|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT: Thẻ vàng IUU vẫn tiếp tục duy trì trong 6 tháng tới

17:16 | 26/12/2019
Chia sẻ
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho hay sau khi kiểm tra tình hình chống đánh bắt cá bất hợp pháp (IUU) của Việt Nam, Ủy ban châu Âu (EC) quyết định tiếp tục duy trì thẻ vàng đối với hải sản Việt Nam trong vòng 6 tháng tới.

Trả lời phỏng vấn bên lề Hội nghị Tổng kết Năm 2019 và triển khai kế hoạch năm 2020 của Tổng Cục thủy sản, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Phùng Đức Tiến cho hay sau đợt kiểm tra vừa qua, EC quyết định tiếp tục duy trì thẻ vàng đối với hải sản Việt Nam trong vòng 6 tháng tới.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT: Thẻ vàng IUU vẫn tiếp tục duy trì trong 6 tháng tới  - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến. Ảnh: Đức Quỳnh

"EC hẹn 15/5/2020 gửi báo cáo cho Việt Nam sau đó tiếp tục đến kiểm tra mức độ tuân thủ việc chống đánh bắt bất hợp pháp", Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết.

Theo Thứ trưởng, thời điểm EC cảnh báo thẻ vàng đối với hải sản Việt Nam là ngày 23/10/2017. Trong vòng hai năm qua, Chính phủ và Bộ NN&PTNT đã nỗ lực và vào cuộc quyết liệt để gỡ thẻ vàng. 

"Trong vòng hai năm qua, chúng ta đã cố gắng để EU không rút thẻ đỏ và duy trì thẻ vàng. Trong đợt kiểm tra vừa qua, EC đánh giá cao hệ thống pháp luật của Việt Nam đã đồng bộ với quốc tế và châu Âu, có tính răn đe mặc dù trước đó họ đánh giá mức xử phạt còn thấp", Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho hay. 

EC đánh giá Việt Nam nỗ lực không chỉ vì gỡ thẻ vàng mà còn vì nguồn lợi thủy sản sau này và đánh bắt bền vững.

Tuy nhiên, đại diện của Bộ NN&PTNT cho biết vẫn còn một số điều cần phải điều chỉnh vì thời gian thực hiện luật còn dài. 

Bên cạnh đó, vẫn còn hiện tượng tàu cá Việt Nam đánh bắt trái phép ở các vùng biển của nước ngoài. Theo đó, có 129 tàu đánh bắt ở các vùng biển nước ngoài và 69 tàu đánh bắt ở vùng biến tranh chấp. 

"Tuy nhiên, Việt Nam cũng đã đấu tranh, giải thích đối với các trường hợp đánh bắt ở vùng biển tranh chấp và EC cũng đã chia sẻ với điều này", Thứ trưởng cho hay.

Tại Hội nghị, ông Phạm Anh Tuấn cho biết nguyên nhân của việc liên tục tàu cá Việt Nam đánh bắt trái phép tại vùng biển nước ngoài là do nguồn lợi hải sản Việt Nam đang giảm dần. Trong khi đó, qui mô số lượng tàu đánh cá Việt Nam lớn.

Ngoài ra, EC cũng đánh giá việc thực thi pháp luật giữa các địa phương vẫn chưa đồng bộ. Theo đó, với cùng một hành vi vi phạm, các địa phương lại có những hình thức xử phạt khác nhau.

Đối với tỉnh Kiên Giang, EC đánh giá cao về những nỗ lực của tỉnh này trong việc chống đánh bắt thủy sản bất hợp pháp. Tuy nhiên, họ đánh cho rằng đó chỉ là những số liệu gần đây và trong đợt kiểm tra tới sẽ kiểm tra các tỉnh khác. 

Ngoài ra, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cũng chỉ ra cơ sở hạ tầng của Việt Nam còn yếu. Theo đó, cả nước có 125 cảng cá nhưng chỉ có 57% trong số này được đầu tư. 

"Trong cuộc họp với Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, phó chủ tịch thường trực tỉnh Quảng Ninh cho rằng hạ tầng thủy sản của Việt Nam còn đang 'nhếch nhác'", Thứ trưởng Tiến cho biết.

Ngoài ra, Thứ trưởng cũng chỉ ra một số tỉnh vẫn chưa thực quan tâm đến phát triển thủy sản. Trong thời gian tới, ban chỉ đạo sẽ có kết luận triển khai để khắc phục những tồn tại, đặc biệt là công tác tuyên truyền để người dân tôn trọng và hiểu qui định pháp luật.

H.Mĩ