|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu chấm dứt vi phạm IUU trong 6 tháng tới

10:05 | 13/12/2019
Chia sẻ
Đoàn thanh tra EC cho rằng nhận thức của ngư dân, một số bộ phận của tổ chức, cá nhân đảm nhận nhiệm vụ chống khai thác IUU vẫn chưa có sự chuyển biến đáng kể.

Thông tin từ báo Chính phủ cho biết tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia về IUU và tổng kết 5 năm thực hiện Nghị định 67 vào ngày 11/12, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã yêu cầu lãnh đạo các địa phương vào cuộc một cách trách nhiệm, quyết liệt hơn để chấm dứt tình trạng khai thác trái phép, không khai báo, không theo qui định (IUU).

Theo Phó Thủ tướng đoàn thanh tra EC vừa qua đã đánh giá và ghi nhận cam kết của Việt Nam trong việc chống khai thác IUU, khắc phục các khuyến nghị của EC, khẳng định Việt Nam đã có nhiều tiến bộ so với đợt kiểm tra vào tháng 5/2018 và đang đi đúng hướng.

Bên cạnh đó, đoàn thanh tra EC chỉ ra những tồn tại, hạn chế mà Việt Nam cần tập trung khắc phục. 

Trong đó, quan trọng nhất là tình trạng vi phạm khai thác cá tại các vùng biển quốc tế, việc không lắp đặt hoặc không sử dụng các thiết bị giám sát hành trình, hạn chế trong kiểm soát tàu và thuỷ sản khai thác tại các tàu cá… còn diễn ra.

Đáng chú ý, EC cho rằng nhận thức của ngư dân, một số bộ phận của tổ chức, cá nhân đảm nhận nhiệm vụ chống khai thác IUU vẫn chưa có sự chuyển biến đáng kể.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định, việc gỡ thẻ vàng của EC có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc phát triển hoạt động xuất khẩu sản phẩm thủy sản, phát triển kinh tế đất nước, là cơ hội để tái cấu trúc lĩnh vực thuỷ sản theo hướng bền vững, hiện đại.

Đồng thời giữ hình ảnh và uy tín của quốc gia trên trường quốc tế trong bối cảnh Việt Nam đang tích cực hội nhập kinh tế quốc tế.

Trên cơ sở đó, Phó Thủ tướng yêu cầu trong 6 tháng tới trước khi đoàn thanh tra EC tiếp tục sang Việt Nam kiểm tra, các bộ, ban, ngành liên quan và UBND 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển phải tiếp tục tập trung nguồn lực triển khai thực hiện các giải pháp để chấm dứt vi phạm của tàu cá Việt Nam tại các vùng biển quốc tế.

Trong đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) chủ trì, nghiên cứu kĩ, tiếp thu đầy đủ, nghiêm túc các khuyến nghị của EC để đẩy nhanh tiến độ thực hiện có hiệu quả các giải pháp chống khai thác IUU, đặc biệt là tham mưu đề xuất sửa đổi, bổ sung khung pháp lí đảm bảo phù hợp với khuyến nghị của EC và tình hình thực tiễn của Việt Nam.

Bộ Quốc phòng chủ trì triển khai các giải pháp hiệu quả, kiên quyết ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá và ngư dân Việt Nam vi phạm khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài trong thời gian sớm nhất, trước thời điểm EC sang Việt Nam kiểm tra lần thứ ba.

Bộ Công an khẩn trương điều tra, xử lí nghiêm để làm gương đối với tổ chức, cá nhân môi giới đưa tàu cá và ngư dân Việt Nam đi khai thác hải sản trái phép ở ngoài vùng biển Việt Nam, các tàu cá cố tình sử dụng biển số giả của nước ngoài để vi phạm vùng biển các nước.

Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với các bộ, ban, ngành và địa phương tuyên truyền, hướng dẫn ngư dân về ranh giới hoạt động trên biển đảm bảo tàu cá Việt Nam được phép hoạt động khai thác hải sản hợp pháp. 

Đồng thời đẩy mạnh thông tin về những kết quả chống khai thác IUU mà Việt Nam đã triển khai, đề nghị các nước cung cấp chứng cứ tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển nên bị bắt giữ, kịp thời cung cấp cho Bộ NN&PTNT và các địa phương để áp dụng biện pháp xử lí vi phạm...

Về lâu dài, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ NN&PTNT chủ trì, tiến hành tái cơ cấu ngành, nghề thuỷ sản. 

Trong đó chuyển đổi một cách hợp lí từ khai thác sang nuôi trồng, đặc biệt là nuôi biển. Bộ NN&PTNT khẩn trương xây dựng Chiến lược phát triển thuỷ sản, trên cơ sở đó xây dựng Đề án phát triển nuôi biển, coi đây là đột phá trong việc chuyển đổi cơ cấu ngành thuỷ sản.

Như Huỳnh