ
Sơ bộ tổng mức đầu tư giai đoạn 1 của dự án Vành đai 3 TP HCM là 75.777 tỷ đồng. Con số này giảm gần 9.000 tỷ đồng so với mức dự kiến trước đó là 84.684 tỷ đồng.

Mới đây, UBND TP HCM đã trình Thủ tướng Chính phủ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng Vành đai 3 TP HCM để tổ chức thẩm định, trình Quốc hội xem xét, theo Thanh niên.

Theo tờ trình báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, dự án đường vành đai 3 TP HCM có tổng chiều dài 91,64 km. Điểm đầu là nút giao với đường cao tốc Bến Lức - Long Thành (thuộc huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai), kết thúc tại nút giao với đường cao tốc Bến Lức - Long Thành (thuộc huyện Bến Lức, tỉnh Long An).

Giai đoạn 1 của dự án đầu tư khoảng 76,34 km, quy mô 4 làn xe cao tốc hạn chế, tốc độ thiết kế 80 km/giờ, cùng phần đường song hành hai bên quy mô mỗi bên bố trí tối thiểu hai làn xe. 

Giai đoạn hoàn chỉnh đối với phần đường cao tốc là 8 làn xe, vận tốc thiết kế 100 km/giờ; Đối với phần đường song hành sẽ đầu tư toàn bộ hai bên tuyến, mặt cắt ngang mỗi bên có tối thiểu hai làn xe và hệ thống hạ tầng kỹ thuật.

Vốn đầu tư Vành đai 3 TP HCM giảm gần 9.000 tỷ đồng - Ảnh 1.

Sơ đồ hướng tuyến vành đai 3 TP HCM. (Đồ họa: Alex Chu).

Về tiến độ, từ 2022-2023 sẽ chuẩn bị, thực hiện đầu tư, quý IV/2023 khởi công dự án. Năm 2025 thi công cơ bản hoàn thành, thông xe toàn tuyến. Đến năm 2026 sẽ hoàn thiện toàn bộ tuyến đường.

Sơ bộ tổng mức đầu tư giai đoạn 1 của dự án là 75.777 tỷ đồng. Con số này giảm gần 9.000 tỷ đồng so với mức dự kiến trước đó là 84.684 tỷ đồng. 

Số tiền tiết giảm nhờ phần chi phí giải phóng mặt bằng đoạn đi qua tỉnh Bình Dương sau rà soát giảm khoảng 1.000 tỷ đồng. Phần còn lại đến từ việc điều chỉnh quy mô giai đoạn 1 của dự án cho phù hợp với tình hình thực tế.

TP HCM kiến nghị vốn ngân sách từ 4 địa phương (TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An) góp hơn 35.786 tỷ đồng và vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ gần 40.000 tỷ đồng.

Theo Pháp luật TP HCM, TP HCM và các tỉnh cũng thống nhất đề xuất nguồn vốn dự kiến cân đối từ ngân sách Trung ương để thực hiện dự án. Trong đó, nguồn vốn đã cân đối bố trí cho Bộ GTVT để thực hiện dự án đường đường Vành đai 3 trong kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 là khoảng hơn 17.146 tỷ đồng.

Đồng thời, UBND TP kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ KH&ĐT chuyển kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn cho TP HCM và các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An để thực hiện dự án trong năm 2022, 2023 để triển khai theo tiến độ. 

Ngoài ra, tiếp tục cân đối, bố trí phần vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ còn lại (22.843 tỷ đồng) cho TP HCM và các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An để thực hiện dự án.

Hiện nay, các địa phương chưa cân đối, bố trí nguồn vốn ngân sách địa phương trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025.

UBND TP HCM và các tỉnh thống nhất, kiến nghị Chính phủ đồng ý, trình Quốc hội cho phép các địa phương rà soát lại kế hoạch kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 của các địa phương để ưu tiên nguồn vốn bố trí cho dự án.

Đồng thời, chấp thuận việc tăng tổng mức vốn trung hạn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của các địa phương từ các nguồn vốn có thể huy động thêm trong giai đoạn 2021-2025. Cụ thể như từ việc cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước do UBND các địa phương quản lý; từ nguồn thu sử dụng đất;….

Dự kiến phần dự kiến tăng thu của các tỉnh, TP từ các nguồn đấu giá quỹ đất dọc tuyến, các nguồn vốn hợp pháp khác khi thực hiện đầu tư dự án đường Vành đai 3 TP HCM.

Phương Trang