Thứ trưởng Ngoại giao: 7 năm đàm phán gần 4.000 trang tài liệu EVFTA
Chiều 30/6, tại Hà Nội, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVIPA) chính thức được ký kết. Thứ trưởng Thương trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã trao đổi về tiến trình đàm phán các hiệp định thương mại tự do tham vọng nhất mà Liên minh châu Âu (EU) từng thỏa thuận với một quốc gia đang phát triển là Việt Nam.
- Xin Thứ trưởng cho biết tầm quan trọng và ý nghĩa của hai Hiệp định EVFTA và EVIPA đối với triển vọng quan hệ Việt Nam và EU?
- Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn: Việc ký kết EVFTA và EVIPA sau 7 năm đàm phán sẽ tạo những động lực mới nâng tầm quan hệ Việt Nam - EU trong thập kỷ thứ 4 của chặng đường phát triển quan hệ hai bên, đánh dấu bước chuyển quan trọng trong quan hệ đối tác và hợp tác toàn diện Việt Nam - EU. Hợp tác kinh tế-thương mại song phương đã chuyển từ chỗ cơ bản là Việt Nam nhận hỗ trợ của EU để phát triển, xóa đói, giảm nghèo và chuyển đổi nền kinh tế sang quan hệ đối tác hợp tác bình đẳng, cùng có lợi với các cam kết của một hiệp định thương mại tự do (FTA) “thế hệ mới”.
Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn
Theo nhiều nghiên cứu, EVFTA sẽ giúp GDP của Việt Nam tăng thêm 4,6% và xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm 42,7% vào năm 2025; GDP của EU ước tính sẽ tăng thêm 29,5 tỷ USD và xuất khẩu tăng 29% vào năm 2035. Như vậy, EVFTA và EVIPA mang lại những lợi ích kinh tế rất cụ thể và thiết thực cho nền kinh tế, doanh nghiệp và người dân của cả hai bên.
Với EU, EVFTA là hiệp định thương mại tự do tham vọng nhất mà EU từng thỏa thuận với một quốc gia đang phát triển. Việc ký kết Hiệp định khẳng định lợi ích chung của Việt Nam và EU trong việc cùng đóng góp thúc đẩy liên kết kinh tế quốc tế, tự do hóa thương mại và đầu tư bình đẳng, minh bạch và dựa trên luật lệ.
- Với mức độ cam kết sâu rộng, việc hai bên đi tới quyết định ký EVFTA và IPA chắc chắn không dễ dàng. Việt Nam và EU đã phải nỗ lực như thế nào để Hiệp định quan trọng này được ký kết, đặc biệt là việc thúc đẩy, vận động chính trị - ngoại giao, thưa Thứ trưởng?
- EVFTA và EVIPA là những hiệp định có mức độ cam kết sâu rộng và toàn diện. Do đó, các cơ quan Việt Nam và EU đã phải hết sức nỗ lực trong quá trình đàm phán, thống nhất nội dung Hiệp định với dung lượng gần 4.000 trang tài liệu. Sau khi chính thức hoàn tất rà soát pháp lý đối với EVFTA vào tháng 6/2018, hai bên tiếp tục phối hợp thúc đẩy tiến trình ký kết Hiệp định. Đây là quá trình không đơn giản.
Một là, EU phải tập trung giải quyết nhiều vấn đề nội bộ quan trọng như Brexit, chuẩn bị cho bầu cử Nghị viện châu Âu vừa diễn ra tháng 5/2019.
Hai là, EU có quy định hết sức chặt chẽ về ký kết các thỏa thuận thương mại quốc tế. Đơn cử, EVFTA phải được dịch sang ngôn ngữ của toàn bộ 28 nước thành viên để các nước tiến hành rà soát ngôn ngữ - pháp lý và nội dung văn kiện. Đây là quy trình bắt buộc và đỏi hỏi rất nhiều thời gian.
Ba là, việc thông qua quyết định ký các Hiệp định đòi hỏi sự đồng thuận của đa số các nước thành viên. Đối với Hiệp định EVIPA, để được ký kết cần có sự ủng hộ của toàn bộ 28 nước thành viên EU.
Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành liên quan cực trao đổi với các cơ quan của EU để thúc đẩy việc sớm ký kết các Hiệp định. Trong đó, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương tiến hành công tác vận động chính trị - ngoại giao, trao đổi, làm việc với phía EU để thúc đẩy ký và phê chuẩn EVFTA và EVIPA trong thời gian sớm nhất.
Thưa Thứ trưởng, với việc Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực từ ngày 14/1 và việc ký kết EVFTA và IPA ngày 30/6 đã khẳng định năm 2019 đánh dấu một giai đoạn mới của hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam?
- Tôi nhất trí với đánh giá năm 2019 đánh dấu giai đoạn mới của hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam. Những hoạt động hết sức sôi động, ở các tầng nấc khác nhau diễn ra trong 6 tháng đầu năm 2019 là những minh chứng rõ nét khẳng định tính toàn diện và sâu rộng của hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.
Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVIPA) chính thức được ký kết chiều 30/6, tại Hà Nội
Thứ nhất, Việt Nam ngày càng gắn kết sâu rộng hơn với thế giới, là nền kinh tế có độ mở cao hàng đầu khu vực Đông Nam Á, là một mắt xích trong các liên kết kinh tế khu vực và liên khu vực quan trọng. Việc tham gia các hiệp định FTA “thế hệ mới”, nhất là CPTPP và EVFTA, là những đột phá quan trọng của hội nhập quốc tế của nước ta.
Thứ hai, từ năm 2019, chúng ta bước vào giai đoạn thực thi các cam kết kinh tế quốc tế then chốt, trong đó có những FTA “thế hệ mới”. Đây là giai đoạn nước ta hoàn thành các cam kết trong nhiều khuôn khổ hợp tác kinh tế quan trọng như Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA) và Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Hồng Kông (AKFTA). Việt Nam nằm trong nhóm nước đầu tiên triển khai Hiệp định CPTPP – FTA “thế hệ mới” có quy mô cam kết rộng và tiêu chuẩn cao nhất từ trước đến nay mà nước ta tham gia, mở ra thị trường 10 nghìn tỷ USD, chiếm 13% GDP toàn cầu.
Thứ ba, Việt Nam tham gia vào quá trình định hình các cấu trúc mới ở khu vực và toàn cầu với tâm thế mới. Tại Hội nghị Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) - Davos tháng 1/2019, Việt Nam là nước đầu tiên ở Ðông Nam Á ký Thỏa thuận hợp tác với WEF xây dựng Trung tâm Cách mạng công nghiệp 4.0 tại Việt Nam và kết nối Trung tâm này với các Trung tâm Cách mạng công nghiệp 4.0 của WEF trên thế giới, khẳng định quyết tâm của Việt Nam trở thành một “quốc gia đổi mới sáng tạo”, một nền kinh tế liên kết sâu rộng với kinh tế toàn cầu.
Vừa qua, Việt Nam được mời tham dự Hội nghị G20 lần thứ 14 tại Nhật Bản, cùng 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới thảo luận, tìm giải pháp cho các vấn đề chung của nền kinh tế thế giới. Trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2020 và với sự tín nhiệm gần như tuyệt đối của cộng đồng quốc tế cho vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc năm 2020 - 2021, Việt Nam hoàn toàn có khả năng đóng góp tích cực vào kiến tạo và định hình cấu trúc khu vực và toàn cầu, tranh thủ thêm nguồn lực cho sự phát triển bứt phá trong thời gian tới.
- Xin cảm ơn Thứ trưởng!